(Baothanhhoa.vn) - Đề án liên doanh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho 134 trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn theo hình thức xã hội hóa (XHH) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2774/QĐ-UBND ngày 20-7-2018; Quyết định 3468/QĐ-UBND ngày 24-8-2020 sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 2774/QĐ-UBND ngày 20-7-2018. Sau gần 3 năm kể từ khi hoàn thành đầu tư (quý IV-2019), đến thời điểm hiện tại đề án vẫn chưa vận hành thông suốt; đa số các TYT chưa khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư, gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp.

Bất cập trong thực hiện đề án đầu tư xã hội hóa y tế tuyến xã

Đề án liên doanh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho 134 trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn theo hình thức xã hội hóa (XHH) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2774/QĐ-UBND ngày 20-7-2018; Quyết định 3468/QĐ-UBND ngày 24-8-2020 sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 2774/QĐ-UBND ngày 20-7-2018. Sau gần 3 năm kể từ khi hoàn thành đầu tư (quý IV-2019), đến thời điểm hiện tại đề án vẫn chưa vận hành thông suốt; đa số các TYT chưa khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư, gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp.

Bất cập trong thực hiện đề án đầu tư xã hội hóa y tế tuyến xã

Hệ thống xét nghiệm được đầu tư tại Trạm Y tế xã Thạch Cẩm (Thạch Thành) luôn trong tình trạng không hoạt động.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện

Tham gia đề án liên doanh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho trạm y tế theo hình thức XHH, TYT xã Minh Khôi (Nông Cống) được đầu tư 3 loại máy xét nghiệm: huyết học, sinh hóa, nước tiểu. Thế nhưng hệ thống này thỉnh thoảng mới được triển khai, mỗi tháng xét nghiệm cho khoảng 5 đến 7 bệnh nhân, còn lại luôn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Không riêng gì tại TYT xã Minh Khôi, 7 xã tham gia đề án còn lại trên địa bàn huyện Nông Cống cũng trong tình trạng tương tự, dù được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại; người sử dụng máy siêu âm, kỹ thuật viên xét nghiệm được đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn..., nhưng các thiết bị đã được đầu tư lắp đặt không được vận hành sử dụng thường xuyên, hiệu quả mang lại chưa cao.

Khảo sát thực tế tại các địa phương triển khai đề án, các cán bộ của các TYT đều cho biết: Khi tham gia đề án, trạm được cung cấp trang thiết bị máy xét nghiệm, máy siêu âm. Thời gian đầu đang được làm miễn phí siêu âm, xét nghiệm thì người dân rất phấn khởi, nhưng khi thu phí người dân không còn mặn mà nữa.

Tại huyện Thạch Thành, đề án được triển khai tại 4 TYT các xã: Thành Tâm, Thành Minh, Thành Tiến, Thạch Cẩm, trong đó 2 xã Thành Tâm và Thành Tiến được đầu tư đủ máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa và máy xét nghiệm nước tiểu; 2 xã Thành Minh và Thạch Cẩm chỉ được đầu tư máy xét nghiệm sinh hóa và máy xét nghiệm nước tiểu.

Trong 2 năm 2020 và 2021, Trung tâm Y tế huyện đã cung ứng cho 4 xã gần 90 triệu đồng tiền vật tư, hóa chất. Tổng tiền xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được BHYT chi trả gần 20 triệu đồng. Tổng số lợi nhuận phải chi trả về cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư y tế Nhật Quang (Công ty Nhật Quang) theo Công văn số 44/NQ??-DA là gần 12 triệu đồng. Số tiền trung tâm y tế và 4 TYT thực hiện đề án xã hội hóa thu được từ việc thực hiện dự án còn âm gần 82 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành khẳng định, đề án triển khai thực hiện trên địa bàn huyện không hiệu quả. Một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đó là, công tác tuyên truyền về chính sách của đề án đến người dân còn hạn chế, hình thức tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa đa dạng, thời lượng tuyên truyền còn ít, chất lượng tuyên truyền chưa cao do vậy người đến khám, chữa bệnh (KCB) và thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật hiện có tại TYT chưa cao. Thêm vào đó, trong 2 năm 2020 và 2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp người dân ngại đến nơi tập trung đông người nên phần nào đã ảnh hưởng đến công tác KCB nói chung và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về y tế nói riêng. Sau thời gian đề án đi vào hoạt động, sự tiếp cận và tin tưởng của người dân chưa cao, một số bệnh nhân chưa tin tưởng vào kỹ thuật, chuyên môn tại TYT. Mặt khác không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân sau chẩn đoán, không đáp ứng được nhu cầu KCB và điều trị của bệnh nhân dẫn đến bệnh nhân không mặn mà tới khám bệnh và thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng tại các TYT.

