Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị ung thư
Thực hiện mục tiêu xây dựng một bệnh viện chuyên khoa hiện đại, sáng tạo, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa luôn tích cực phát triển kỹ thuật cao và đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu điều trị của bệnh nhân ung bướu, mang lại sự thuận tiện, hài lòng cho người dân.
Kíp phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch và dẫn lưu nước tiểu bằng quai ruột điều trị ung thư cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.
Sau một thời gian được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật (CGKT), cùng với đầu tư mua sắm trang thiết bị, cuối năm 2023, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã làm chủ được kỹ thuật cắt bàng quang, nạo vét hạch và dẫn lưu nước tiểu bằng quai ruột điều trị ung thư cho một bệnh nhân 67 tuổi đã từng được phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang - kỹ thuật này lần đầu tiên được thực hiện tại Thanh Hóa.
PGS.TS. Trần Đức, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Nam khoa thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người trực tiếp chuyển giao quy trình kỹ thuật “Phẫu thuật cắt u bàng quang đường trên và cắt bàng quang toàn bộ, nạo vét hạch và chuyển lưu nước tiểu bằng ruột” cho Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Phẫu thuật cắt bàng quang toàn bộ do ung thư, nạo vét hạch, tạo hình và dẫn lưu nước tiểu bằng ruột là một trong những phẫu thuật đặc biệt khó, chuyên sâu trong phẫu thuật tiết niệu, được chỉ định cho bệnh nhân ung thư bàng quang không còn chỉ định phẫu thuật nội soi. Việc cắt bỏ toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch rộng rãi nhằm điều trị triệt căn ung thư, từ đó ngăn chặn nguy cơ tái phát, phát triển khối ung thư mới, hạn chế việc phải dùng hóa trị, xạ trị với bệnh nhân, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Trong thời gian CGKT, kíp kỹ thuật của Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã rất tích cực trong nắm bắt các quy trình kỹ thuật và đã tiếp nhận CGKT thành công, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương và tạo thuận lợi cho người dân thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
Để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, ban lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ hàng đầu. Đặc biệt, là nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu về lĩnh vực ung bướu. Hàng năm, bệnh viện đã phát động phong trào tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện nâng cao y đức; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ được tham gia các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Bệnh viện cũng thường xuyên gửi các ê kíp gồm bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức, kỹ thuật viên là nguồn nhân lực chất lượng cao của bệnh viện đi đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Trong năm 2023 bệnh viện đã cử đi đào tạo CKII 14 người, CKI 12 người, đại học 7 người, khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật 257 lượt người...
BSCK II Trần Văn Thiết, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bệnh viện luôn lấy công tác đào tạo chuyên môn kỹ thuật là phương châm cốt lõi để phát triển bệnh viện trong tương lai gần. Vì vậy trong năm 2023 có nhiều CBVC được cử đi đào tạo tại các trường đại học như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Điều dưỡng Nam Định; đào tạo các khóa ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Bạch Mai; Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Thực hiện đề án hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện Trung ương để thực hiện chương trình nâng cao chất lượng y tế giai đoạn 2021-2025, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch đào tạo/CGKT giai đoạn 2021-2025; thống nhất với các bệnh viện Trung ương về các nội dung đào tạo/CGKT cụ thể, thực hiện triển khai theo hình thức ký kết hợp đồng đào tạo/CGKT từng gói (đào tạo tập trung tại các bệnh viện Trung ương và đào tạo tại chỗ theo hình thức CGKT). Theo đó năm 2023, đã đăng ký đào tạo và chuyển giao 13 gói dịch vụ kỹ thuật với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Song song với nâng cao trình độ chuyên môn, bệnh viện đã được quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Ngoài các trang thiết bị y tế cơ bản, bệnh viện còn được đầu tư các trang thiết bị y tế chuyên sâu, như hệ thống máy xạ hình SPECT/CT; hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA trong điều trị nút mạch u phì đại tiền liệt tuyến, u gan, u xơ tử cung; hệ thống máy đốt sóng cao tần RFA trong điều trị các bệnh lý u tuyến giáp, u gan..., từ đó đã giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh sớm, can thiệp đúng, tiên lượng được tình trạng bệnh và điều trị đúng, đủ, hợp lý hơn cho từng bệnh nhân.
