Các ngành, địa phương tập trung cao ứng phó với bão số 3
Sáng sớm 7/9, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Để kịp thời ứng phó với bão số 3, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
*Tại huyện Mường Lát, chiều tối 6/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn khu phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát xảy ra giông lốc, đã làm 11 hộ gia đình bị tốc mái nhà.
Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn đã khẩn trương cử cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn hỗ trợ Nhân dân.
Với tinh thần tích cực, khẩn trương, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng đứng chân trên địa bàn khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn, nơi ăn, nghỉ cho Nhân dân trước khi bão số 3 đi vào đất liền. Đồng thời, động viên bà con bình tĩnh, vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống.
Hiện Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn đang tiếp tục triển khai lực lượng bám nắm tình hình địa bàn, triển khai lực lượng chủ động ứng phó kịp thời với diễn biến của bão số 3.
Trong đêm 6/9 rạng sáng 7/9 có mưa to và rất to khiến cây cối đổ ngã, gây cản trở giao thông. Mưa lớn cùng với gió lốc đã khiến 2 hộ dân ở bản Pù Ngùa và Pù Quăn, xã Pù Nhi bị tốc nóc nhà. Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện đã tổ chức hỗ trợ người dân và sơ tán hộ dân đến nơi ở an toàn.
Hộ dân bản Pù Quăn, xã Pù Nhi (Mường Lát) bị tốc nóc nhà.
* Tại huyện Nga Sơn, để bảo đảm an toàn cho Nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra, huyện Nga Sơn đã xây dựng phương án sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó với bão trên tinh thần chủ động ở mức cao nhất.
Công trình thuỷ lợi đang thi công dang dở trên địa bàn huyện Nga Sơn (ảnh: Lê Đồng).
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Nga Sơn, toàn huyện có 14/14 xã có đê, tổng chiều dài 55,31 km. Tại các xã ven biển, cửa sông, như: Nga Thuỷ, Nga Phú, Nga Thái, Nga Điền, Nga Thiện, Nga Phượng, Nga Tân, Nga Tiến, Nga Bạch, Nga Thạch, Nga Thắng, Ba Đình, Nga Trường có 1.343 hộ, với 3.934 khẩu cần phải sơ tán khi bão lớn, siêu bão, triều cường đổ bộ, mưa lũ xảy ra.
Qua rà soát, hầu hết các hồ chứa, hệ thống đê, cống tiêu trên địa bàn huyện vẫn hoạt động bình thường. Ngoài ra, có một số dự án công trình phục vụ phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện, như: Dư án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Hoạt đoạn từ K27+700 - K43+100; Dự án Xử lý sự cố sạt lở đê tả sông Càn đoạn từ K5+157 - K9+121 tại xã Nga Điền đang thi công dở dang và chuẩn bị triển khai thực hiện.
Cán bộ Chi nhánh Thuỷ lợi Nga Sơn duy trì chế độ trực 24/24 để kịp thời phát hiện các tình huống phát sinh.
Để chủ động mọi tình huống, diễn biến bất thường của bão có thể gây ra, UBND huyện Nga Sơn đã xây dựng, ban hành phương án hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Chi nhánh Thủy lợi thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều, trạm bơm, hệ thống kênh mương để kịp thời phát hiện, xử lý những hư hỏng và vi phạm mới phát sinh.
Đến 9 giờ sáng 7/9, 1.343/1.343 hộ dân sinh sống tại các vùng cửa sông, ven biển thuộc diện phải di dời khi có sự cố thiên tai của các huyện đã di dời đến các điểm an toàn, trong đê. Cùng với đó, UBND huyện Nga Sơn đã chỉ đạo các xã chủ động dự trữ 3.700 m3 đất, 530 m3 đá hộc, 405 m3 đá dăm, cát; chủ động về số lượng bao bì, phên liếp, rọ tre (rọ sắt), cọc tre, bó rồng... và xây dựng lực lượng xung kích hơn 2.143 người tại 24/24 xã, thị trấn, duy trì nghiêm túc công tác trực trước, trong và sau bão... để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó với bão trên tinh thần chủ động, linh hoạt ở mức cao nhất, bảo đảm an toàn cho nhân dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
*Tại huyện Hoằng hóa, để ứng phó với cơn bão số 3, huyện Hoằng Hóa đã chủ động các phương án, giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Người dân huyện Hoằng Hóa cắt tỉa cây xanh, gia cố nhà cửa phòng chống bão.
