(Baothanhhoa.vn) - Theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ, mùa xuân là mùa của sự sống nảy nở sinh sôi, mùa khởi đầu của một năm trái đất xoay vần 365 ngày sang đêm. Mùa xuân - ấy cũng là mùa lễ hội, mà lễ hội quê Thanh rất giàu bản sắc, rất đậm nét riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội mùa xuân quê Thanh

Theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ, mùa xuân là mùa của sự sống nảy nở sinh sôi, mùa khởi đầu của một năm trái đất xoay vần 365 ngày sang đêm. Mùa xuân - ấy cũng là mùa lễ hội, mà lễ hội quê Thanh rất giàu bản sắc, rất đậm nét riêng.

Lễ hội mùa xuân quê Thanh

Rước kiệu tại lễ hội đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn). Ảnh: Lê Bá Dũng

Lễ hội truyền thống quê Thanh diễn ra quanh năm, nhưng tập trung đậm đặc nhất là vào mùa xuân, thời điểm từ đầu tháng giêng cho tới hết tháng ba âm lịch. Trong hơi xuân phơ phất, giữa thời khắc thiêng liêng giao hòa của đất trời và lòng người, ai cũng mong muốn về một cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Lễ hội là nơi kết tinh, hội tụ của niềm tin và khát vọng, trí tuệ và nhân văn, tinh thần đoàn kết và sức mạnh cộng đồng gắn bó khăng khít. Nơi ấy còn là cội nguồn dân tộc, là tuổi thơ thấm đẫm, là tình người, là nhớ, thương... để mỗi người luôn xốn xang tìm về.

Miền quê Thanh – vùng đất giàu bản sắc lịch sử, văn hóa, địa linh nhân kiệt lại càng thấm đẫm những tinh hoa trong từng lễ hội. Sắc màu lễ hội quê Thanh trải dài từ nơi đại ngàn xa thẳm xuống trung du, rồi dải đồng bằng, ra tận biển khơi nặng đầy sóng gió và tít tắp chân trời nơi hải đảo thiêng liêng. Với người dân quê Thanh, việc tổ chức và tham gia lễ hội hằng năm là nhu cầu thiết yếu về mặt tinh thần, đòi hỏi chính đáng của tín ngưỡng tâm linh, nhằm tưởng nhớ tới công đức các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Qua đó, mỗi người dân được bồi đắp thêm lòng tự hào, có trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc.

Vào các ngày 24 đến 26 tháng 3 âm lịch thường niên, đồng bào trên khắp vùng cao biên giới cùng du khách muôn phương lại nô nức kéo nhau về thủ phủ Mường Xia (Quan Sơn) trẩy hội cầu may, cầu phúc và cầu duyên. Trong không gian tưng bừng của lễ hội, du khách được tận mắt chứng kiến nghi lễ văn hóa tâm linh đặc biệt, đó là tục cúng tế “Hòn đá vía” nhằm bày tỏ lòng tri ân thành kính đối với người anh hùng Tư Mã Hai Đào đã có công bảo vệ bờ cõi biên cương, dựng nên vùng đất Mường Xia đông vui, trù phú. Đây cũng chính là nét nhân văn trong tục “gửi vía” rất riêng đã trở thành tập quán bao đời của người Thái vùng biên giới quê Thanh.

Với quan niệm và tín ngưỡng trong trẻo, thuần phát, người Thái bản Lùm Nưa - Chiếng Ván từ bao đời nay không quên truyền lại cho con cháu lòng cảm phục, biết ơn, thương yêu vô hạn đối với nàng Han - người con gái tộc Thái anh hùng xinh đẹp, thông minh, có tài võ nghệ đã hy sinh tuổi xuân cho sự bình yên của muôn dân, xã tắc. Lễ hội nàng Han diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tháng giêng và kéo dài trong suốt cả mùa xuân. Tham gia lễ hội nàng Han, du khách được hiểu biết về tục chơi Hang Mường - một tục lệ cổ, đặc sắc mang đậm tín ngưỡng phồn thực, cầu con, cầu của, cầu nhân khang vật thịnh... cùng trai làng, gái bản trong y phục đủ màu múa điệu cá sa quanh cây hoa, nhảy sạp và thưởng thức hương vị “quế ngọc châu Thường” nổi tiếng trứ danh.

Trên các bản vùng cao của huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, cứ vào độ tháng 3 âm lịch, khi mùa hoa bông trăng nở, đồng bào Mường nơi đây lại mở lễ hội Pồn Pôông. Pồn Pôông tiếng Mường nghĩa là “chơi hoa”, lễ hội Pồn Pôông là một cuộc vui chơi nhảy múa xung quanh cây hoa với sắc thái tín ngưỡng dân gian, một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Mường xứ Thanh.

Nằm ở phía bên kia Công trình hồ Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt là đền Cửa Đặt thuộc xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Lễ hội nơi đây diễn ra từ mùng 5 tháng giêng đến đầu tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ tới Cầm Bá Thước - người đã giương cao ngọn cờ khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp và Chúa Thượng Ngàn - Chúa của rừng xanh.

Hành hương qua địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh từ ngày mùng 1 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, du khách sẽ bắt nhập vào dòng người đi trẩy hội Phủ Na. Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ là nơi có cảnh sắc tươi đẹp, gió núi, mây ngàn, suối reo, thác đổ...

