(Baothanhhoa.vn) - Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Do vậy, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới được Đảng và Nhà nước ta xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang và trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới.

Chung tay xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài

Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Do vậy, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới được Đảng và Nhà nước ta xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang và trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới.

Chung tay xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài

Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phối hợp với lực lượng biên phòng tỉnh Hủa Phăn (Lào) kiểm tra cột mốc biên giới.

Tỉnh Thanh Hóa có tuyến biên giới đất liền dài 213,604 km, giáp với tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào. Có 16 xã vùng biên với 153 chòm bản thuộc 5 huyện là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân, giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn là Xốp Bâu, Viêng Xay và Sầm Tớ. Đồng thời, trên tuyến biên giới hiện có 3 cửa khẩu là Cửa khẩu quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi, cửa khẩu quốc gia Tén Tằn - Xôm Vẳng, cửa khẩu Phụ Khẹo - Tà Lấu và 6 trạm kiểm soát biên phòng, cùng nhiều đường mòn qua lại biên giới. Cùng với đó, trên địa bàn có nhiều tuyến quốc lộ như 15A, 15C, 217 nối các huyện đồng bằng với 213,604 km đường biên giới. Đây được xem là lợi thế lớn để tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác giao lưu thương mại quốc tế với các tỉnh Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Tuyến biên giới đất liền Thanh Hóa - Hủa Phăn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Xác định rõ điều đó, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm tạo dựng và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa các cụm bản, xã, huyện, ngành và các lực lượng quản lý biên giới trên tuyến biên giới đất liền Thanh Hóa - Hủa Phăn ngày càng tốt đẹp, bền vững. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như góp phần tích cực vào việc củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng.

Đến nay, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới và tình hình an ninh trật tự tại các cửa khẩu, chợ biên giới được bảo đảm ổn định. Công tác quản lý, đăng ký người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới được quản lý chặt chẽ, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động lợi dụng chính sách về trao đổi thương mại biên giới để gian lận trốn lậu thuế. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt chống tội phạm ma túy, các đối tượng buôn bán, vận chuyển tiền giả, vũ khí quân dụng trái phép được tăng cường. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Tây tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới hoạt động ổn định, các cửa khẩu 2 bên biên giới luôn phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt chính sách của mỗi bên, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trao đổi, mua bán hàng hóa. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, thông tin, phát thanh truyền hình đã được bao phủ rộng khắp, nhằm kịp thời thông tin đến đồng bào các dân tộc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Đặc biệt, để công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội trên tuyến biên giới được triển khai hiệu quả, thời gian qua, tỉnh ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Kết quả, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào đã hoàn thành trên chiều dài 213,604 km đường biên giới, với 88 vị trí/92 cột mốc; trong đó có 2 mốc đại (1 mốc đôi), 16 mốc trung (1 mốc đôi), 70 mốc tiểu (1 mốc ba) và 9 vị trí/13 cọc dấu. Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Trong quá trình quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Điển hình như các “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”, “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới; cũng như tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới.

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới được Đảng và Nhà nước ta xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang và trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới. Trong đó, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, quản lý tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với lực lượng công an trong xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội ở khu vực biên giới; phối hợp với các ngành, địa phương nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hiệu quả các phong trào, như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân ấm biên cương”, “Nâng bước em đến trường”...

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương dọc tuyến biên giới tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng các phong trào, mô hình tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nòng cốt của các phong trào. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường các hoạt động giao lưu Nhân dân với địa phương nước bạn Lào; kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong thực hiện các phong trào bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Để xây dựng tuyến biên giới vững bền, thì cấp ủy, chính quyền, mỗi người dân và lực lượng nòng cốt bảo vệ biên giới phải đan kết thành một “tấm lá chắn” hay “thành trì” vững chắc. Đồng thời, mọi cấp, mọi ngành, địa phương, đơn vị cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm để có những hành động thiết thực hướng về biên giới. Có như vậy mới tạo được sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và ổn định lâu dài.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]