(Baothanhhoa.vn) - Mỗi bức thư là một câu chuyện của người bệnh; các y, bác sĩ là một phần trong câu chuyện ấy: Họ cùng nhau trải qua những đêm dài truyền thuốc, hồi hộp xem phản ứng của cơ thể, cùng mong chờ hiệu quả của phác đồ điều trị.... đó là điều xúc động, thiêng liêng mà chỉ những người thầy thuốc mới có được.

Đằng sau bức thư cảm ơn

Mỗi bức thư là một câu chuyện của người bệnh; các y, bác sĩ là một phần trong câu chuyện ấy: Họ cùng nhau trải qua những đêm dài truyền thuốc, hồi hộp xem phản ứng của cơ thể, cùng mong chờ hiệu quả của phác đồ điều trị.... đó là điều xúc động, thiêng liêng mà chỉ những người thầy thuốc mới có được.

Đằng sau bức thư cảm ơnMột bức thư cảm ơn của bệnh nhân gửi các y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh.

Hành trình một lời cảm ơn

Hơn 12 năm cùng vợ chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến nước bọt, trong đó gần 3 năm tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, ông Nguyễn Viết Xuân, 77 tuổi, ngụ tại thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống luôn băn khoăn muốn làm một điều gì đó để cảm ơn y, bác sĩ đã chăm sóc cho vợ mình là bà Trần Thị Hảo, 74 tuổi. Một ngày cuối năm Giáp Thìn, ông Xuân lần đầu đến Báo Thanh Hóa. Ông mong muốn, Báo Thanh Hóa sẽ giúp mình gửi những tâm tư, tình cảm chất chứa bấy lâu đến các y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, cái hối cả của những ngày giáp tết đã cuốn người ủy thác và người nhận ủy thác vào những dự định riêng.

Lần thứ 2, ông đến Báo Thanh Hóa cùng lá thư viết tay dài 2 mặt giấy và bài thơ “Những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến ung thư”. Nội dung bài thơ có đoạn: Vợ tôi bị bệnh hiểm nghèo/ Di căn xương, phổi gần theo cố già/ Mười Đông ròng rã viện K/ Hóa trị, mổ, xạ, thật là gian nan/ Răng long họng loét, lợi mòn/ Xương hàm tự hoại, đầu tròn bóng da... Tuổi cao được bác sĩ Hà/ Cùng bao đồng nghiệp cứu qua tử thần/ Mười hai Đông sắp đi qua/ Vẫn đang hóa trị là quà mừng Xuân... Bài thơ được đọc lên, tình cảm chân thành ẩn chứa trong từng câu chữ làm dịu cả cái nóng ngột ngạt những ngày đầu hạ tháng 4.

Mang theo bài thơ cùng lá thư cảm ơn và những chia sẻ về tháng ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư của vợ chồng ông Xuân, chúng tôi đến Bệnh viện Ung bướu tỉnh. Đến, ban đầu là vì trách nhiệm, cùng một chút tò mò về một bệnh viện “độc đáo” với những con người tử tế, theo lời ông Xuân. Và khi trở về, tôi đã có câu trả lời: “Vì họ xứng đáng”. Đó là một cơ ngơi rộng lớn, hiện đại và sạch thoáng. Thế nhưng, điều khiến tôi thực sự bị cuốn hút lại là những điều rất nhỏ nhưng tiền bạc khó đổi được. Tôi ghé phòng 912 hỏi nhỏ một bệnh nhân đang điều trị: “Ở đây có điều gì không hài lòng không?”. Người phụ nữ cười rất tươi, trả lời không cần suy nghĩ: “Thương còn không hết”. Thế là, người nhà và bệnh nhân tụ lại kể, cách họ được chăm sóc, quan tâm và mối quan hệ giữa cán bộ y tế với người bệnh ở đây ấm áp như thế nào.

Gửi bức thư cảm ơn cho Ths.Bs Hoàng Thị Hà, Trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ - người được nhắc đến trong bài thơ, chị đón nhận với tất cả sự trân trọng. Nét chữ của một người gần 80 tuổi tuy khá khó đọc nhưng tràn đầy tình cảm chân thành. Trong thư, ông kể về sự song hành, nỗ lực của bác sĩ Hà trong quá trình kiềm chế sự phát triển của khối u trong người bà Hảo; nỗi vất vả của các cán bộ y tế tại khoa... những điều ông mắt thấy, tai nghe. Đồng thời, ông cũng gửi lời tri ân đến tập thể ban lãnh đạo, y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh. “Bác sĩ Hà tận tâm, cố gắng dùng hết cách điều trị cho vợ tôi và qua các đợt kiểm tra thì khối u đã được khống chế và ổn định. Tôi rất vui mừng. Vợ tôi đang được tiếp tục điều trị... Thời gian điều trị tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, tôi thấy Khoa Hồi sức tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ, nay là Khoa Chăm sóc giảm nhẹ - nơi vợ tôi đang điều trị, nói riêng và các khoa khác nói chung, hầu hết các y, bác sĩ đều tận tâm, vui vẻ. Những bệnh nhân nặng, không có người chăm sóc, cán bộ y tế trở thành người nhà bệnh nhân: Nâng lên, đặt xuống, lau rửa, ăn uống, thuốc thang... Tôi thật sự rất cảm động”, ông Xuân viết.

