Còn nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất nghĩa trang (Bài 1): Đất nghĩa trang “lên ngôi”
Đất nghĩa trang, nghĩa địa đang là vấn đề “nóng” ở các vùng quê ven đô, bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, các nghĩa trang hiện tại đang trong tình trạng quá tải hoặc không phù hợp với quy hoạch, phải di dời, thậm chí là đóng cửa, trong khi nhu cầu mở rộng khu nghĩa trang của các dòng họ, gia đình ngày càng nhiều.
Nghĩa trang Nhân dân xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa.
Những năm gần đây, đời sống người dân ngày càng nâng lên, mỗi dòng họ, gia đình đều mong muốn lo chu toàn nơi an nghỉ cho người đã khuất, thậm chí chuẩn bị trước cho bản thân một “ngôi nhà” khang trang khi bước sang “thế giới bên kia” nên dẫn đến tình trạng nhiều gia đình đua nhau “xí phần” đất nghĩa trang để xây mộ to, mộ đẹp...
“Nóng” từ gia đình đến dòng họ
Sinh ra ở một xã ven biển của huyện Quảng Xương nhưng khi lớn lên bố tôi rời làng đi vào quân đội rồi chuyển công tác lên thành phố sinh sống. Mặc dù ở thành phố “đất chật, người đông” nhưng cách đây 3 năm bố mẹ tôi đã lo chu toàn cho mình một phần đất nghĩa trang với diện tích 30m2 và xây sẵn các hạng mục cần thiết để con cái không phải bận tâm khi bố mẹ về với tổ tiên và cũng an tâm hơn vì biết trước nơi mình sẽ “ở” khi “bước sang thế giới bên kia”.
Cứ nghĩ xong việc của mình, bố tôi sẽ nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già nhưng không! Trong lòng bố luôn bận tâm khi mộ phần của ông, bà nội và các bác chưa quy về một mối. Thế là không cần sự đồng ý của các con, bố tôi tự bắt xe về quê, ở nhờ nhà cháu họ cả tháng trời để đi từng nhà (con của các anh, chị) vận động mọi người góp tiền, góp sức quy tập các phần mộ lại về một khu. Để có được khu đất rộng, đủ chỗ cho khoảng 40 phần mộ (cả người đã khuất và người còn sống), các anh chị họ phải tìm chủ nhân của lô đất bên cạnh để thuyết phục vừa đổi đất vừa bù tiền lên đến gần 100 triệu đồng họ mới đồng ý.
Xong về phần đất, mọi người bắt tay vào xây dựng phần mộ. Từ chỗ nhà nào biết việc nhà đấy, thậm chí cả năm anh em, con, cháu không gặp nhau, nhưng khi triển khai làm phần mộ cho chi tộc thì con cháu tập trung đông đủ, ai cũng muốn góp một tay để vận chuyển nguyên vật liệu. Người không về được thì gửi tiền đóng góp.
Ngày khánh thành khu lăng mộ, bố tôi nghẹn ngào “Thế là nguyện vọng của ông cuối cùng cũng thực hiện được. Ông mong sau này các con, các cháu giúp đỡ nhau, cùng tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Mỗi năm vào dịp lễ, tết lên thắp cho các cụ nén hương tưởng nhớ công sinh thành... Và, đấy cũng là phần đất để sau này về già các cháu có chỗ an nghỉ".
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” lo việc “nghĩa tử, nghĩa tận” cho các cụ, tính trước “ngôi nhà” cho mình, cho con cháu khi sang “thế giới bên kia” đã đành nhưng giờ đây thế hệ trẻ từ tuổi trên 40 trở đi có nhiều người cũng đã về quê “xí phần” cho mình một khu đất để xây dựng khu lăng mộ cho người sống.
Phấn khởi khi nộp đơn được xã xét duyệt cho vài chục m2 đất nghĩa trang, anh Tạ Văn Giáp đang công tác ở Hà Nội xin nghỉ mấy ngày phép về quê thuê thợ đào móng, san đất, xây luôn cả phần mộ âm đến đời cháu của mình, sau đó đặt đá từ tỉnh Nam Định về lắp ghép tường rào, khu long đình, chiếu thư, cổng vào khu lăng mộ... Theo anh Giáp chi phí công trình lên đến gần 400 triệu đồng.
“Trông đợi bao năm, nay mới có đợt cấp đất nghĩa trang cho dân. Đúng là tìm đất cho người chết còn khó hơn tìm đất cho người sống. Vì thế, khi xã đồng ý xét đơn để cho anh vài chục m2, bảo anh làm đơn tự nguyện đóng góp tiền xây dựng, tu sửa khu nghĩa trang, anh đồng ý ngay. Bỏ tiền ra còn “mua” được chứ có nhiều nơi không “mua” nổi vì không còn quỹ đất”, anh Giáp chia sẻ.