Lãng phí trong đầu tư

Với mục tiêu đẩy mạnh XHH lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng KCB tại tuyến xã, tạo sức hấp dẫn bệnh nhân BHYT tham gia KCB tại TYT, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, tăng nguồn thu cho TYT và giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đề án liên doanh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho 134 TYT xã, phường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo hình thức XHH ( sau khi có Quyết định số 3468/QĐ-UBND ngày 24-8-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 2774/QĐ-UBND, thì còn 129 TYT) với tổng mức đầu tư 123,749 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ chiếm 5%; nguồn vốn do Công ty Nhật Quang đầu tư chiếm 95% tổng mức đầu tư. Nội dung đầu tư gồm 3 phần: Mua sắm máy vi tính, thiết bị văn phòng, lắp điều hòa, đường nước, máy lọc nước, phục vụ cho phòng lắp đặt máy siêu âm, xét nghiệm (do ngân sách tỉnh hỗ trợ). Đầu tư trang thiết bị chuyên môn mỗi TYT tham gia đề án được đầu tư đồng bộ 4 loại trang thiết bị gồm 1 máy siêu âm Doppler màu 4D; 1 máy xét nghiệm huyết học tự động; 1 máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động; 1 máy xét nghiệm nước tiểu bán tự động (do Công ty Nhật Quang đầu tư). Đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn, hướng dẫn vận hành, chuyển giao kỹ thuật cho người sử dụng máy siêu âm, xét nghiệm tại TYT (do Công ty Nhật Quang đầu tư). Thời gian liên doanh liên kết 10 năm (120 tháng) kể từ khi hoàn thành việc đầu tư, đưa các trang thiết bị đi vào vận hành, khai thác sử dụng...

Tính đến ngày 31-12-2019, công tác đầu tư thực hiện đề án đã cơ bản hoàn thành, tất cả 129 TYT tham gia đề án đã được lắp đặt điều hòa, đường nước, thiết bị văn phòng, dụng cụ, cho các phòng lắp đặt máy siêu âm, xét nghiệm bằng nguồn ngân sách Nhà nước; 116 TYT đã được đầu tư lắp đặt trang thiết bị chuyên môn, trong đó có 55 TYT được đầu tư đủ cả 4 loại trang thiết bị (máy siêu âm Doppler màu 4D; máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động, máy xét nghiệm nước tiểu), 61 TYT mới được đầu tư 3 loại trang thiết bị (máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động, máy xét nghiệm nước tiểu). Các trang thiết bị được lắp đặt hệ thống đếm điện tử, kết nối phần mềm lên hệ thống HIS/VNPT vào cổng dữ liệu của BHYT. Toàn bộ vật tư tiêu hao phục vụ cho hoạt động của hệ thống trang thiết bị của đề án (gel, hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao...) do Công ty Nhật Quang cung ứng, trên cơ sở kết quả đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao hàng năm của Sở Y tế. Các dịch vụ kỹ thuật thuộc danh mục đề án đầu tư tại TYT được Sở Y tế thẩm định, phê duyệt thực hiện theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT, ngày 11-12-2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở KCB và được thanh toán BHYT. Các TYT trước khi tham gia đề án đều đã được đào tạo cấp chứng chỉ siêu âm, xét nghiệm tại các cơ sở đào tạo đủ điều kiện...

Dù đã được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại, được tập huấn chuyên môn, nhưng tại nhiều TYT, các thiết bị đã được đầu tư lắp đặt không được vận hành sử dụng, gây lãng phí rất lớn. Tại các TYT phường Quảng Thọ, Quảng Châu (TP Sầm Sơn); phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn); xã Yên Mỹ (Nông Cống), từ khi được đầu tư lắp đặt trang thiết bị (quý IV-2019) đến nay chưa thực hiện bất cứ dịch vụ kỹ thuật (DVKT) nào. Hơn 20% số TYT chỉ thực hiện DVKT vài lần mang tính chất thử máy, sau đó gần như không sử dụng; 50% số TYT rất ít sử dụng; chỉ có 20% số TYT thường xuyên sử dụng trang thiết bị, nhưng chưa TYT nào có đủ hóa chất xét nghiệm (HCXN) để thực hiện tất cả các danh mục kỹ thuật (DMKT) được Sở Y tế phê duyệt. Doanh thu KCB cho bệnh nhân tại TYT rất thấp. Tổng doanh thu từ việc thực hiện các DVKT năm 2019 đạt 43,8 triệu đồng; năm 2020 đạt 293,5 triệu đồng; năm 2021 đạt 607,5 triệu đồng; năm 2022 mặc dù dịch COVID-19 đã ổn định, nhưng 6 tháng đầu năm doanh thu chỉ đạt 122,5 triệu đồng.