Về với Lễ hội Khai Hạ (xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy) vào ngày mùng 8 tháng giêng để thưởng thức lễ hội gắn với truyền thuyết suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập Mường. Hay về với Lễ hội đền Bà Triệu từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 2 âm lịch tại làng Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) để thấy sự vô cùng quý giá của một lễ hội truyền thống - di tích quốc gia đặc biệt đã được công nhận. Trong không gian linh thiêng của đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Lễ hội truyền thống Sòng Sơn – Ba Dội trong 3 ngày (từ 24 đến 26 tháng 2 âm lịch), nhằm tri ân Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong 4 vị Thánh bất tử của dân tộc Việt Nam và người anh hùng dân tộc Quang Trung đã đánh đuổi quân Thanh, giữ yên bờ cõi, giành lại độc lập cho dân tộc. Qua đó, người dân gửi gắm những ước muốn và khát vọng, cầu mong các vị che chở, gặp nhiều may mắn, tốt lành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội quê Thanh còn độc đáo, đặc sắc bởi các trò diễn dân gian của làng Xuân Phả (Thọ Xuân) vào ngày 10 và 11-2 âm lịch, với 5 bộ trò tiêu biểu gồm các trò: Hoa Lang, Ai Lao, Chiêm Thành, Tú Huần, Ngô Quốc, mô phỏng các hoạt động của quốc gia, tộc người láng giềng đến yết kiến, tiến cống nhà vua nước Việt. Hay Lễ hội Trò Chiềng vào ngày 12 tháng giêng, bắt đầu từ trò voi trận - chọi voi và được nâng dần lên thành lễ hội với hệ thống tương đối hoàn chỉnh gồm 12 trò diễn. Ban đầu lễ hội Trò Chiềng được dành để biểu diễn cho vua Lý và các đại thần trong dịp lễ hội đầu xuân. Về sau Trịnh Quốc Bảo đã tổ chức cho con cháu ở quê nhà Trịnh Xá diễn lại các trận đánh xưa, đồng thời tiếp thu thêm các trò diễn từ đất Thăng Long về truyền lại cho dân làng. Từ đó, lễ hội Trò Chiềng lại được tổ chức hàng năm trong ngày hội làng với nhiều trò diễn phong phú và sinh động. Về làng Quỳ Chử (Hoằng Hóa) được thỏa sức xem cuộc diễn trò trên mặt hồ nước rộng phía trước làng. Những chiếc thuyền xinh xắn chồng chềnh bơi quanh hồ chở theo các cặp trai tài, gái sắc. Trên thuyền, nữ khéo léo đun lửa nấu cơm trong những chiếc niêu đồng, nam khỏe tay buông lưới, quăng chài bắt cá theo nhịp trống, chiêng và các làn điệu hát đối xung quanh hồ. Mọi người thi nhau reo hò, cổ vũ làm cho không gian mùa xuân dường như thi vị và sống động hơn bởi những trò diễn dân gian hết sức độc đáo.

Với cư dân miền biển, Lễ hội Cầu Ngư lại mang một sắc thái đậm đà khó quên, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và các vùng lân cận. Trong suốt 4 ngày diễn ra (từ ngày 21 đến 24 tháng 2 âm lịch), lễ hội nhằm tạ ơn tứ vị Thánh Nương và cầu các thần linh biển phù hộ che chở cho ngư dân một cuộc sống quốc thái, dân an, ra khơi vào lộng mưa thuận gió hòa, cá tôm đầy thuyền. Du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hòa dân gian với các trò chơi, trò diễn có từ xa xưa trong cộng đồng làng xã như: Đua thuyền, hát ghẹo... cùng ngư dân làng Diêm Phố hy vọng về những điều may mắn tốt lành trong cuộc sống. Tham gia hội bơi vùng cửa biển Lạch Bạng (Tĩnh Gia) được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới để làm đẹp lòng các vị thần sông biển, cầu mong một mùa ra khơi vào lộng xuôi chèo mát mái. Đó cũng là dịp để luyện sức rèn tài cho ngư dân làm nghề chài lưới quanh năm bốn mùa làm bạn với sóng cả. Ngày hội bơi trên bến, dưới thuyền, nhân dân và du khách muôn phương đổ về xem hội, hò reo cổ vũ cho những mái chèo quạt nước, cưỡi sóng, xô nước để cầu thủy thần che chở cho ngư dân một mùa biển lặng lưới chài đầy khoang...

Xứ Thanh có hơn 300 lễ hội truyền thống được hình thành từ buổi bình minh dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc cho đến nay. Mỗi một địa phương ít nhiều đều có một vài lễ hội đặc trưng. Lễ hội phong phú như vậy không chỉ thỏa mãn đời sống tinh thần, tâm linh mà còn góp phần làm giàu bản sắc cho kho tàng di sản của đất và người quê Thanh. Trải lòng trong không gian lễ hội mùa xuân để thẩm thấu những giá trị trường tồn của sắc màu văn hóa và thêm tự hào về những nét đẹp truyền thống của lễ hội mùa xuân quê Thanh.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài Và Ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]