(Baothanhhoa.vn) - Công nghệ tưới tiên tiến (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel) mang lại những ưu thế vượt trội như tiết kiệm nước, giảm nhân công lao động, chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Do đó, những năm gần đây, nhiều nông dân, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã và đang lựa chọn công nghệ tưới này trong phát triển nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp

Công nghệ tưới tiên tiến (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel) mang lại những ưu thế vượt trội như tiết kiệm nước, giảm nhân công lao động, chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Do đó, những năm gần đây, nhiều nông dân, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã và đang lựa chọn công nghệ tưới này trong phát triển nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệpKhu nhà màng trồng dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình ông Phùng Văn Thành, tiểu khu 6, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Ảnh: Nguyễn Đạt

Tìm về khu trồng rau, củ, quả trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), thời điểm này, màu xanh mơn mởn của những luống rau, những vườn dưa Kim Hoàng Hậu... đang làm dịu đi cái nắng gay gắt của mùa hè. Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà màng trồng dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình mình, ông Phùng Văn Thành, tiểu khu 6, phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng rau, củ, quả theo kiểu truyền thống nên hiệu quả mang lại rất thấp. Sau khi địa phương có chủ trương đẩy mạnh phát triển trồng rau, quả theo hướng VietGAP, cùng với đó là được tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà màng nhà lưới với diện tích 2.000m2 để trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, gia đình tôi đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Theo đó, tôi đã đầu tư 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới này. Sau khi lắp đặt, chỉ cần mở van, hệ thống tự động sẽ tưới đồng loạt cho hàng trăm gốc dưa, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nước tưới. Đồng thời, cũng có thể dễ dàng hòa lẫn các loại phân bón nhờ hệ thống ống dẫn thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng, nên cây hấp thụ tốt hơn và năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống”.

Tính đến nay, trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa đã xây dựng được mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn với diện tích 25 ha; trong đó, có 16,7 ha đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm chủ yếu là dưa Kim Hoàng Hậu, dưa baby, rau, đậu các loại. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hầu hết người trồng rau tại đây đều áp dụng công nghệ tưới tiên tiến. Khi áp dụng hệ thống tưới này các nhà vườn có thể lên lịch tưới vào thời điểm không căng thẳng về điện. Cụ thể, có thể tưới vào lúc 2h - 3h sáng, khi đó điện ổn định nên nhà vườn có thể chủ động về thời gian tưới. Đặc biệt, nếu theo cách tưới truyền thống, mùa nắng nông dân không thể bỏ phân, phải canh trời mưa, dẫn đến hiệu quả rửa trôi thấp. Trong khi đó, sử dụng hệ thống này giúp bón phân theo định kỳ thông qua tưới nước nên hiệu quả hấp thu phân bón lên tới 80%. Cũng nhờ đó, năng suất, chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn tăng lên rõ rệt. Theo tính toán của các hộ dân, nếu như trước đây sản xuất theo phương pháp truyền thống thì 1 ha rau màu thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả an toàn đã cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha năm.

Trên địa bàn huyện Yên Định hiện nay cũng đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP tính đến nay là 51 ha; cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ 9 ha; 77 ha rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó có 7 ha nhà màng, nhà lưới, ứng dụng đồng bộ công nghệ tưới tiên tiến... Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả áp dụng tưới phun mưa tại xã Yên Trung, quy mô 12 ha; mô hình trồng cây ăn quả áp dụng tưới nhỏ giọt tại các xã Yên Thọ, Định Bình, quy mô 7 ha; ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới vào sản xuất rau an toàn tại các xã: Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường; sản xuất mạ khay tại xã Định Hưng...

Chúng tôi đến tham quan khu sản xuất mạ khay áp dụng hệ thống tưới phun mưa của gia đình ông Bùi Văn Toan, xã Định Hưng và được biết: Với mục đích đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, nên ông Toan đã đi tham quan, học hỏi mô hình này tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, sau đó về áp dụng tại địa phương. Mạ khay, cấy máy là mô hình mới, đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật, các khâu, các bước. Đặc biệt, là giai đoạn làm mạ, phải luôn giữ được nhiệt độ và độ ẩm không khí ở mức độ thích hợp cho cây mạ từ khi mọc mầm tới khi đạt tiêu chuẩn để gieo cấy. Bởi vậy, ông đã đầu tư hệ thống tưới phun mưa. Với hệ thống này sẽ cung cấp nguồn nước, phân bón cho cây mạ thông qua hệ thống lọc nước và van hồi nước. Với chế độ phun sương nhẹ có chức năng rửa lá, không làm tổn thương lá, không tràn trên luống nhiều, tạo vùng tiểu khí hậu phù hợp cho phát triển của mạ nên hạn chế tối đa sự phát sinh, phát triển và lây lan của sinh vật gây hại... Nhờ đó, cây mạ khay sinh trưởng khỏe hơn so với mạ thường; đồng thời, tránh được hiện tượng đứt rễ khi đem mạ ra cấy ngoài ruộng, giúp cây lúa có khả năng bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với cấy truyền thống. Hiện phương pháp mạ khay, máy cấy của gia đình ông đang được rất nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đặt hàng. Vụ hè thu năm nay, gia đình ước tính làm mạ khay đủ cung cấp cho 700 ha diện tích đất gieo cấy ở cả trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.500 ha cây trồng đã được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm, gồm 1.000 ha cây ăn quả, 800 ha rau màu, 500 ha hoa, cây cảnh, 650 ha mía và một số diện tích cây trồng khác. Việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tạo ra sự chuyển biến, hiệu ứng tích cực trong tư duy, nhận thức và phương pháp tổ chức sản xuất của nông dân, các hộ sản xuất cũng như các cấp chính quyền đối với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn gặp một số khó khăn, chủ yếu là do việc tuyên truyền về giải pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân còn thiếu và yếu. Chi phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cao hơn so với đầu tư tưới theo phương pháp truyền thống. Bởi vậy, để tiếp tục mở rộng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt công nghệ tưới cho nông dân. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai hình thành nên những vùng nông nghiệp có quy mô lớn. Đồng thời, cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ chi phí cho người dân khi lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến...

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]