“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 2): Những chuyến đi nghĩa tình
Trung tuần và hạ tuần tháng 9, Hội LHPN thị xã Nghi Sơn và Quảng Xương đã có những chuyến thiện nguyện ủng hộ đồng bào vùng lũ tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Mỗi chuyến đi “chở” theo những tấm lòng, như chia sẻ của Chủ tịch Hội LHPN thị xã Nghi Sơn Lê Thị Hường: “Những mảnh đất chúng tôi đến, đều để lại tình cảm đặc biệt. Nhận quà, nhiều người đã khóc, chân tay còn đang lấm bùn đất. Nếu có điều kiện, chúng tôi mong sẽ được trở lại nhiều lần để được chia sẻ nhiều hơn...”.
Người dân phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái (Yên Bái) nhận quà hỗ trợ của Hội LHPN huyện Quảng Xương. (Ảnh: Hội LHPN huyện Quảng Xương cung cấp)
1. Trong các ngày từ 19 - 22/9/2024, Hội LHPN thị xã Nghi Sơn đã về với người dân vùng lũ tại 3 xã Tân Dương, Tân Tiến và Vĩnh Yên của huyện Bảo Yên (Lào Cai). Đây là những xã bị ảnh hưởng nặng bởi bão và hoàn lưu bão số 3 Yagi. Đoàn mang theo 15 tấn nhu yếu phẩm trị giá gần 700 triệu đồng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.
Về vùng lũ, một cuộc hành trình ngắn nhưng đó là cả một câu chuyện dài về đất và người. Ở đấy là sự ám ảnh của khốn khó và những lo lắng ngay cả khi bão lũ đã đi qua...
Với những người làm thiện nguyện, dừng chân vùng lũ cũng phải đối diện với nhiều cái khó, khó về đường đi, khó về nơi ăn, chốn nghỉ... Chủ tịch Hội LHPN thị xã Nghi Sơn Lê Thị Hường kể lại: “Ngày đầu về huyện Bảo Yên, các nhà nghỉ đều “cháy phòng” do nhiều đoàn thiện nguyện ở các tỉnh, thành về. Đoàn chúng tôi phải lên nghỉ ở thành phố Lào Cai, cách huyện Bảo Yên khoảng 75km. Có những quán ăn, khi chúng tôi xin ít xì dầu cũng không có vì đã bị trôi hết...”.
Về vùng lũ, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, bề bộn... Nhiều nhà sập, tài sản gần như mất trắng, đường sá lầy lội... Có những điểm đến, xe chở nhu yếu phẩm của Hội LHPN thị xã Nghi Sơn muốn vào trong bản phải nhờ đến máy xúc múc đất, tạo lối đi nhỏ. Cũng có nơi, lúc vào đường chưa sạt, lúc ra đã sạt đường, cả đoàn phải xuống đẩy xe... “Những nơi chúng tôi đến, người dân chân chất, hiền lành. Họ rất đáng thương. Còn nhớ, khi chúng tôi biếu người của bản cá khô, moi, họ có nói rằng, chưa bao giờ được ăn những thứ này. Chúng tôi cảm nhận, họ thiếu thốn thật nhưng họ không tham. Tôi nói vậy, vì người dân nhận quà rất từ tốn. Ở bản Mười, xã Tân Dương, trưởng bản có nói với đoàn, nếu không đủ nhu yếu phẩm thì đừng cho nữa mà hãy để cho bản khác đang khó khăn hơn. Bản cũng đã có một vài đoàn hỗ trợ cho bà con rồi”, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Nghi Sơn Lê Thị Hường, nhớ lại.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vĩnh Yên, xã Vĩnh Yên, một trong những điểm đến của Hội LHPN thị xã Nghi Sơn, tại đây Hiệu trưởng Bùi Lê Thiên cho biết: Trường không ngập lụt nhưng có hơn 30 gia đình học sinh và giáo viên bị ảnh hưởng. “Khi đoàn của Hội LHPN thị xã Nghi Sơn đến thăm trường, có tặng xoong nồi, gạo, cặp và sách vở...”. Hiệu trưởng Bùi Lê Thiên nói: “Gạo thì nhà trường chia cho những gia đình học sinh, giáo viên bị ảnh hưởng nặng nhất. Riêng sách thì sau khi đón nhận, chúng tôi đã phân loại và cũng đã dùng được một số lượng nhất định vì thực tế, lựa chọn sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Lào Cai khác Thanh Hóa là sử dụng nhiều bộ sách”.
Ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu bão số 3 Yagi, 15/17 xã, thị trấn huyện Bảo Yên bị ảnh hưởng lớn, có những xã bị thiệt hại nặng. Theo bà Ngô Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Yên, thì: "Người dân rất xúc động khi đón nhận tình cảm của Hội LHPN thị xã Nghi Sơn. Những nhu yếu phẩm của đoàn rất thiết thực với bà con vùng lũ".
2. Trong chuyến thiện nguyện về huyện Bảo Yên lần này, có một điều đặc biệt, đó là chi hội phụ nữ khu phố tại một số phường ở thị xã Nghi Sơn cũng đã về với bà con vùng lũ, trong đó có Chi hội Phụ nữ khu phố Thống Nhất, phường Hải Ninh. “Sau khi quyên góp, ủng hộ theo tinh thần chung, chi hội cũng đã kêu gọi được nhiều tấm lòng hảo tâm và đã thành lập đoàn riêng về với xã Tân Dương và Xuân Thượng của huyện Bảo Yên”. Chị Lê Thị Lý, hội viên Chi hội Phụ nữ khu phố Thống Nhất cho biết.
Gạo đóng thành từng yến. Mắm tép chưng thịt. Lạc rang ép chân không;... những nhu yếu phẩm cần thiết đã được đoàn sắp xếp gọn gàng, cẩn thận. 20 giờ ngày 19/9 xe xuất phát, thì 19 giờ 45 phút vẫn có người mang gạo đến ủng hộ...
Bản trong vùng lũ đều để lại những kỷ niệm khó quên. Ở bản 6 Vành, xã Xuân Thượng đã có nhiều tình huống khiến các thành viên đoàn thiện nguyện của Chi hội Phụ nữ khu phố Thống Nhất phải ứng phó linh hoạt. Đường lầy lội, khó đi, xe ô tô không thể vào bản, hàng đành bỏ xuống ở đầu dốc của bản 6 Vành. Từ chỗ tập kết hàng vào đến nhà văn hóa bản 6 Vành gần 10km. Chị Lê Thị Lý, thành viên trong đoàn, kể: “Nhiều người khuyên chúng tôi dừng ở đầu dốc thôi, không nên vào bản vì đường xấu. Nhưng chúng tôi bảo với mọi người rằng, vượt vài trăm km còn đi được, lẽ nào lên đến đây chỉ còn 10km mà không vào được với bà con. Rất may, người của bản 6 Vành và một số người ở bản khác đã đi xe máy ra chở chúng tôi và chính họ cũng là người tăng bo hàng vào trong bản. Người lai tôi vào bản là em gái tên Biển, 16 tuổi ở bản khác...”.
Đoàn vào bản 6 Vành, bà con ai cũng mừng vui vì không phải ai cũng vào trực tiếp để trao quà. Theo kế hoạch, sẽ có 108 suất quà trao cho 108 hộ nhưng con số tăng lên 133 hộ. Hộ tăng vì có hơn 20 người của bản khác khi nghe đoàn lên đã sang để giúp đỡ vận chuyển hàng và chở người. “Lúc đấy, thực sự chúng tôi cũng bối rối. Dù còn một số suất quà nhưng lại thiếu gạo, đoàn thống nhất góp tiền để bù cho những phần quà không có gạo. Tổng tiền của đoàn khi đấy góp được 6,6 triệu đồng. Nhưng có lẽ điều khiến đoàn áy náy nhất, đó là hình ảnh một cụ già từ chối đồ ăn, thức uống vì cụ bảo, đã nhận được hỗ trợ của một số đoàn khác, giờ cụ chỉ xin 1 đôi dép thôi, dép của cụ đã bị cuốn trôi rồi. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho đoàn”. Thành viên đoàn thiện nguyện Chi hội Phụ nữ khu phố Thống Nhất, chị Lê Thị Lý cho biết thêm.
