(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã phát huy tiềm năng, lợi thế, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trùng tu, tôn tạo các di tích để phục vụ phát triển du lịch và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Cẩm Thủy quan tâm đầu tư hạ tầng, tu bổ, tôn tạo di tích để phát triển du lịch

Những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã phát huy tiềm năng, lợi thế, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trùng tu, tôn tạo các di tích để phục vụ phát triển du lịch và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Cẩm Thủy quan tâm đầu tư hạ tầng, tu bổ, tôn tạo di tích để phát triển du lịchKhu du lịch suối cá Cẩm Lương thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Nằm ở chân núi Trường Sinh thuộc thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu du lịch suối cá Cẩm Lương là một tuyệt phẩm mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội dưới dòng suối Ngọc, mà còn trải nghiệm nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Trường Sinh, khám phá vẻ đẹp của động cây Đăng với nhũ đá đủ màu sắc. Đến với Khu du lịch suối cá Cẩm Lương vào ngày 8/1 (âm lịch) du khách còn được trải nghiệm Lễ hội Khai Hạ. Đây là một trong những lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Cẩm Thủy gắn với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập Mường để tưởng nhớ vị thần rắn đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước để sinh hoạt, sản xuất. Ngày nay, lễ hội Khai Hạ không chỉ là sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở xã Cẩm Lương mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Cẩm Thủy. Năm 2019, Khu du lịch suối cá Cẩm Lương được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.

Để thu hút khách du lịch về với Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, thời gian qua, huyện Cẩm Thủy đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan môi trường; tuyên truyền, vận động Nhân dân gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khuyến khích các hộ dân tham gia phát triển các dịch vụ du lịch. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch, như: bãi đỗ xe, cầu đi xã Cẩm Lương, đường giao thông đi suối cá Cẩm Lương... Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến Khu du lịch suối cá Cẩm Lương ngày càng tăng lên. Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy, từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, Khu du lịch suối cá Cẩm Lương đón khoảng 100.000 lượt khách.

Thời gian tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan mới tại Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương, như: xây dựng các điểm dừng chân, chòi nghỉ bằng tre gần đường ra động Cây Đăng; xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái; thiết kế cảnh quan, xây dựng tuyến trekking xuất phát từ ngoài động Cây Đăng men theo suối Ngọc khám phá núi Trường Sinh dài 2km; xây dựng điểm ngắm cảnh, dừng chân ven suối Ngọc và núi Trường Sinh...

Cùng với khu suối cá Cẩm Lương, thời gian qua huyện Cẩm Thủy đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tu bổ, tôn tạo nhiều di tích, như: đường giao thông vào đền Cùng (Cẩm Tú); đình làng Muốt (Cẩm Thành), động Diệu Sơn (Cẩm Vân)... Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được đầu tư kết cấu hạ tầng, tu bổ, tôn tạo ngày càng phát huy giá trị đã thu hút được đông đảo Nhân dân, du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, cầu phúc, cầu an, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa và thúc đẩy du lịch của huyện Cẩm Thủy phát triển.

Ông Trần Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng yếu, huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch Cẩm Thủy đến năm 2030. Theo đó, huyện Cẩm Thủy đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh Thanh Hóa, đón được 461.200 lượt khách nội địa và 530 lượt khách quốc tế trở lên; đến năm 2030 đón 812.700 lượt khách nội địa và 2.000 lượt khách quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu trên huyện Cẩm Thủy đang tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch mới vào quy hoạch chung của huyện. Huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch tại các xã Cẩm Lương (điểm du lịch cộng đồng người Mường thôn Lương Ngọc và Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cẩm Lương), Cẩm Thạch (thung lũng hoa chùa Rồng), Cẩm Bình (nông trại Cầu Vồng, làng nghề làm miến dong), Cẩm Liên (điểm du lịch cộng đồng thôn Ngọc Liên, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, tâm linh đồi Hích). Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch tâm linh. Tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để mở rộng thị trường khách du lịch. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Chú trọng tới việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho ngành du lịch; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Cẩm Thủy phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]