(Baothanhhoa.vn) - Hệ thống hạ tầng khung cho phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các khu công nghiệp (KCN) vừa thiếu và yếu là vậy, nhưng không thể khắc phục một sớm một chiều. Ngoài những nguyên nhân do đơn vị đầu tư hạ tầng KCN còn lơ là, chưa chú trọng thực hiện đầu tư theo quy định, thì phần lớn các nguyên nhân là do lỗi hệ thống, xuất phát từ nhiều phía...

Bức thiết hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp (Bài 2): Nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết ngay

Hệ thống hạ tầng khung cho phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các khu công nghiệp (KCN) vừa thiếu và yếu là vậy, nhưng không thể khắc phục một sớm một chiều. Ngoài những nguyên nhân do đơn vị đầu tư hạ tầng KCN còn lơ là, chưa chú trọng thực hiện đầu tư theo quy định, thì phần lớn các nguyên nhân là do lỗi hệ thống, xuất phát từ nhiều phía...

Bức thiết hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp (Bài 2): Nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết ngayHệ thống bể chứa nước và máy bơm tăng áp cho PCCC tại Nam Khu A - KCN Bỉm Sơn luôn sẵn sàng nhưng tổng thể các hạng mục PCCC toàn khu vẫn chưa đồng bộ. Ảnh: P.V

Tại Nam Khu A, KCN Bỉm Sơn, Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng chính là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghiệp từ cách đây tròn 10 năm. Tuy nhiên, sau đợt rà soát mới nhất của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa qua, đơn vị chủ đầu tư mặt bằng này đã bị lập biên bản vi phạm hành chính do chưa đáp ứng được các quy định về xây dựng hạ tầng PCCC ở KCN. Dự án hạ tầng KCN này có diện tích 145 ha, trừ một số khoảng núi đá và đồi đất nằm xen kẽ thì phần cần giải phóng mặt bằng (GPMB) là 113 ha. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc nên sau một thập kỷ, chính quyền thị xã Bỉm Sơn mới bàn giao cho công ty quản lý sử dụng và cho thuê được 106,76/113 ha. Phần diện tích còn lại chưa GPMB cũng như chưa được thuê đất chủ yếu là đất giao thông nằm rải rác trên các tuyến đường, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư các hạng mục PCCC còn lại theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nam Khu A, KCN Bỉm Sơn, chia sẻ: Vướng mắc lớn nhất khiến Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng không thể hoàn thiện hệ thống hạ tầng PCCC là phần diện tích 7,3 ha còn lại chưa được GPMB. Hiện phần diện tích này đang có gần 30 hộ dân sinh sống với nhà cửa, đất trồng cây lâu năm... Trên thực tế, tuyến cấp nước chính và hệ thống nước PCCC của dự án hạ tầng KCN được thiết kế theo mạch vòng khép kín. Những đoạn đã có mặt bằng, công ty đã hoàn thiện đường nước ngầm cho PCCC, nhưng đến đoạn còn các hộ dân hơn 7 ha hiện nay thì không thể triển khai. Theo đó, hệ thống hạ tầng PCCC toàn khu không thể thực hiện được, phải chờ khi nào thị xã Bỉm Sơn bàn giao phần đất còn lại. Rõ ràng, khi kiểm tra thì doanh nghiệp chưa đầy đủ hạ tầng PCCC theo quy định là vi phạm, nhưng cũng không còn cách nào khác.

Cũng tại KCN Bỉm Sơn, nhà đầu tư hạ tầng Bắc Khu A là Công ty CP Đầu tư Phát triển VID cũng gặp khó khăn trong hoàn thiện hạ tầng khung PCCC bởi sự thay đổi của các quy định về PCCC khiến doanh nghiệp gặp khó. Trước đó, doanh nghiệp đã được thẩm duyệt thiết kế cơ sở theo quy định tại Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18-3-2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Công ty đã đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trong KCN bảo đảm chiều rộng trên 3,5m; chiều cao trên 4,5m để phục vụ công tác chữa cháy. Về nguồn nước, doanh nghiệp đã xây dựng một bể chứa nước ngầm có khối tích 2.000m3 và đang lắp đặt các thiết bị PCCC thì năm 2020 phải dừng lại để thực hiện thiết kế cơ sở lại theo quy định của Nghị định 136/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24-11-2020. Do công tác thẩm định do Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an thực hiện, với nhiều lần góp ý, chỉnh sửa nên bị kéo dài thời gian. Đến ngày 19-7-2021, công ty mới được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC theo quy định tại Nghị định 136 để tiếp tục thực hiện dự án.

Đầu tháng 3 vừa qua, 3 doanh nghiệp đầu tư hạ tầng ở KCN Bỉm Sơn đã gửi báo cáo giải trình về PCCC tại các dự án hạ tầng được giao vận hành khai thác, trong đó có nhiều hạng mục, công trình và các quy định PCCC chưa bảo đảm quy định hiện hành. Các đơn vị này cũng kiến nghị được xem xét không xử phạt hành chính do nhiều nguyên nhân khách quan, lỗi không đến từ doanh nghiệp. Ngày 23-3, UBND tỉnh đã có Công văn 3789/UBND-KSTTHCNC để trả lời. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN Bỉm Sơn là Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng, Công ty CP Đầu tư phát triển VID Thanh Hóa và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 4 nhanh chóng tổ chức hoàn thiện, khắc phục các tồn tại về PCCC, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Trở lại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, do được thành lập trên cơ sở gom các doanh nghiệp đã có từ trước nên 1/2 KCN hiện nay không có chủ đầu tư hạ tầng. Phần KCN Đình Hương (cũ) - nay là một phần của KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, trước đây không có nhà đầu tư hạ tầng mà các doanh nghiệp tự thuê đất rồi xây dựng hệ thống văn phòng, nhà xưởng sản xuất. Theo đó, hơn 21 năm đi vào hoạt động nhưng đến nay, phần KCN này chưa được đầu tư hạ tầng PCCC, các hạ tầng khác cũng chưa đồng bộ. Phần còn lại chính là KCN Tây Bắc Ga (cũ) được đầu tư từ hơn 20 năm qua, do Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này đã lắp đặt 19 trụ cấp nước chữa cháy, được đấu nối với hệ thống nước sạch của TP Thanh Hóa, nhưng đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, không đáp ứng các yêu cầu. Do vậy, các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại đây muốn bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC phải tự đầu tư hệ thống cấp nước ngoài nhà, xây dựng đường giao thông riêng cho phương tiện chữa cháy gây tốn kém thêm rất nhiều chi phí. Phần KCN Tây Bắc Ga (cũ), tuy đã được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cơ bản, nhưng nhiều năm qua, hệ thống chữa cháy ngoài nhà chưa bảo đảm, các trụ nước hư hỏng nhiều, nguồn nước cấp không bảo đảm lưu lượng và áp suất... Với toàn KCN này, tuy KCN đã hoạt động nhiều năm, nhưng toàn bộ hạ tầng khung về PCCC ở đây cũng chưa được nghiệm thu theo quy định.

Bức thiết hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp (Bài 2): Nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết ngayĐường ống ngầm chuẩn bị được Công ty TNHH An Phúc Thịnh (KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga) đấu nối phục vụ PCCC và để có thể dẫn nước từ hệ thống hạ tầng PCCC chung.

Tổng hợp từ Công an tỉnh Thanh Hóa trong đợt kiểm tra, rà soát gần đây nhất, hiện ngoài KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa), hạ tầng kỹ thuật liên quan đến PCCC của tất cả các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều chưa được nghiệm thu về PCCC. Nhiều năm qua, lực lượng chuyên ngành về PCCC của từng KCN theo các quy định cũng chưa được thành lập. Về nguyên nhân, nhiều KCN do được đầu tư thành nhiều giai đoạn, phân thành nhiều khu dẫn đến khó xác định đơn vị chủ đầu tư, đơn vị kinh doanh chịu trách nhiệm trong việc thành lập, duy trì hoạt động của các lực lượng PCCC chuyên ngành, việc bố trí quỹ đất cho lực lượng PCCC... Đa phần hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng PCCC của các KCN chưa được đầu tư đồng bộ bởi các nguyên nhân chính là còn vướng GPMB, chưa đầy đủ thủ tục thẩm duyệt và nghiệm thu...

Tính đến cuối tháng 4 này, các nhà đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh mới đang “rục rịch” các thủ tục để thành lập các đội PCCC liên ngành cũng như mua sắm các xe cứu hỏa, nhưng nhiều nơi tiếp tục gặp vướng mắc. Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 149/2020/TT của Bộ Công an thì các KCN có diện tích từ 50 ha trở lên phải có đội PCCC chuyên ngành. Người đứng đầu đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN có trách nhiệm duy trì hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Cũng theo các quy định về PCCC gần đây, các KCN có diện tích trên 300 ha phải bố trí 3 xe chữa cháy, từ 150 đến 300 ha phải bảo đảm 2 xe, và từ 50 đến 150 ha bắt buộc phải bố trí 1 xe chữa cháy. Trên thực tế, nhiều KCN như Bỉm Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga đều có nhiều nhà đầu tư hạ tầng với nhiều khu nhỏ, vậy doanh nghiệp nào đóng vai “đứng mũi chịu sào” để thành lập các đội PCCC chuyên ngành? Những chiếc xe cứu hỏa tiền tỷ, việc phân bổ % để mua được tính theo diện tích hay những vị trí đã có nhiều doanh nghiệp thứ cấp đầu tư? Doanh nghiệp nào đứng ra điều hành đội lái xe, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có vấn đề bất trắc phát sinh? Những nhiệm vụ tổng hợp rất dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” đang được UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ từng bước trong những hội nghị gần đây.

Trên thực tế, hạ tầng PCCC cũng như các thủ tục liên quan chỉ là một phần trong đầu tư, xây dựng hạ tầng KCN. Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế và những vi phạm về PCCC, các đơn vị liên quan như Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN, Sở Xây dựng, các địa phương có KCN, nhiều sở, ngành khác cần cộng đồng trách nhiệm hơn nữa trong tháo gỡ những vướng mắc liên quan, nhất là vấn đề quy hoạch và các thủ tục hành chính.

Nhóm PV Kinh tế

Bài 3: Gỡ khó để nhà đầu tư hoàn thiện và vận hành hiệu quả hạ tầng PCCC

Tin liên quan:
  • Bức thiết hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp (Bài 2): Nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết ngay
    Bức thiết hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp (Bài 1): ...

    Khi được rà soát tổng thể, nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan ở Thanh Hóa mới ngỡ ngàng trước sự “sơ khai”, yếu kém, thậm chí là... chưa có gì trong việc xây dựng hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư hạ tầng muốn hoàn thiện theo quy định lại gặp không ít vướng mắc phát sinh cần được tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các KCN cũng bị “vạ lây”, chưa kể năng lực PCCC chung cho toàn KCN vẫn còn là những dấu hỏi...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]