Theo đó, huyện đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ các phương án, biện pháp ứng phó với bão số 3. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện và cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được phân công phụ trách các xã, thị trấn đã bám sát cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Gia cố tàu thuyền neo trú bão an toàn tại Cảng cá Lạch Trường (Hoằng Hóa)
Ban Chỉ huy các cấp, các ngành đã tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên cập nhật tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn, đến 10 giờ ngày 7/9, huyện Hoằng Hóa có gần 100 ha diện tích lúa đã chín từ 60-70% bị đổ.
Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, những đoạn bờ biển sạt lở, xâm thực, huyện Hoằng Hoá phân công lực lượng tuần tra đê, kè khu vực bờ biển, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư để ứng phó trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 Yagi.
Lực lượng của Hạt Quản lý Đê điều huyện Hoằng Hoá tuần tra tại khu vực đoạn bờ biển sạt lở xã Hoằng Trường.
Theo thông tin từ Hạt Quản lý đê điều huyện Hoằng Hoá, toàn huyện Hoằng Hoá có 79,59 km đê, trong đó có 11,15 km đê cấp I; 18,38 km đê cấp II; 12,6 km đê cấp III; 30,36 km đê cấp IV và 7,1 km đê cấp V. Có 87 cống dưới đê và 12 trạm bơm dưới đê.
Trên địa bàn huyện có 7 vị trí trọng điểm phòng, chống thiên tai (Cống bến Xuôi thị trấn Bút Sơn; đê Hoằng Ngọc; đê Hoằng Yến; cống Phúc Ngư xã Hoằng Trường và khu vực bờ biển sạt lở, xâm thực thuộc các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ).
Khu vực biển Hải Tiến sáng 7/9. Video: CTV
Trước dự báo về tình hình cơn bão số 3, huyện Hoằng Hoá phân công lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra đê, kè bờ biển, nhất là tại các vị trí trọng điểm sạt lở, xâm thực và các vị trí xung yếu để kịp thời phát hiện sự cố và triển khai ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Các xã, thị trấn chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Riêng đối với xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ đã bổ sung vật tư để xử lý theo phương châm 4 “tại chỗ” tại khu vực bờ biển đang bị xâm thực. Các xã, thị trấn, đơn vị chức năng trong huyện tổ chức trực 24/24h để kịp thời ứng phó với tình hình bão sắp đổ bộ vào đất liền và cảnh báo mưa lũ trên các sông.
*Tại huyện Nông Cống, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con nông dân huyện Nông Cống đang khẩn trương thu hoạch lúa cạn để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Nông dân huyện Nông Cống đã thu hoạch được hơn 4.000 ha lúa.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt để sẵn sàng ứng phó với bão 3, hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nông Cống đang huy động lực lượng, phương tiện cơ giới, khẩn trương thu hoạch lúa mùa khi ruộng lúa chín từ 80% trở lên theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; ưu tiên thu hoạch trước đối với những diện tích có nguy cơ ngập úng cao. Phân công lực lượng trực 24/24h để sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho Nhân dân. Tính đến 10h ngày 7/9/2024, toàn huyện đã thu hoạch được trên 4.000 ha/9.247 ha lúa mùa.
Cùng với đó, huyện Nông Cống chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức gia cố nhà ở, các công trình công cộng; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho Nhân dân khu vực xung yếu. Rà soát, sẵn sàng phương án vận hành công trình tiêu úng, đề phòng ngập úng vùng trũng thấp, diện tích sản xuất nông nghiệp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn; khơi thông dòng chảy.
Đồng thời triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố.
Hiện nay, huyện Nông Cống tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân huy động nhân lực, máy móc thu hoạch nhanh gọn các loại cây trồng nhất là lúa đã chín từ 80% trở lên, các loại cây màu đã đến kỳ thu hoạch, nhất là các vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.
*Tại TP Sầm Sơn, để chủ động ứng phó với siêu bão Yagi, UBND phường Trường Sơn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phường đã tăng cường chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn để đôn đốc người dân chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
226 phương tiện khai thác và các ngư, lưới cụ của ngư dân phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn đã được di dời đến vị trí an toàn
Cùng với đó, chỉ đạo tổ dân phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ khi có tình huống xảy ra; rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng tránh di dời; rà soát lại dụng cụ phương tiện phòng chống bão lũ để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Đối với 226 phương tiện khai thác và các ngư, lưới cụ của ngư dân trên địa bàn cũng đã được các lực lượng chức năng phường, Đồn biên phòng thành phố Sầm Sơn hỗ trợ di dời đến vị trí an toàn.