Xuân Thượng là một trong những xã của huyện Bảo Yên thiệt hại nặng do bão lũ. Toàn xã có 21 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn. 216/216 hộ mất trắng hoa màu. Xã có 3 người chết trong 1 gia đình... Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thượng, chị Thàm Thị Bé cho biết: “Cùng với nhiều đoàn thiện nguyện khác, Chi hội Phụ nữ khu phố Thống Nhất ở phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa đã đóng góp quan trọng cho bà con vùng lũ Xuân Thượng. Hiện 11/11 bản, Nhân dân đã nhận đủ nhu yếu phẩm, gạo có thể ăn trong 1, 2 tháng. Một số hộ sập nhà cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các nhà thiện nguyện, đang tìm quỹ đất, làm nhà. Một số hộ đang ở nhờ nhà anh em hoặc dựng lán để ở...”.
3. Ngày 22/9/2024, Hội LHPN huyện Quảng Xương đã về với phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái (Yên Bái). Nằm ở địa bàn trũng, dọc bờ sông Hồng nên hầu như năm nào phường Hồng Hà cũng bị ngập lụt. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội LHPN phường Hồng Hà, chị Vũ Thị Thoa, thì: "Năm nay ngập nặng, sâu nhất 4m, mọi năm nước chỉ vào đường, ngập ít. Tối 8/9, khoảng 20 giờ, nước bắt đầu dâng cao. Mặc dù đã có thông báo di dời nhưng vẫn còn nhiều người chủ quan vì không nghĩ ngập cao như vậy, vượt mức lũ của năm 2008 gần 2m. Thời điểm năm 2008, người dân cứ kê đồ đạc cao lên nên cũng không nhiều thiệt hại. Nhưng năm nay, nước chảy rất xiết, nhiều cano vào chở người đưa ra vùng an toàn cũng bị lật, may là được ứng cứu kịp thời nên không có thiệt hại về người...".
Tuy nhiên, có tới 97% số hộ bị ảnh hưởng bởi trận ngập lụt này. Đặc biệt, chợ trung tâm của thành phố Yên Bái nằm trên địa bàn phường Hồng Hà nên số hộ trên địa bàn phường kinh doanh tại chợ tương đối nhiều. Ngập lụt, có những hộ mất hơn 100 tấn gạo, cũng có hộ mất hơn mười tỉ đồng tiền hàng...
Trong chuyến thiện nguyện này, Hội LHPN huyện Quảng Xương đã quyên góp, ủng hộ 3 tấn gạo, 2 tạ cá khô, 513 lít dầu ăn và rất nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng phục vụ sinh hoạt khác, tổng trị giá 280 triệu đồng. Tại phường Hồng Hà, hội đã trao 100 suất quà cho 100 hộ dân đặc biệt khó khăn. "Điều cảm động nhất trong chuyến thiện nguyện này là những người nhận quà đã nói với chúng tôi rằng, mỗi suất quà của họ sẽ được chia sẻ cho nhiều người bên cạnh nữa vì nhiều người cũng đang còn khó khăn. Chia ra thì quà ít đi nhưng bù lại, ai cũng có quà...", bà Ngô Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Xương, xúc động, cho biết.
VI AN
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-10-19 09:55:00
Những người phụ nữ tôi kính trọng
Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Sơn
Lớn lên từ những mảnh vườn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của giáo dục tỉnh Thanh Hóa
Dấu chân người khổng lồ trên đất Thanh
Văn hóa làng và làng văn hóa trên vùng đất Trung Chính
Mùa linh cảm: Viết ra để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”
Khát vọng từ mùa thu cách mạng
Phát huy giá trị văn hóa phục vụ yêu cầu đổi mới và phát triển quê hương, đất nước
Dấu xưa kinh thành Vạn Lại - Yên Trường