Khan hiếm quỹ đất
Đất nghĩa trang, nghĩa địa đang là vấn đề “nóng” ở các vùng quê ven thành phố, bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, các nghĩa trang hiện tại đang trong tình trạng quá tải hoặc không phù hợp với quy hoạch, phải di dời, thậm chí là đóng cửa, bởi nguồn quỹ đất eo hẹp, trong khi nhu cầu mở rộng khu nghĩa trang của các dòng họ, gia đình ngày càng nhiều. Hơn nữa, ở phân khúc này chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác dự án đất nghĩa trang nên luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Khu lăng mộ ở một nghĩa trang của huyện Hoằng Hóa được gia đình đầu tư xây dựng kiên cố.
Đi thực tế một vòng các khu nghĩa trang tại một số huyện như Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Quảng Xương... chúng tôi nhận thấy, hầu hết các nghĩa trang, nghĩa địa hiện trạng đều do lịch sử để lại nên không có tường rào bảo vệ, không có nhà quản trang, không có hệ thống thoát nước; khu hung táng lẫn chung với khu cát táng. Đặc biệt, do sự phát triển nhanh của dân cư nên rất nhiều nghĩa trang không có ranh giới phân định rõ ràng với khu dân cư. Tại một số địa phương nghĩa trang nằm sát cạnh khu dân cư, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường.
Nhiều khu nghĩa trang còn như một thành phố thu nhỏ với nhiều ngôi mộ được xây dựng khang trang, bề thế, kiến trúc khác nhau, không theo quy chuẩn; thậm chí có nơi không có đường đi, lối lại, muốn vào khu lăng mộ của gia đình phải leo, trèo qua khu lăng mộ nhà khác mới vào được; việc xử lý ô nhiễm môi trường cũng chưa được quan tâm; việc quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất nghĩa trang, nghĩa địa ở nhiều xã, phường, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức; hiện tượng phân chia diện tích đất nghĩa trang theo từng gia đình, từng dòng họ diễn ra phổ biến...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) Bùi Quang Sáng cho biết: Trên địa bàn xã có một khu nghĩa trang tập trung. Trước kia, do chưa chú trọng đến công tác quy hoạch nên hiện trạng khu nghĩa trang này không có đường đi, lối lại, không có rãnh thoát nước, không có cây xanh, tường bao quanh, điện chiếu sáng... Hiện tại, quỹ đất của khu nghĩa trang này đã sử dụng hết, trong khi đó nhu cầu hung táng của người dân trên địa bàn xã nhiều, các dòng họ đều có nguyện vọng mở rộng diện tích khu cát táng nhưng do xã Hoằng Thịnh nằm trong quy hoạch chung đô thị Thịnh Lộc nên khu nghĩa trang phải giữ nguyên hiện trạng, không quy hoạch mở rộng diện tích. Sắp tới, việc an táng của người đã khuất trên địa bàn xã sẽ chuyển về một khu nghĩa trang chung của huyện.
Để bảo đảm cảnh quan môi trường, xã đang kêu gọi nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng lại khuôn viên nghĩa trang, trong đó xây dựng lại hệ thống tường bao, trồng cây xanh bóng mát tạo thành bức tường ngăn cách với đường đi và khu dân cư, nâng cấp đường vào khu nghĩa trang...
Bài và ảnh: Hà Hương
Bài 2: Buông lỏng quản lý, dễ phát sinh sai phạm.
{name} - {time}
-
2024-12-26 16:45:00
TYM Thanh Hoá tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển khách hàng vì an sinh xã hội
-
2024-12-26 16:15:00
Vĩnh Lộc phát huy hiệu quả mô hình tự quản về an ninh trật tự
-
2024-06-13 17:33:00
Kịp thời đưa thí sinh ngủ quên đến trường thi
Vụ đổ đất lấp mương ở xã Công Chính: Khơi thông nửa vời, vẫn còn ngập úng
Thạch Thành ra quân Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè
Mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” ở Quảng Phú
Tình nguyện số tiếp sức mùa thi
Lay lắt chợ phường...
Cán bộ Biên phòng dũng cảm cứu người đuối nước
Trao ủng hộ doanh nghiệp bị thiệt hại do hoả hoạn
Giao lưu, tọa đàm, tôn vinh “Những bông hoa Quyết thắng”
1 thí sinh bị đình chỉ thi trong buổi thi đầu tiên Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024