*Tại huyện Vĩnh Lộc, để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, huyện Vĩnh Lộc huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư dự trữ phòng chống lụt bão theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao.
Lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc kiểm tra Công trình kè Giang Đông, xã Vĩnh Hoà.
Trong đó, vật tư dự trữ để ngoài trời 3.600 m3 đất; 255 m3 đá hộc; 200 m3 đá răm; 160 m3 cát. Vật tư dự trữ để trong kho 5.600 cây tre; 5.000 cọc tre; 460 cái rọ tre (thép); 7.500 kg rơm rạ; 33.500 bao tải; 3.300 m2 vải bạt; 1.500 m2 phên liếp; 2.100 bó rồng; 130 cái vồ đóng; 650 bó đuốc. Các trạm bơm tiêu úng đã lên phương án sẵn sàng để bơm nước khi có mưa.
Lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc kiểm tra vật tư phòng chống lụt bão tại xã Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đánh giá, cắt tỉa cành, hạ độ cao và cắt cây trên toàn địa bàn vừa để bảo vệ cây xanh vừa phòng tránh cây đổ ngã trước cơn bão số 3.
Ra quân cắt tỉa cành, hạ độ cao phòng tránh cây đổ ngã trước cơn bão số 3.
Là tuyến đường có mật độ cây xanh dày đặc, trong đó có nhiều cây cổ thụ, cây lâu năm, Quốc lộ 45 qua huyện Vĩnh Lộc có chiều dài khoảng 3km (từ khu phố 1, khu 2, khu 3 đến khu phố Giáng), có nhiều cây xanh vừa che bóng mát và làm đẹp cảnh quan, huyện Vĩnh Lộc đã giao UBND thị trấn Vĩnh Lộc khảo sát, thống kê hiện trạng cây xanh để lên phương án cắt tỉa, hạ độ cao... nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông.
Huyện Vĩnh Lộc tập trung thu hoạch lúa trước ảnh hưởng bão số 3. Những diện tích lúa chín trên 80% chưa kịp thu hoạch nếu ngập do mưa lũ huyện sẽ huy động lực lượng dân quân bộ đội tham gia giúp dân thu hoạch.
Trong 2 ngày 6, 7/9, lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc đã đi kiểm tra công trình kè Giang Đông, xã Vĩnh Hoà; kiểm tra vật tư phòng chống lụt bão tại xã Vĩnh Phúc; kiểm tra cống tiêu số 6 và Trạm bơm tiêu úng cầu Mư xã Vĩnh Phúc...
*Tại huyện Lang Chánh, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, do ảnh hưởng của mưa giông, từ ngày 6/9 đến sáng ngày 7/9/2024 trên địa bàn huyện Lang Chánh xảy ra một số thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Theo thống kê sợ bộ có 5 hộ dân bị tốc mái và tốc mái hoàn toàn, Trường Mầm non khu Tân Bình, xã Tân Phúc bị tốc mái, ước tính thiệt hại gần 80 triệu đồng, huyện Lang Chánh cũng đã tổ chức di dời 12 hộ dân, ở nơi có nguy cơ sạt lở và ngập lụt đến những căn nhà kiên cố, an toàn.
Lãnh đạo huyện Lang Chánh kiểm tra các điểm sạt lở.
Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Trước tình hình, diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, huyện Lang Chánh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, thường xuyên cập nhật diễn biến, dự báo của bão số 3 để chủ động có phương án, giải pháp ứng phó kịp thời trong mọi tình huống; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc men, thực phẩm để sẵn sàng khi có lệnh.
Trường Mầm non khu Tân Bình, xã Tân Phúc bị tốc mái một khu nhà.
Huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra và đẩy mạnh công tác tuyên truyền với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước; tiến hành rà soát, xác định các khu vực, địa điểm sản xuất, nơi ở dân cư, các công trình thủy lợi, đê điều có nguy cơ mất an toàn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi siêu bão số 3 để chủ động có giải pháp phòng, chống và ứng phó kịp thời, hiệu quả.