Để ứng dụng hiệu quả máy móc, ban giám đốc bệnh viện đã tạo điều kiện cho cán bộ, y, bác sĩ thường xuyên tiếp cận, thực hành với máy móc, trang thiết bị hiện đại để làm chủ trang thiết bị, máy móc, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Bên cạnh việc thực hiện thường quy các kỹ thuật khó mà nhiều bệnh viện tuyến tỉnh trong khu vực chưa thực hiện được, năm 2023 bệnh viện tiếp tục đột phá và triển khai thành công 14 gói CGKT và 27 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) cao, trong đó đặc biệt phải kể đến sự thành công của gói CGKT sinh học phân tử trong chẩn đoán phát hiện đột biến gen EGFR; KRAS; NRAS; BRAF của ung thư phổi; ung thư vú; đại trực tràng. Đây là một bước tiến lớn của ngành y tế Thanh Hóa trong ứng dụng kỹ thuật cao sinh học phân tử để phát hiện các đột biến gen trong các bệnh lý ung thư nói trên, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người bệnh ung thư không phải chuyển mẫu bệnh phẩm đi tuyến Trung ương để xác định tình trạng đột biến gen. Ngoài ra, các DVKT cao khác được triển khai trong 14 gói CGKT từ tuyến Trung ương như: Phẫu thuật cắt u bàng quang toàn bộ, nạo vét hạch và chuyển lưu nước tiểu bằng quai ruột; xạ trị bằng máy gia tốc có điều biến liều IMRT; phẫu thuật nội soi cắt thận triệt căn trong điều trị ung thư thận...
Cùng với đó, bệnh viện đã được đầu tư phần mềm quản lý bệnh viện tân tiến và hệ thống lưu trữ hình ảnh PACS mà không cần phải in film chụp chiếu truyền thống như trước đây. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp các bác sĩ có thể truy xuất và xem lại toàn bộ lịch sử điều trị của người bệnh trên hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện cũng như hệ thống PACS. Qua đó, bác sĩ theo dõi được quá trình diễn biến của bệnh nhân một cách liên tục và đưa ra được các quyết định nhanh nhất, tốt nhất cho người bệnh. Ban giám đốc bệnh viện cũng phát động phong trào thi đua thực hiện 12 điều y đức, nâng cao tinh thần phục vụ và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Bệnh viện đã quán triệt việc thực hiện “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đến tất cả cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên.
Bệnh nhân Q.T.S., chia sẻ: “Tôi đến bệnh viện khám và được chẩn đoán u xơ vú phải lành tính, được biết bệnh viện triển khai phương pháp "Hút chân không VABB trong điều trị các u vú lành tính”, nên tôi quyết định lựa chọn vào đây để điều trị bệnh. Sau phẫu thuật điều trị u xơ tuyến vú bằng sinh thiết có hỗ trợ chân không dưới siêu âm VABB đều cắt bỏ hoàn toàn các khối u, không để lại sẹo, không đau, hiện sức khỏe của tôi đã ổn định và trở lại sinh hoạt bình thường".
Với mục tiêu trở thành trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao về lĩnh vực ung bướu của khu vực Bắc Trung bộ, thời gian tới, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung thư, nhằm giúp người bệnh được hưởng những kỹ thuật cao ngay tại địa phương; đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân và kéo gần khoảng cách về chuyên môn giữa các tuyến.
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-01-15 09:31:00
Hiệu quả từ các đề án nâng cao chất lượng dân số ở huyện Quan Hóa
-
2025-01-15 09:23:00
Dự kiến cần 50.000 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị trong tháng 1 năm 2025
-
2024-01-25 17:25:00
Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, hô hấp nhập viện gia tăng
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa hiến máu cứu sản phụ nguy kịch
Phòng chống đột quỵ ở người trong đợt rét đậm đầu tiên năm 2024
Cần khoảng 120.000 đơn vị máu dự trữ cung cấp cho 182 cơ sở y tế
Liên hoan, tiệc tùng cuối năm - Đừng quên bảo vệ gan!
Tăng cường bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh khi thời tiết lạnh
Hai cháu bé nghi ngộ độc sau ăn bim bim, mì cay đang hồi phục kỳ diệu
WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh mới nguy hiểm gấp 20 lần COVID-19
Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi bệnh Thalassemia
Quan tâm khám, sàng lọc thai kỳ cho sản phụ