Đất làng Quảng Hán
Làng Quảng Hán, xã Yên Ninh (trước đây thuộc xã Yên Hùng, huyện Yên Định) nằm trong không gian của vùng đất cổ Quảng Mạc trang. Làng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước năm 2010.
Cổng làng được người dân xây dựng khang trang. Ảnh: Khánh Lộc
Làng Quảng Hán (người dân nơi đây thường gọi là làng Quảng) còn được biết đến với tên cổ là Kẻ Quảng. Theo sử sách và lưu truyền dân gian, làng được lập dựng vào thời nhà Lý. Những thế hệ đầu tiên đến đây sinh sống chia Kẻ Quảng thành các xóm: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Về sau là hai thôn lớn Đông Thọ và Thượng Bảng. Hiện làng gồm ba thôn: Thành Thái, Sơn Cường và Hòa Thượng. Trước khi sáp nhập xã, Quảng Hán là làng có diện tích rộng nhất và đông dân nhất của xã Yên Hùng.
Trên đất làng Quảng Hán xưa có sự hiện hữu của các công trình kiến trúc tâm linh như nghè thờ thần Cao Sơn, chùa thờ Phật, đình làng bề thế là nơi thờ nhị vị thành hoàng đã có công lập làng. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội làng truyền thống vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm.
Về làng Quảng Hán hôm nay, du khách không khỏi cảm mến trước không gian làng quê thanh bình, được điểm tô bởi những công trình văn hóa đã được người dân gìn giữ và tôn tạo.
Dẫn chúng tôi tham quan quanh làng, dừng chân tại Phủ Cua, bên cạnh cây đa, giếng nước của làng, ông Lê Đức Vạn, trưởng làng Quảng Hán cho biết: “Nếu so với nhiều vùng quê nông thôn khác, thì có thể đời sống vật chất, điều kiện kinh tế của người dân Quảng Hán vẫn chưa thực sự cao. Dẫu vậy, có một “tài sản” rất lớn hàng trăm năm qua luôn được dân làng giữ gìn như báu vật, đó chính là tinh thần đoàn kết. Chính tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh để đất và người Quảng Hán vượt qua những khó khăn, dù là trong chiến tranh bom đạn hay khi đất nước hòa bình, kiến thiết xây dựng quê hương”. Và như một “pho sử” sống của làng, ông Vạn chia sẻ với chúng tôi nhiều hơn những câu chuyện của làng Quảng Hán.
Vào thời nhà Lê, Quận công Nguyễn Kim Bài và đại tướng quân Lê Nghiễm đã có công phò vua, giúp nước, an dân. Công lao của hai ông đã được các triều đại vua về sau ban sắc phong. Đến thời thuộc Pháp, những người dân Quảng Hán đã sớm giác ngộ, đi theo cách mạng. Thầy giáo Nguyễn Đức Cống người làng Quảng Hán vốn là người có chữ nghĩa, khi được tiếp cận với tư tưởng tiến bộ, thầy giáo trẻ đã xác định con đường cách mạng để theo. Thông qua các hoạt động, năm 1928 thầy giáo Cống tham gia tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng, trở thành Hội trưởng Hội “Tương tế ái hữu” làng Quảng Hán. Những người làng Quảng Hán sau khi được giác ngộ đã dũng cảm làm nhiệm vụ liên lạc, nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật.
Thông qua việc dạy chữ quốc ngữ cho người dân địa phương, thầy giáo Nguyễn Đức Cống cũng truyền bá các tư tưởng cách mạng cho thanh niên trẻ và người làng. Qua đó thúc đẩy phong trào cách mạng “bén rễ” trong quần chúng Nhân dân làng Quảng Hán. Chỉ sau một thời gian hoạt động, Quảng Hán đã trở thành một cơ sở cách mạng tin cậy, được cấp trên thường xuyên về liên lạc với cán bộ cách mạng để tuyên truyền vận động xây dựng và củng cố phong trào. Hội “Tương tế ái hữu” thu hút đông hội viên tham gia. Cũng từ đây, các hội quần chúng như hội cày bừa, hội làm nhà ra đời... để người dân cùng giúp nhau, từ đó tăng thêm tình đoàn kết.
Khi phong trào cách mạng ở Quảng Hán phát triển mạnh mẽ khiến chính quyền thực dân không khỏi lo ngại. Chúng cho lực lượng về dò xét và bắt bớ. Nhằm che mắt kẻ địch, người dân đã lập dựng Phủ Cua trên Đồi Mót vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, cũng đồng thời để bí mật liên lạc, hoạt động nhằm che mắt kẻ địch. Trong những năm tiền khởi nghĩa, Phủ Cua làng Quảng Hán là một trong những địa điểm hoạt động bí mật nhưng không kém phần sôi nổi. Cũng tại đây, đội tự vệ của làng còn cất giấu vũ khí, luyện tập võ nghệ để chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Đầu năm 1945, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, cùng với việc thành lập Trung đội “Trần Quốc Toản”, ở làng Quảng Hán không khí cách mạng đã thực sự sục sôi. Từ việc luyện tập võ nghệ, mở lò rèn vũ khí, trang bị vũ trang cho lực lượng nòng cốt... sẵn sàng vùng lên. Sau khi được thành lập, Trung đội “Trần Quốc Toản” làng Quảng Hán đã nhiều lần tổ chức và tham gia các cuộc mít tinh kêu gọi Nhân dân chống phát xít Nhật, giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cả dân tộc lại cùng nhau bước vào những cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập. Bấy giờ, người dân Quảng Hán lại cùng nhau hăng hái đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đất làng Quảng Hán là địa điểm đón nhận các cơ quan, đơn vị về sơ tán. Các di tích của làng trở thành địa điểm đặt bệnh viện để chữa bệnh cho thương, bệnh binh, người dân... Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, làng Quảng Hán còn làm tốt vai trò hậu phương khi đã huy động hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cùng tiền bạc để gửi ra tiền tuyến.
Hòa trong dòng chảy lớn của lịch sử dân tộc, mỗi vùng đất, làng quê lại mang trong mình một “câu chuyện” lịch sử nhỏ. Đó là chuyện lập làng, xây dựng quê hương, đấu tranh cách mạng... Ở Quảng Hán cũng vậy, những truyền thống tốt đẹp đã và đang trở thành nguồn lực để đất và người nơi đây xây dựng quê hương đẹp hơn từng ngày.
Khánh Lộc
(Bài viết có tham khảo nội dung trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Yên Hùng, NXB Thanh Hóa, 2010).
{name} - {time}
-
2025-07-11 21:48:00
Người gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt
-
2025-07-04 23:33:00
“Hàn Sơn kỳ ngộ duyên thiên sắc”
-
2025-07-04 21:16:00
Phú Liễm - làng có công với nước