*Tại huyện Như Xuân, nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân trước bão số 3, huyện Như Xuân đã tổ chức vận động và hỗ trợ sơ tán 21 hộ, 61 nhân khẩu (ở vùng trũng thấp, ven sông suối, lán trại, nhà ở không an toàn) ở các xã: Thanh Hoà, Thanh Sơn, Cát Vân, Thượng Ninh, Bãi Trành đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ 35 công dân đi rừng lấy măng trở về nhà và đến nơi tránh trú an toàn.
Đồng chí Lương Thị Hoa, Bí thư huyện ủy Như Xuân kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 ở xã Hóa Quỳ.
Lực lượng chức năng xã Hóa Quỳ đặt biển cảnh báo lũ để người dân không qua các điểm tràn.
Trong buổi sáng 7/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Như Xuân đã triển khai các phương án ứng phó, phân công thành viên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức triển khai ứng phó với cơn bão số 3. Các xã, thị trấn đã phân công thành viên xuống thôn và hộ gia đình để rà soát, xác định khu vực có nguy cơ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời bố trí lực lượng cảnh báo, chốt chặn tại các ngầm, tràn giao thông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, nước chảy xiết. Thường trực 24/24 để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
*Tại huyện Thường Xuân, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 6 đến ngày 7/9, trên địa bàn huyện Thường Xuân đã xảy ra mưa và gió to đã làm ngã đổ 25ha lúa chuẩn bị thu hoạch ở các xã Luận Khê, Ngọc Phụng, Tân Thành. Hầu hết diện tích lúa trên địa bàn mới trổ bông được khoảng trên 10 ngày, chưa thể thu hoạch.
Một phần diện tích lúa ở xã Ngọc Phụng bị đổ rạp do gió bão.
Ngoài ra, một số vị trí trên tỉnh lộ 519, đoạn từ thị trấn Thường Xuân đi hồ Cửa Đạt tiếp tục bị sạt trượt. Chính quyền địa phương đã tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân được biết, đề phòng.
Một vị trí sạt trượt trên tỉnh lộ 519.
Đến chiều tối ngày 6/9, huyện Thường Xuân đã hoàn thành công tác di dân ở khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở trên địa bàn các xã Yên Nhân và Bát Mọt. Có khoảng 120 hộ dân với gần 500 nhân khẩu đã được di dời đến nhà văn hóa, trường học, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân kiểm tra thực tế thiệt hại do gió bão gây ra.
Ngoài duy trì công tác trực ban 24/24, trong sáng nay, huyện Thường Xuân đã phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại các địa phương. Trong đó chú trọng các vị trí xung yếu, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai. Hiện, UBND huyện Thường Xuân tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa bão, chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương rà soát các phương án, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân kiểm tra diện tịch lúa bị ngã đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại xã Ngọc Phụng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tại, tìm kiếm cứu nạn huyện Thường Xuân đã trực tiếp xuống kiểm tra, đồng thời chỉ đạo các địa phương huy động các thôn, xóm, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão tới bà con Nhân dân. Đồng thời, phân công các lực lượng tập trung ứng trực 24/24 giờ tại các điểm có nguy cơ sạt lở, các hồ đập; di dời khẩn cấp các hộ dân ở ven sông, suối, các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Và, kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại xã Bát Mọt.
*Tại huyện Cẩm Thủy, để khẩn trương triển khai ứng phó với cơn bão số 3, hiện nay các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã chủ động gia cố lại trường, lớp học ở những nơi chưa đảm bảo an toàn, lên các phương án và di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Cùng với đó, phân công lực lượng cán bộ giáo viên, nhân viên túc trực tại trường 24/24 giờ để đảm bảo xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Trường Mầm non Cẩm Yên dọn dẹp vệ sinh môi trường chủ động ứng phó với bão.
Hiện nay, các nhà trường trong huyện cũng đã chủ động rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường, chủ động chặt tỉa những cây lâu năm có nguy cơ gãy đổ. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến ảnh hưởng của mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại đơn vị, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, phụ huynh học sinh biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau bão số 3 tại các nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Thủy cũng yêu cầu các đơn vị cần chủ động huy động lực lượng triển khai hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng... sau mưa bão; chủ động xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể, bảo đảm an toàn dạy học trong bối cảnh dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp.
