Chuyến thăm lịch sử tới Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Ai Cập
Ngày 4/9, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi có chuyến thăm lịch sử đến Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa hai cường quốc khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã có cuộc hội đàm nhằm tăng cường hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực then chốt, không chỉ kinh tế - thương mại, mà còn cả những vấn đề nhạy cảm nhất về an ninh khu vực. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cho biết, hai bên kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza cũng như ngăn chặn căng thẳng leo thang ở khu Bờ Tây. Ngoài ra, lãnh đạo Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng Libya và nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận giữa các thể chế để đạt được an ninh và ổn định chính trị tại Libya.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh những đồng thuận về quan điểm và mục tiêu chung giữa hai nước trong nhiều vấn đề. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập sẽ thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác với Ai Cập trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên và năng lượng hạt nhân. Kết thúc cuộc hội đàm, hai nước đã ký 17 văn kiện và thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Theo Grigory Lukyanov, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo, Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định, chuyến thăm Ankara của nhà lãnh đạo Ai Cập có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là chuyến thăm đầu tiên trong 12 năm qua. Thông qua chuyến thăm, Ankara và Cairo muốn phát đi thông điệp khẳng định nhất quán quá trình bình thường hóa quan hệ song phương, vốn đối đầu căng thẳng đỉnh điểm vào cuối những năm 2010. Do đó, chấm dứt đối đầu chính trị, mở ra cánh cửa hợp tác không chỉ mang lại lợi ích chung cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, mà còn giúp củng cố lòng tin và tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế ở Đông Địa Trung Hải nói riêng, khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói chung.
Quay trở lại sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011, từ việc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak buộc phải từ chức dưới áp lực của các cuộc biểu tình quy mô lớn trên cả nước được chỉ đạo và hỗ trợ khéo léo từ nước ngoài đã tạo điều kiện cho Mohammed Morsi của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ở Ai Cập lên nắm quyền. Tổng thống mới đắc cử Mohammed Morsi và chính phủ do ông thành lập, vốn thiếu kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, đã vội vã tiến hành sửa đổi cơ bản các nền tảng của chính sách đối nội và đối ngoại của nước này, mà sau này giới phân tích cho rằng, đó là những tính toán sai lầm nghiêm trọng.
Chính quyền của Tổng thống Mohammed Morsi được hướng dẫn bởi kinh nghiệm tương đối thành công về những chuyển đổi chính trị - xã hội do nhà lãnh đạo Recep Tayyip Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã định trước bản chất đồng minh trong mối quan hệ giữa Ankara và chế độ mới ở Ai Cập. Hạn chế vai trò kinh tế và chính trị của quân đội, “Hồi giáo hóa” đời sống xã hội, khôi phục quan hệ với Iran - tất cả những điều này đã trở thành những đường lối chính trị đáng chú ý nhất của chính phủ mới, gây ra phản ứng trái chiều trong nội bộ chính trị ở Ai Cập và phản ứng gay gắt từ Saudi Arabia và UAE. Và việc Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ vào tháng 7/2013 như là một hệ quả tất yếu. Chính quyền mới nhanh chóng định hướng lại Cairo theo hướng hợp tác toàn diện với Riyadh và Abu Dhabi, tạo đối trọng trước ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của liên minh Ankara - Doha. Các nhà hoạt động của MB bị đàn áp mạnh tay ở Ai Cập, không chỉ tìm nơi ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn tạo ra một mạng lưới hoạt động ở Ai Cập vốn bị Chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi cáo buộc là một công cụ can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của nước này. Sự hợp tác ngắn ngủi giữa Ankara và Cairo nhanh chóng nhường chỗ cho sự đối đầu tưởng chừng như không thể hòa giải, mà đỉnh điểm là nguy cơ xung đột giữa hai bên vào năm 2019 do chính sách can thiệp của mỗi nước tại Libya.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn toàn cầu và khu vực, sự lây lan của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, tác động tiêu cực của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và hàng loạt các vấn đề an ninh phi truyền thống khác đã buộc các nước phải thay đổi quan điểm khi ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước hơn là tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Trong giai đoạn 2021-2023, sự phát triển tiến bộ của quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập theo Hiệp định Abraham, việc bình thường hóa và khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran, việc khôi phục tư cách thành viên của Syria trong Liên đoàn Ả Rập đã diễn ra song song với việc giảm căng thẳng và tăng cường hợp tác kinh tế trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ả Rập, như Saudia Arabia, UAE và Ai Cập. Sự hợp tác này mang lại lợi ích chung và có tác động tích cực đến tình hình ở mỗi quốc gia và toàn khu vực, đồng thời cũng góp phần củng cố niềm tin trong khu vực.
Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza kể từ ngày 7/10/2023 gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng, đồng thời bộc lộ sự thiếu nhất quán của hệ thống an ninh khu vực Trung Đông hiện nay, đặc trưng là sự thiếu vắng các tổ chức quốc tế khu vực có khả năng giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia trong khu vực. Về vấn đề này, lập trường, quan điểm của giới lãnh đạo Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là giống nhau khi mong muốn tăng cường sự tin cậy lẫn nhau thông qua nền tảng hợp tác song phương, đồng thời ngăn chặn việc quay trở lại mô hình đối đầu khối, hủy hoại tương lai của khu vực. Sự thống nhất này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mối quan hệ song phương giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang tìm cách đóng vai trò trung gian tích cực, mà còn góp phần giải quyết một trong những xung đột phức tạp nhất ở Trung Đông.
Trung Đông - Bắc Phi đứng trước nhu cầu phát triển các cơ chế hợp tác quốc tế mới, làm sâu sắc thêm lòng tin chính trị giữa các bên để đạt được hòa bình lâu dài và tạo điều kiện cho sự phát triển nhất quán, bền vững của khu vực. Chưa cần biết Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được những tham vọng mục tiêu đặt ra, như tăng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD trong tương lai gần hay không, song chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi có ý nghĩa địa chính trị quan trọng, không chỉ đối với lợi ích của hai nước, mà còn là một biểu tượng cho tương lai hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực.
Hùng Anh (CTV)
- 2024-11-16 08:32:00
Xung đột Nga-Ukraine: Những trận chiến khốc liệt mùa thu và triển vọng cuối cùng
- 2024-11-15 10:28:00
Liệu Trump có thể hóa giải được đối đầu giữa Israel và Iran?
- 2024-09-06 08:53:00
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Nga
“Yếu tố Trump” và quan hệ Mỹ - Nga
Lực lượng nào bắn hạ máy bay chiến đấu F-16?
Thủ tướng Anh Keir Starmer nỗ lực “đảo ngược” Brexit
Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza đối mặt nhiều thách thức
Tại sao Israel và Hezbollah quyết định tránh một cuộc chiến lớn?
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á
Ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr. rút lui, tạo bước ngoặt cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
Thách thức không nhỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu
Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương