(Baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, xứ Thanh nổi danh với các làng nghề, nghề truyền thống, như: đúc đồng Trà Đông, bánh gai Tứ Trụ, chiếu cói Nga Sơn, bánh đa làng Chòm, hương Quán Giò, chiếu cói Quảng Phúc... Thời gian qua, bên cạnh việc gìn giữ nét đẹp truyền thống, các địa phương còn quan tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị cho các sản phẩm làng nghề

Từ bao đời nay, xứ Thanh nổi danh với các làng nghề, nghề truyền thống, như: đúc đồng Trà Đông, bánh gai Tứ Trụ, chiếu cói Nga Sơn, bánh đa làng Chòm, hương Quán Giò, chiếu cói Quảng Phúc... Thời gian qua, bên cạnh việc gìn giữ nét đẹp truyền thống, các địa phương còn quan tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị cho các sản phẩm làng nghềỨng dụng khoa học - kỹ thuật vào các công đoạn sản xuất chiếu cói tại xã Quảng Phúc (Quảng Xương).

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, xã Quảng Phúc (Quảng Xương) có nghề dệt chiếu cói đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nghỉ tay mời chúng tôi tham quan xưởng, ông Thắng chia sẻ: Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ thu hoạch cói, phân loại, đem phơi, dệt,... Khi dệt, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo để sợi cói vào khuôn dệt theo quy luật sao cho nhanh và đều, tránh làm đứt sợi đay; phải giấu được sợi đay, mối ghim đều, chắc, cắt biên đều nhau; sau khi dệt xong sẽ tiếp tục công đoạn may viền chiếu với các loại vải phù hợp, tạo mẫu mã đẹp và độ bền cho sản phẩm... Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với nghề dệt thủ công, xưởng sản xuất của ông không đáp ứng đủ số lượng sản phẩm cho các thương lái; bên cạnh đó, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa bền đẹp, nên năm 2013, ông Thắng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua 13 máy dệt chiếu cùng các loại máy may bìa và mở rộng xưởng sản xuất. Theo ông Thắng, đầu tư mua máy móc đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí nhân công, năng suất, chất lượng sản phẩm nâng cao. Đến nay, mỗi tháng, gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng hơn 20.000 chiếc chiếu; sản phẩm không những được cung cấp cho các thương lái trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An,...; doanh thu trung bình mỗi tháng đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng. Được biết, hiện nay, xã Quảng Phúc có khoảng 200 máy dệt chiếu, với công suất mỗi máy dệt khoảng 30 đến 35 đôi/ngày, cao gấp nhiều lần so với làm thủ công truyền thống. Để tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều hộ dân đã đầu tư nhà xưởng, máy móc chuyển sang làm chiếu chất lượng cao như: chiếu in màu, in hoa,... và một số sản phẩm như giỏ xách, thảm trải sàn,... Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng, chiếu cói Quảng Phúc không chỉ thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh, mà còn được xuất bán ra các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan...

Là một trong những “đất nghề” của xứ Thanh, huyện Thọ Xuân nổi tiếng với các sản phẩm, như: nghề làm bánh lá răng bừa xã Xuân Lập, nghề làm nem nướng thị trấn Thọ Xuân, nghề làm nem, giò chả tại xã Xuân Bái, nghề làm nón xã Thọ Lộc, nghề làm đồ gỗ tại các xã Thuận Minh, Xuân Bái, Nam Giang,... Để nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện Thọ Xuân đã khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất như: máy hấp bánh, máy xẻ, bào, đánh bóng, phun sơn,... Bên cạnh đó, chú trọng hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề; liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề; mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và ứng dụng KHKT.

Có thể nói, nếu như trước đây, hầu hết các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đều làm thủ công, sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động khiến cho năng suất lao động thấp, thì đến nay, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang dần “thay da đổi thịt” nhờ áp dụng tiến bộ của KHKT, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất, đáp ứng được những đơn đặt hàng số lượng lớn, cải thiện môi trường sản xuất, bảo đảm tính thẩm mỹ và độ tinh xảo của sản phẩm thủ công truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân... Vì vậy, thời gian tới, chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi để người dân mạnh dạn ứng dụng KHKT, dần thay thế các công đoạn thủ công, hướng đến sản xuất tự động hóa, trang bị máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại... Chú trọng hỗ trợ chuyển giao KHKT; truyền nghề gắn với đào tạo lao động lành nghề có chuyên môn cao, hiểu biết về KHKT. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất cũng cần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, hình thức kinh doanh, chủ động trong việc tiếp cận, nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất thực tế. Thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, hình thành các tổ chức sản xuất theo quy mô công nghiệp nhằm tăng hiệu quả kinh tế; không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo; quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]