*Tại huyện Bá Thước, từ ngày 5/9 đến nay, trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước liên tục có mưa kèm dông lốc. Trận lốc vào khoảng 16 h ngày 6/9 có 2 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái. Các nhà tốc mái thuộc gia đình bà Bùi Thị Hoà, thôn Cộ, xã Điền Quang tốc mái hoàn toàn và hộ ông Bùi Văn Hiêm, thôn Khước Luyện, xã Điền Quang bị tốc mái 1 phần. 8 nhân khẩu của 2 gia đình trên đã được địa phương và các lực lượng liên quan nhanh chóng hỗ trợ đến nơi ở an toàn trong xã.
Mái nhà dân ở xã Điền Quang bị tốc hoàn toàn.
Nhiều diện tích lúa ở xã Thiết Kế bị đổ gãy, hư hại.
Ngoài ra, huyện Bá Thước còn có 35 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó 30 ha thiệt hại trên 70%, gần 5 ha thiệt hại từ 50 đến 70%. Đến sáng 7/9, trên địa bàn huyện, có nhiều cây xanh bị đổ gãy; không có thiệt hại về nông nghiệp, giao thông, thuỷ lợi... ước tính thiệt hại khoảng 919,58 triệu đồng. Một số điểm đồi sát nhà dân ở xã Ái Thượng cũng xuất hiện sạt trượt, tiềm ẩn nguy hiểm trong những ngày tới khi mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3.
Điểm sạt lở xuất hiện sát một nhà dân ở xã Ái Thượng.
Đồng chí Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước kiểm tra địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống lũ quét tại Pốn Thành Công xã Lũng Cao.
Để ứng phó với bão số 3, huyện Bá Thước đã tiến hành kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ các phương án, biện pháp ứng phó với bão số 3. Thành lập 21 đội xung kích cấp xã, 205 tổ xung kích thôn/phố với 1.278 thành viên; huy động tổng lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai là 3.726 người: bao gồm: Ban chỉ huy PCTT &TKCN, Bộ chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Tiểu đoàn 19 Bộ đội Biên phòng, Dân quân cơ động, Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế dự phòng, Kiểm lâm, Chủ rừng nhà nước...; lực lượng Dân quân tự vệ, Công an xã, thôn, Ban chỉ huy PCTT &TKCN xã, thôn, thanh niên xung kích.
Lãnh đạo huyện Bá Thước kiểm tra khu tái định cư tại thôn La Ca xã Cổ Lũng
Vật tư, phương tiện, trang thiết bị, như: 1 xe cứu thương, 4 xuồng máy, 4 bạt cứu sinh, 300 ô tô các loại, 20 máy múc, 3.000 bao tải, 330 m3 đá hộc, 200 cái rọ thép, 10.000 cọc tre, luồng...
Bên cạnh đó, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, sự chủ động của người dân trong việc phòng chống, ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, gia cố, bảo vệ diện tích nuôi thủy sản, sơ tán người dân trên các lồng nuôi cá tại lòng hồ thủy điện Bá Thước khi có mưa lũ đến nơi an toàn.
Lãnh đạo huyện Bá Thước kiểm tra cầu dân sinh bắc qua sông, suối.
Phân công các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các vị trí xung yếu, các công trình đang hư hỏng, các vị trí đã xảy ra sự cố sạt lở tại bờ sông, mái taluy đường giao thông trong thời gian vừa qua; các công trình dự án đang thi công. Phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ, đặc biệt là các khu vực trọng yếu với phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Đồng chí Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, suối.
Hiện tại các đồng chí lãnh đạo huyện Bá Thước vẫn đang tiếp tục đi kiểm tra và chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
*Tại huyện Như Thanh, để bảo đảm an toàn cho Nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra, huyện Như Thanh đã xây dựng phương án sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó với bão trên tinh thần chủ động ở mức cao nhất.
Các xã của huyện Như Thanh gấp rút thu hoạch lúa để tránh bão.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Như Thanh, toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng vụ thu mùa là 4.403ha; trong đó diện tích l úa 2.897,7 ha; ngô thương phẩm 243,5 ha và các loại cây trồng khác là 1.261,8 ha.
Trước diễn biến của bão số 3, UBND huyện đã ban hành văn bản để chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đạo Nhân dân huy động nhân lực, phương tiện máy móc thu hoạch ngay diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên. Kết quả tính đến 11 giờ ngày 7/9/2024 đã thu hoạch diện tích lúa là 906,7/2.897,7 ha đạt 31,3%. Diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên nhưng chưa kịp thu hoạch là 245,6 ha.