Lời giải nào cho bài toán XHH y tế tuyến xã

Đề án đầu tư XHH y tế tuyến xã tại Thanh Hóa là mô hình mới đầu tiên trong cả nước được triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề án rất cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đường lối chiến lược, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về củng cố và tăng cường hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương chưa quan tâm đôn đốc, chỉ đạo các TYT thực hiện đề án; các thiết bị đã được đầu tư không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn cho nguồn ngân sách Nhà nước, cũng như khó khăn cho nhà đầu tư.

Trao đổi với ông Lê Khả Thành, Giám đốc Công ty Nhật Quang, được biết: Đề án triển khai trên diện rộng với 129 xã, phường thuộc 26 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Một số huyện, thị xã chỉ có 1 - 2 TYT tham gia đề án dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong việc mua HCXN, vật tư y tế (VTYT) phục vụ cho thực hiện đề án cũng như tổ chức thực hiện. Đến thời điểm hiện tại còn 3 trung tâm y tế chưa thành lập được phòng khám đa khoa để thực hiện việc quản lý KCB và cung ứng thuốc, HCXN, VTYT cho các trạm y tế thực hiện đề án. Vì thế, việc mua, cung ứng HCXN, VTYT, thanh toán KCB BHYT cho các TYT thực hiện đề án thuộc các địa bàn này vẫn do bệnh viện đa khoa huyện đảm nhiệm. Quá trình phối hợp giữa Công ty Nhật Quang với các bệnh viện để thực hiện đề án gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn và huyện Quan Sơn vẫn chưa ký hợp đồng KCB BHYT và cung ứng HCXN, VTYT cho TYT nên toàn bộ trang thiết bị ở TYT phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và xã Sơn Điện (Quan Sơn) không hoạt động được. Các địa phương: Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Thạch Thành, Bá Thước, Quan Sơn không triển khai bất cứ nội dung gì liên quan đến tổ chức thực hiện đề án, không cung ứng bất cứ loại HCXN, VTYT nào cho các TYT thực hiện đề án; huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Như Thanh, Quan Hóa không cung ứng đủ HCXN, VTYT cho TYT thực hiện các DVKT đã được Sở Y tế phê duyệt; còn tình trạng tùy tiện điều động nhân lực của TYT thực hiện đề án đã được Công ty Nhật Quang đào tạo sang các TYT khác hoặc về trung tâm y tế làm việc, như: xã Thạch Cẩm (Thạch Thành), thị trấn Nưa (Triệu Sơn)... dẫn đến tình trạng nhiều TYT sau khi đầu tư không có người vận hành sử dụng trang thiết bị. Đa số trung tâm y tế chưa tiếp cận, bắt nhịp kịp thời công tác quản lý KCB tại tuyến xã. Chưa nắm vững các quy định trong KCB, thanh, quyết toán cho bệnh nhân BHYT, thiếu chủ động trong đấu mối với Sở Y tế, BHXH để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác KCB cho bệnh nhân BHYT tại tuyến xã... dẫn đến hầu hết các TYT đều không đủ thuốc đáp ứng yêu cầu KCB cho bệnh nhân BHYT. Thêm vào đó, nhân lực tại các TYT mỏng, khối lượng công việc nhiều, chưa có cơ chế phân bổ kinh phí KCB BHYT cho tuyến xã một cách phù hợp. Việc xây dựng dự toán KCB BHYT dựa trên kết quả KCB của năm trước liền kề có nhiều bất cập, đặc biệt đối với các TYT thực hiện đề án...

Trong khi nguồn lực ngân sách của Nhà nước đầu tư cho y tế tuyến xã, phường còn khó khăn, thì XHH đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các TYT là chủ trương mang tính đột phá của tỉnh Thanh Hóa. Để việc triển khai thực hiện đề án đạt kết quả như mục tiêu đề ra cần có sự quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với DVKT cao tại tuyến xã, góp phần nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Bài và ảnh: Hà Bắc


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]