Yếu tố quan trọng đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông
Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất là 2 yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm, chú trọng nâng cao hạ tầng giáo dục, phát triển cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Trường Tiểu học Hải Long (Như Thanh) có hệ thống trang thiết bị hiện đại hỗ trợ dạy và học.
Được đầu tư theo tinh thần “chìa khóa trao tay”, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến nay, Trường THCS Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn) đã được chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ tiêu chuẩn đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Cô Lê Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Ninh cho biết: "Năm 2019, nhà trường được đầu tư dãy phòng chức năng 2 tầng 8 phòng với đầy đủ các phòng chức năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Năm 2020, trường tiếp tục được đầu tư dãy phòng học 2 tầng 6 phòng học. Năm 2021 được đầu tư xây dựng dãy nhà 2 tầng 4 phòng học, thư viện và dãy nhà hiệu bộ đầy đủ các phòng ban. Cùng với cơ sở vật chất, qua từng năm, nhà trường cũng được chính quyền địa phương các cấp quan tâm đầu tư bàn ghế, bảng từ, tivi thông minh, máy vi tính, hệ thống tường rào, sân chơi, khu vệ sinh... đảm bảo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để nhà trường thực hiện chương trình mới với quyết tâm cao nhất nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới".
Tương tự tại Trường THCS Ninh Hải (thị xã Nghi Sơn), năm học 2023-2024, nhà trường cũng đã được đầu từ hệ thống phòng lớp học, phòng chức năng, khu hiệu bộ... đáp ứng đủ tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Thầy giáo Lê Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường hiện có 100% các lớp học có tivi kết nối internet, đầy đủ các phòng chức năng như phòng Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học tự nhiên, Công nghệ... đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, nhà trường cũng cố gắng tiết kiệm, huy động xã hội hóa từ phụ huynh, các nhà hảo tâm... để mua sắm thêm một số thiết bị hỗ trợ dạy học, nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh cho học sinh.
“Thị xã Nghi Sơn luôn ưu tiên sắp xếp, bố trí nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Mỗi năm, địa phương dành từ 30 - 40% ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Trong đó, chú trọng phát triển cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm, hữu ích hướng tới giáo dục đạt chất lượng cao, giúp học sinh phát triển toàn diện” - ông Nguyễn Kim Ưng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn cho biết thêm.
Nhờ được phân kỳ, có lộ trình đầu tư hợp lý gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM nên cơ sở vật chất ở hầu hết trường học của huyện Nông Cống phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ. Tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng tiên tiến, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Các trường học đều có khuôn viên cây xanh, bóng mát, sân chơi, hệ thống thư viện... mang lại hiệu quả trực tiếp đối với giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn.
Trường Tiểu học Vạn Hòa (Nông Cống) vừa được công nhận lại trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Thầy giáo Phạm Hữu Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chương trình GDPT 2018 thực hiện đối với bậc tiểu học, học sinh sẽ học 2 buổi/ngày. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ, nhà trường đang có định hướng tổ chức bán trú cho học sinh. Theo lộ trình, năm học 2024-2025, nhà trường sẽ được địa phương đầu tư khu nhà đa năng với đầy đủ phòng bán trú, bếp ăn... để tổ chức bán trú cho học sinh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thực hiện chiến lược phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Thanh Hóa hiện có hơn 2.000 cơ sở giáo dục, những năm qua, các ngành, các cấp đã rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia... Đến nay, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của Thanh Hóa đã đạt 81,15%, không chỉ đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới mà còn góp phần củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2024-01-24 10:41:00
Huyện Quảng Xương trao thưởng học sinh giỏi, giáo viên có học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024
Một số điểm mới trong Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS
Chuyển giao Trường Tiểu học Hermann Gmeiner Thanh Hóa về địa phương quản lý
Duy trì kết quả phổ cập giáo dục
Ưu tiên các nguồn lực cho phát triển giáo dục
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang làm việc với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Phát động cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm thứ 53 và tổng kết cuộc thi năm thứ 52
Bộ GD-ĐT thông báo nhận hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa mới
Thọ Xuân tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh đạt thành tích cao năm 2023
Họp Ban tổ chức Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53