Các xã, thị trấn đã chuẩn bị các biện pháp, giải pháp để ứng phó với bão số 3 đối với đàn vật nuôi đó là chuẩn bị các vị trí, địa điểm an toàn để di chuyển đàn vật nuôi tại khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; chỉ đạo Nhân dân chuẩn bị thức ăn chăn nuôi và các dụng cụ, vật tư cần thiết để đảm bảo cho quá trình chăn nuôi khi có thiên tai.
Huyện Như Thanh cũng đã xây dựng phương án sơ tán các hộ dân ứng phó với lũ ống, lũ quét xảy ra là 141 hộ với 557 nhân khẩu tại các xã: Cán Khê, Phượng Nghi, Mậu Lâm, Yên Thọ, Xuân Thái. Số hộ cần sơ tán ứng phó với sạt lở đất khi xảy ra là 195 hộ với 802 nhân khẩu tại các xã Cán Khê, Phượng Nghi, Hải Long, Xuân Khang, Mậu Lâm. Số hộ cần sơ tán ở vùng trũng thấp khi có mưa lớn xảy ra là 224 hộ (sơ tán tại chỗ 211 hộ, sơ tán tập trung 13 hộ) với 875 nhân khẩu tại các xã: Cán Khê, Phượng Nghi, Phú Nhuận, Hải Long, Xuân Thái... Số hộ cần sơ tán ứng phó với bão mạnh xảy ra là 1.394 hộ với 5.546 nhân khẩu; sơ tán ứng phó với siêu bão 1876 hộ với 7.068 nhân khẩu.
*Tại huyện Quan Sơn, đã xảy ra dông lốc kèm theo mưa đã gây thiệt hại nặng về tài sản. Cụ thể, dông lốc đã làm tốc mái một phần hoặc toàn bộ 20 ngôi nhà ở các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Điện, Tam Thanh. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở an toàn.
Cây xanh và cột điện bị gẫy đổ do gió lốc.
Dông lốc còn làm đổ rạp khoảng 50ha lúa ở các xã trên. Hầu hết diện tích lúa này chưa thể thu hoạch. Ngoài ra, nhiều cây xanh, cột điện ở khu vực các xã này cũng bị gió lốc làm gãy đổ. Một cột tiếp sóng viễn thông ở xã Sơn Điện cũng bị gãy đổ, không thể sửa chữa do gió lớn.
Dông lốc còn làm một phụ nữ (54) tuổi ở xã Tam Thanh phải nhập viện cấp cứu do bị cây gãy đổ đè lên người. Hiện tại sức khỏe của người phụ nữ này đang dần ổn định.
Cột tiếp sóng viễn thông ở xã Sơn Điện bị gãy đổ.
Mưa lớn trước bão số 3 cũng đã làm sạt trượt nhiều điểm trên Quốc lộ 217 và đường giao thông liên xã trên địa bàn. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết. Từ chiều ngày 6/9 đến trưa nay (7/9), Huyện ủy Quan Sơn đã thành lập các đoàn, phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ tổ chức kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại cơ sở. Huyện cũng đã chỉ đạo làm tốt công tác tổ chức chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần và xây dựng phương án chủ động ứng phó với mưa bão.
*Tại huyện Hậu Lộc, một số diện tích lúa hè thu của Nhân dân xã Lộc Sơn đã đến kỳ thu hoạch tuy nhiên do đường sá đi lại khó khăn, diện tích nhỏ lẻ nên việc huy động thu hoạch bằng máy móc gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội thường trực và dân quân tự vệ khẩn trương giúp đỡ nhân dân xã Lộc Sơn, huyện Hậu Lộc gặt lúa.
Bộ CHQS tỉnh đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội thường trực và dân quân tự vệ khẩn trương giúp đỡ nhân dân xã Lộc Sơn, huyện Hậu Lộc gặt lúa.
*Tại huyện Triệu Sơn, để chủ động đối phó với diễn biến bão số 3, bảo vệ an toàn cho tài sản, tính mạng cho người dân và đảm bảo tiêu úng cho hơn 8.800 ha lúa mùa, huyện Triệu Sơn đã phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra, đảm an toàn và hạn chế thiệt hại cho Nhân dân; bám sát các địa phương, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động và thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Huyện Triệu Sơn đã huy động hơn 2.500 ha lúa mùa.
