(Baothanhhoa.vn) - Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, cải cách thủ tục hành chính, tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ..., những nỗ lực ấy nhằm đưa Bá Thước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn, quyết tâm thoát ra khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá vào năm 2025 trong khu vực miền núi của tỉnh.

Bá Thước: Chọn đúng khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (Bài 2): Tạo nền tảng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế

Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, cải cách thủ tục hành chính, tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ..., những nỗ lực ấy nhằm đưa Bá Thước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn, quyết tâm thoát ra khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá vào năm 2025 trong khu vực miền núi của tỉnh.

Bá Thước: Chọn đúng khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (Bài 2): Tạo nền tảng thu hút đầu tư, phát triển kinh tếNhững năm qua, huyện Bá Thước thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư khu nghỉ dưỡng, thu hút khách du lịch. Ảnh: Ngân Hà

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhằm phát huy tối đa những lợi thế, thúc đẩy thu hút đầu tư, những năm qua huyện Bá Thước đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tiếp cận vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, thông tin, khoa học - công nghệ... phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lê Quang Huy, những năm qua, huyện Bá Thước đã chú trọng đến công tác quy hoạch và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã lập mới và điều chỉnh, bổ sung một số quy hoạch cấp huyện, cấp xã, như: Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bá Thước đến năm 2045 được UBND tỉnh Thanh Hóa duyệt tại Quyết định 4027/QĐ-UBND, ngày 14/10/2022; phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cành Nàng đến năm 2035; quy hoạch điểm dân cư đô thị tại khu phố Vận Tải, thị trấn Cành Nàng; quy hoạch chung xây dựng các xã: Ái Thượng, Ban Công, Thành Sơn, Lương Trung, Lũng Niêm đến năm 2030; quy hoạch 10 điểm dân cư đan xen... Từ đó, phân vùng, phân khu, xác định vị trí thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực chỉ đạo các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, nâng hạng Chỉ số DDCI của huyện xếp thứ 23, tăng 4 bậc so với năm 2021. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư về hồ sơ, thủ tục một cách nhanh nhất cho các tổ chức, cá nhân. Huyện cũng tăng cường tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Với lợi thế nguồn lao động dồi dào, huyện Bá Thước đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng với nhu cầu của thị trường, cung cấp lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp. Tính trong nửa đầu nhiệm kỳ, UBND huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức được 12 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp với 760 học viên tham gia. Cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tổ chức đào tạo nghề cho 5.986 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt từ 53% cuối năm 2021, đến năm 2023 đạt 59%.

Chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng

Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy thu hút đầu tư đó là làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhất là đối với các dự án trọng điểm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lê Quang Huy chia sẻ “Huyện đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, GPMB; thành lập tổ tuyên truyền, vận động về công tác GPMB. Khi dự án gặp vướng mắc trong công tác GPMB, các thành viên trong tổ đến gặp gỡ đoàn viên, hội viên để tuyên truyền, vận động; đồng thời tổ tuyên truyền còn có nhiệm vụ giám sát hội đồng GPMB trong việc kiểm kê, bồi thường cho người dân theo đúng quy định.

Nếu nơi nào người dân còn băn khoăn, vướng mắc chưa đồng thuận thì ban chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, GPMB của huyện tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Từ đó, tìm cách tháo gỡ một cách kịp thời, không phát sinh điểm nóng. Nhiều cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân nhận bồi thường, GPMB bàn giao cho nhà đầu tư; xây dựng kế hoạch chi tiết, ký cam kết tiến độ GPMB với các nhà đầu tư; đồng thời tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác xác định nguồn gốc đất, giải quyết tranh chấp đất đai, hỗ trợ người dân sau khi thu hồi đất để kịp thời bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án”.

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, công tác GPMB các dự án trên địa bàn huyện đã tạo được sự đồng thuận của người dân và có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều dự án sử dụng diện tích đất lớn được bàn giao đảm bảo tiến độ phục vụ cho công tác thi công thực hiện dự án hoàn thành đúng thời gian quy định, như: Dự án nâng cấp Quốc lộ 15 qua địa bàn 2 xã Thiết Ống và Thiết Kế, với 689 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng; Dự án cụm công nghiệp Điền Trung, có tổng diện tích khoảng 347.786m2, tổng diện tích đất thu hồi của dự án 294.870,7m2, có 43 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng; Dự án đường giao thông từ xã Thiết Ống đi xã Điền Thượng (thuộc Chương trình 30a) có tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 176.257m2, trên 561 thửa đất của 296 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng; Dự án đường giao thông từ Giầu Cả đi Cáo Đạo, xã Lương Ngoại thu hồi 293 thửa đất của 230 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Hiện, trên địa bàn huyện có 17 dự án đầu tư trực tiếp do tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.160,6 tỷ đồng, trong đó dự án chuyển tiếp là 3 dự án với tổng mức đầu tư là 114,8 tỷ đồng, 14 dự án đầu tư mới với tổng mức đầu tư là 1.045,7 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: dịch vụ du lịch 5 dự án; dịch vụ thương mại 5 dự án; phát triển chăn nuôi công nghệ cao 6 dự án, 1 cụm công nghiệp Điền Trung. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, có một số dự án lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư vào địa bàn huyện, như: Dự án trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng (xã Điền Thượng), với tổng mức đầu tư là 322,114 tỷ đồng; Công ty CP giày Bá Thước nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp tại thị trấn Cành Nàng, với tổng mức vốn đầu tư là 252,235 tỷ đồng; cụm công nghiệp Điền Trung đã thực hiện xong GPMB, hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể để cho thuê đất dự án. Dự kiến sau khi hoàn thành và lấp đầy, cụm công nghiệp này sẽ tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Ngoài ra, có một số công ty đang tìm hiểu đầu tư, như: Công ty CP Erex (Nhật Bản) tìm hiểu đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối; Công ty CP đầu tư Sao Thái Dương đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư Dự án nhà máy sản xuất tấm ván tre OSB...

Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn huyện có 20 cơ sở lưu trú dạng nhà nghỉ tại các xã, thị trấn, với số lượng 185 buồng, phòng, 289 giường; công suất đón khách trên 430 lượt khách/ngày/đêm. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng là 82 cơ sở, với 119 nhà sàn, 168 bungalow, 258 buồng, phòng, 936 giường; công suất đón khoảng trên 2.800 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 420 lao động địa phương và tạo công ăn việc làm hơn 300 lao động bán thời gian trong mùa du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên địa bàn huyện ước đạt 31,88 triệu đồng, tăng 7,92 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.

Thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; rà soát, hoàn thiện, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, thực hiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về GPMB, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Ngân Hà

Tin liên quan:
  • Bá Thước: Chọn đúng khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (Bài 2): Tạo nền tảng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế
    Bá Thước: Chọn đúng khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (Bài 1): Xây ...

    Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhờ sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sự ủng hộ của tỉnh, nhà đầu tư và doanh nghiệp, huyện Bá Thước đã tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]