Là cháu, là con, là chị, là mẹ của bệnh nhân

Lấy từ trong ngăn kéo một cuốn sổ lớn, chị Hà tiết lộ, cuốn sổ có chức năng lưu trữ những góp ý, phản hồi về công tác điều trị ở Khoa, trong đó có cả những lá thư cảm ơn như vậy. Với những y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh nói chung, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ nói riêng, mỗi lá thư là một câu chuyện, một kỷ niệm mà mỗi khi đọc lại sẽ khóc, cười từ trong tiềm thức. Có thư viết gửi chung tập thể bệnh viện, khoa; có thư lại được bệnh nhân dành riêng cho một bác sĩ, một điều dưỡng nào đó. Chủ nhân những bức thư, có người đang trong phác đồ điều trị, gặp các bác sĩ theo định kỳ để chữa chạy, thuốc men; nhưng cũng có người mãi không trở lại. Những lá thư vì thế, trở thành kỷ niệm của cả người ra đi và người ở lại. “Gần 20 năm trong ngành, nhận hàng ngàn lời cảm ơn, hàng trăm lá thư của người nhà bệnh nhân gửi, cảm xúc vẫn như ngày nào: vui và cảm động, yêu nghề thêm một chút. Mỗi bức thư là một câu chuyện của người bệnh, bản thân là một phần trong câu chuyện ấy, cùng họ chiến đấu với bệnh tật. Đây là điều thật xúc động, thiêng liêng mà chỉ những người trong ngành chúng tôi mới có được”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Đằng sau bức thư cảm ơnBác sĩ Hoàng Thị Hà (giữa) sát cánh cùng bệnh nhân.

Trò chuyện với bác sĩ Hà, chúng tôi được biết, quá trình điều trị lâu dài, bệnh viện đôi khi trở thành ngôi nhà thứ 2; bệnh nhân và y, bác sĩ trở thành người nhà lúc nào không hay. Trong câu chuyện của cô giáo mầm non Trần Thị Hồng Thái, sinh năm 1985, xã Hà Giang (Hà Trung), nữ bác sĩ như một người chị gái, một người bạn, an ủi, vỗ về... giúp người bệnh có thêm sức mạnh.

Phát hiện bệnh ung thư đại tràng từ năm 2013, chị Thái đã phải trải qua 4 cuộc đại phẫu vì tế bào ung thư di căn và hàng chục chu kỳ hóa chất, xạ trị. Đã không ít lần chị Thái tuyệt vọng đến mức nói lời từ biệt với bác sĩ Hà vì nghĩ bản thân sẽ không qua khỏi. Chị đã khóc như một đứa trẻ khi nghe những lời nức nở của một người mẹ, trăn trở về cuộc sống của cô con gái nhỏ khi bản thân chết đi. Lúc đó, bác sĩ Hà chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao để chị Thái sống càng lâu càng tốt. Và chị đã làm được. Hơn 10 năm qua, chị Thái vẫn đang nỗ lực chiến đấu với căn bệnh quái ác kia.

Chị Thái gửi gắm: “Hơn 10 năm qua nếu không có sự động viên của bác sĩ Hà cùng các bác sĩ và gia đình, có lẽ tôi không thể vững lòng mà sống đến hôm nay. Sẽ đến ngày tôi không còn gắng gượng được nữa, tôi sẽ nhớ hình ảnh các bác sĩ và điều dưỡng tóc rối bù, gương mặt mỏi mệt nhưng vẫn cố động viên tôi, nhớ những lần được vỗ về, an ủi khi tôi tuyệt vọng nhất”.

Với bác sĩ Hà, ung thư không phải là dấu chấm hết. Những người mới phát hiện bệnh thường có tâm lý lo sợ, nặng nề. Mắc bệnh tất nhiên là điều không một ai mong muốn, nhưng nếu như không may mắc phải, thì tinh thần là điều rất quan trọng trong công tác điều trị bệnh. Tinh thần lạc quan, yêu đời, mạnh mẽ để “chiến đấu” với căn bệnh là liều thuốc đắc lực trong công tác điều trị ung thư. “Ngày nay y học đã phát triển lắm rồi, đã có nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư một cách hiệu quả. Do đó ung thư đã không còn là án tử, người bệnh cần vững vàng tâm lý và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, đặc biệt là cần tinh thần lạc quan thì sẽ chiến thắng bệnh tật...”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Trong cuộc sống, ngành nghề nào cũng đáng quý và cao cả, mỗi ngành nghề đều có tính chất và đặc thù công việc riêng. Nhưng có lẽ, ở nơi chăm sóc những mảnh đời cùng khổ như Bệnh viện Ung bướu tỉnh, những y bác sĩ, điều dưỡng tại đây xứng đáng nhận được sự biết ơn vì những hy sinh thầm lặng, những việc làm xuất phát từ tâm trí, trái tim của những con người tử tế.

Bài và ảnh: Minh Tâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]