Đồng thời, huyện đã huy động các lực lượng, phương tiện cơ giới khẩn trương thu hoạch lúa chín. Đến sáng 7/9, trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã thu hoạch hơn 2.500 ha lúa mùa chín. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng dân quân tự vệ tổ chức thực hiện phát quang, khơi thông dòng chảy tuyến kênh tiêu Ninh Phong đi qua địa bàn thị trấn Triệu Sơn và xã Minh Sơn nhằm góp phần tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn xảy ra, góp phần tránh ngập úng cho 1 số hộ dân sinh sống dọc 2 bên tuyến kênh.
Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Triệu Sơn yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu, chi nhánh thủy lợi Triệu Sơn, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tiếp tục kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, nhất là hệ thống các kênh tiêu; tiến hành nạo vét, thu dọn bèo, cỏ rác trên kênh đảm bảo thông thoáng dòng chảy khi có mưa bão xảy ra.
*Tại huyện Yên Định, chiều ngày 6/9, lãnh đạo huyện Yên Định đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các xã Yên Thọ, Yên Trường, thị Trấn Yên Lâm và thị trấn Quý Lộc.
Đoàn kiểm tra tuyến đê tại thị trấn Quý Lộc.
Tại các địa phương, đoàn đã kiểm tra tình hình thực tế tại các tuyến đê, cầu đường, trạm bơm, kênh mương và chỉ đạo các địa phương tăng cường bám cơ sở, trực thông tin để nắm bắt, xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Tại các tuyến đê xung yếu của thị trấn Yên Lâm, thị trấn Quý Lộc và xã Yên Thọ, đoàn công tác đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương bám sát địa bàn, tổ chức ứng trực 24/24h; rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở tại các chân đê, điểm trũng thấp; tuyên truyền các hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ngoài đê cần tập trung bố trí gia cố nhà cửa và tuyệt đối không ở lại khi mưa to gió lớn. Đồng thời, huy động máy móc và lực lượng dân quân hỗ trợ bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín hơn 80%...
Đoàn kiểm tra tại thị trấn Yên Lâm.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 Yagi, ngày 5/9 UBND huyện Yên Định đã có công điện số 13 về việc tập trung ứng phó với bão số 3; ngày 6/9 UBND huyện đã có công văn chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa mùa và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự từ huyện đến các xã, thị trấn bám sát địa bàn, chỉ đạo và xử lý kịp thời.
*Huy động trên 16.500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, dân quân tự vệ giúp nhân dân ứng phó với bão số 3 (Yagi)
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (Yagi), Bộ CHQS tỉnh đã nhanh chóng, chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó, sẵn sàng các phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh kiểm tra neo đậu tàu thuyền tại Eo tránh trú bão xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương.
Theo đó, Bộ CHQS tỉnh đã tích cực tham mưu với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc để ứng phó với cơn bão. Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt tới 100% cán bộ, chiến sĩ chỉ thị, kế hoạch của các cấp trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bão. Cùng với đó, đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị và các phương án ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, trang bị theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão, lũ khi có các tình huống xảy ra; chuẩn bị tốt phương án bảo vệ người và tài sản trong các hoạt động trên đất liền, trên biển; phương án phòng chống ngập, lụt; kiểm soát, canh gác, hướng dẫn, phân luồng giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức trực tăng cường 100% quân số; theo dõi nắm tình hình địa bàn, diễn biến cơn bão; rà soát, kiểm tra hệ thống các kế hoạch, phương án ứng phó tình huống, sự cố, thiên tai trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật.
Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Thanh Hóa giúp nhân dân gặt lúa trước cơn bão số 3.
Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị đã xây dựng phương án sẵn sàng huy động trên 16.500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, DQTV, trên 200 phương tiện gồm ô tô, tàu, xuồng; hàng ngàn phao cứu sinh, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt trong xử lý các tình huống. Từ sáng ngày 5 đến chiều ngày 6/9, lực lượng các cơ quan, đơn vị tham gia kiểm tra công tác ứng phó, giúp đỡ nhân dân gặp lúa, di dời các hộ dân sinh sống tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; chằng chống nhà cửa; kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền vào vị trí tránh bão an toàn (6 huyện ven biển), khơi thông dòng chảy, tiêu úng... Các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
*500 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 huy động lực lượng giúp dân phòng, chống bão số 3
500 cán bộ chiến sỹ trực tiếp tham gia giúp nhân dân nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương có nguy cơ ngập úng cao
Ngay từ chiều 6/9, các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 đã chủ động tổ chức duy trì 100% quân số trực để sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi).
Trong sáng ngày 7/9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) đã huy động 500 cán bộ chiến sỹ trực tiếp tham gia giúp nhân dân nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương có nguy cơ ngập úng cao, chặt cây cối dễ đổ gãy gây ảnh hưởng đến nhà cửa và tài sản của nhân dân trên địa bàn thị trấn và xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn.
Cán bộ, chiến sỹ tham gia nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh mương trên địa bàn thị trấn và xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn.
Thượng tá Nguyễn Công Lương, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 cho biết: "Nhận được lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ đơn vị kịp thời làm tốt công tác giúp nhân dân phòng chống bão. Dù trời mưa to, gió lớn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đều làm việc với tinh thần quyết tâm cao, giúp nhân dân hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trước, trong và sau bão số 3, chúng tôi luôn duy trì lực lượng, phát huy tốt tinh thần chủ động, tiên phong trong bảo vệ, giúp đỡ nhân dân".
*Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân do bão số 3 (Yagi) gây ra, Sư đoàn 341 (Quân khu 4) đã huy động 30 cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp với dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) tổ chức khơi thông dòng chảy vớt bèo mảng, rau muống hai bên sông Nhà Lê.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nước sông dâng cao, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 đã thu gom được hơn 1.000 m3 bèo mảng, rau muống trên sông Nhà Lê, góp phần khơi thông dòng chảy chống ngập úng.
*Để chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lớn do hoàn lưu bão, Công ty TNHH MTV Thuỷ điện Trung Sơn (TSHPCo) đã chủ động rà soát, kiểm tra các vật tư thiết bị và triển khai các phương án ứng phó.
Theo ông Lê Tấn Duy, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn Công ty TNHH MTV Thuỷ điện Trung Sơn, để ứng phó với mưa lớn những ngày tới, hiện hồ Trung Sơn tiếp tục tiến hành xả lũ với lưu lượng xả lũ bằng lưu lượng nước về; đồng thời điều tiết mực nước hồ thông qua phát điện các tổ máy để duy trì mực nước thấp hơn cao trình mực nước dâng bình thường (160m), hạ hoàn toàn mực nước về cao trình 150m để đảm bảo luôn duy trì dung tích phòng lũ.
Nhà máy thuỷ điện Trung Sơn hạ mức nước hồ chứa về cao trình 150m để bảo đảm dung tích phòng lũ.
Công ty Thủy điện Trung Sơn cũng tổ chức trực ban 24/24 giờ để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra; kiểm tra dầu máy và vận hành thử máy phát Diesel đề phòng sự cố điện lưới ảnh hưởng đến vận hành nhà máy thuỷ điện.
Nguyên tắc vận hành hồ chứa thủy điện để cắt lũ giảm lũ.
Trong những ngày tới khi mưa lớn xảy ra, công ty sẽ thường xuyên báo cáo, thông tin đến Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để có phương án chỉ đạo kịp thời; đồng thời thông tin cho chính quyền các địa phương và người dân vùng hạ du khi tiến hành xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã.
Hồ thủy điện Trung Sơn có diện tích lưu vực hứng nước khoảng 14.660km2, trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 8.139km2 và lãnh thổ Lào 6.521km2. Ngoài mục tiêu phát điện, hồ thuỷ điện Trung Sơn còn có dung tích phòng lũ thường xuyên 112 triệu m3.
Nhóm PV thời sự và CTV
{name} - {time}
-
2024-12-14 05:00:00
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 14/12/2024
-
2024-12-13 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 13/12
-
2024-09-07 07:10:00
“Xuyên đêm” trực bão số 3
Góc nhìn: Yêu nước phải đúng cách
Điểm nóng sáng 7/9: Chở bà nội gây tai nạn giao thông, cháu gái phải ngồi tù
Điểm nóng sáng 7/9: Tòa án thông tin mới đặc biệt xét xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 7/9
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 6/9
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi kiểm tra phòng, chống lụt bão tại huyện Hà Trung và Thạch Thành
[Bản tin 18h] Cấm biển, ngừng khai thác tàu bay để ứng phó bão số 3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại các huyện Nông Cống, Như Thanh và Như Xuân
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn