(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân xứ Thanh bắt đầu bằng một chuỗi lễ hội, lễ tục. Từ đồng bằng lên miền núi và xuống miền biển, nơi nào cũng ngập tràn sắc màu lễ hội, lễ tục hòa cùng sắc xuân... Tất cả tạo nên một bức tranh phong phú đa dạng, một không gian văn hóa đặc trưng của xứ Thanh muôn màu và giàu bản sắc.

Xứ Thanh “vào mùa” lễ hội

Mùa xuân xứ Thanh bắt đầu bằng một chuỗi lễ hội, lễ tục. Từ đồng bằng lên miền núi và xuống miền biển, nơi nào cũng ngập tràn sắc màu lễ hội, lễ tục hòa cùng sắc xuân... Tất cả tạo nên một bức tranh phong phú đa dạng, một không gian văn hóa đặc trưng của xứ Thanh muôn màu và giàu bản sắc.

Xứ Thanh “vào mùa” lễ hộiLễ hội bánh chưng, bánh giầy gắn với đền Độc Cước (TP Sầm Sơn).

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhân thần, nhiên thần từ xa xưa đã thấm sâu, bén chặt vào đời sống tâm linh, tinh thần người dân đất Việt. Và mùa xuân, cũng là thời điểm con người thể hiện tín ngưỡng ấy một cách thành kính, thiêng liêng qua các lễ hội, lễ tục. Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, xứ Thanh có hàng trăm đình, đền, chùa, miếu, phủ... nổi tiếng thờ các vị thần có công dựng nước và giữ nước. Mỗi di tích đều gắn với một lẽ hội, lễ tục được truyền từ đời này qua đời khác và trở thành một “sản phẩm tinh thần” không thể thiếu của người dân...

Những ngày giữa tháng Chạp, người dân làng Động Bồng, xã Hà Tiến (Hà Trung) bắt đầu hân hoan chuẩn bị cho lễ tục đốt đuốc Đình Liệu đêm giao thừa. Từ 20 tháng Chạp người dân trong làng Động Bồng đã bắt đầu lên núi Tượng Sơn chặt cây lè lè – loại cây họ tre, trúc, thân cây nhỏ, lòng rỗng, dẻo, có chất dầu dễ cháy về phơi khô để làm Đình Liệu. Đến 25 tháng Chạp, người dân trong làng tập trung tại sân đình, mỗi người một việc chuẩn bị cho đêm giao thừa. Các cụ cao niên thì lau chùi đồ đạc trong đình. Các chàng trai chưa vợ, khỏe mạnh thì bó các cây lè lè đã phơi khô thành hình con rồng dài khoảng 25m. Những con rồng này được đặt ở bên trong tòa đại đình, không ai được tùy tiện đến gần. Đến ngày 27 công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Người dân trong làng lúc này đang háo hức chờ đợi những đuốc lửa bập bùng đêm giao thừa hòa cùng tiếng trống, tiếng hò reo phấn khởi, hân hoan chào đón một năm mới may mắn, bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ tục đốt đuốc Đình Liệu đã trở thành nét đặc trưng văn hóa, “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân làng Động Bồng. Lễ tục được bảo tồn qua nhiều thế hệ người dân làng Động Bồng, thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn cha ông đã mang ngọn lửa sưởi ấm lòng người, xua tan bóng đêm, lập làng, xây dựng quê hương, đất nước. Đây là một trong số những lễ tục thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng nông nghiệp: Tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm mọi người trẩy hội, du xuân, vãn cảnh. Đây là nét văn hóa, nhu cầu đời sống tinh thần không thể thiếu của người dân vào những ngày đầu xuân. Bởi từ bao đời nay, ông cha ta cho rằng, đời sống của con người bị chi phối bởi một thế lực siêu nhiên, vô hình nào đó. Người ta tin rằng bằng sự chân thành, ngưỡng vọng thì những ước nguyện của mình sẽ được thần linh phù trợ. Và người dân xứ Thanh tin rằng, đầu xuân “lên rừng xuống biển” thì một năm sẽ thuận lợi, may mắn. Điểm đến đầu tiên thường là Na Sơn Động Phủ (Như Thanh), mà dân gian gọi là Phủ Na - nổi tiếng khắp cả nước, nhờ bởi sự linh thiêng. Nơi đây thờ Bà Triệu, Đức ông Triệu Quốc Đạt, Liễu Hạnh công chúa, Thượng Ngàn công chúa...; và được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp kỳ ảo, huyền bí, bởi vậy mà Phủ Na luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Cùng với di tích Phủ Na, Khu di tích Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn) cũng là một điểm đến trong hành trình “lên rừng” của người dân Xứ Thanh. Theo truyền thuyết, đỉnh Am Tiên không chỉ là nơi luyện kiếm mài gươm của nghĩa quân Bà Triệu mà còn là 1 trong 3 huyệt đạo lớn của quốc gia, nơi trời - đất giao hòa. Đến đây, người dân như cảm nhận được sự giao hòa của trời đất, thiên nhiên và con người. Chính những điều đặc biệt ấy đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của Am Tiên.

Đã lên rừng thì phải xuống biển, bởi vậy, sau những chuyến ngược lên ngàn, người dân lại tìm đến không khí nào nhiệt của những lễ hội mang vị mặn mòi của biển. Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn), là nơi thờ vị thần có công đánh lui quỷ biển và đánh giặc bảo vệ xóm làng. Đền Độc Cước gắn liền với nhiều lễ hội và các kỳ đại lễ nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân công đức của Thần Độc Cước và các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, tôm cá đầy khoang, mùa màng thắng lợi, du lịch phát triển.

Ngoài những lễ hội gắn với những di tích nổi tiếng, xứ Thanh còn một chuỗi lễ hội đặc trưng cho vùng, miền, dân tộc và gắn với các lễ nghi trong nông nghiệp, ngư nghiệp; gắn với những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng thời đại, như: Lễ hội cầu ngư, lễ hội Mường Xia, lễ hội Pồn Pôông, lễ hội Mường Khô, lễ hội đền Trần, lễ hội Xuân Phả; lễ hội Bà Triệu... Lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố (Hậu Lộc) là một lễ hội tiêu biểu trong đời sống cư dân ngư nghiệp. Theo thông lệ hàng năm, lễ hội Cầu Ngư được tổ chức vào ngày 21 đến 24 tháng 2 âm lịch. Trước khi tổ chức lễ hội, dân làng phải họp bàn công tác chuẩn bị trước đó hàng tháng, bởi lẽ ngoài việc tế lễ rước sách như các nơi khác, lễ hội Cầu Ngư ở làng Diêm Phố còn phải tổ chức làm Long Châu - vật thiêng, được dùng để cúng tế trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Cùng với các nghi thức quan trọng của phần lễ, thì phần hội trong lễ hội Cầu Ngư được ví như sân khấu thu nhỏ, nơi trình diễn nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như hò đối, kéo co, đua thuyền và tái hiện nếp sinh hoạt truyền thống đặc trưng của cư dân ven biển Ngư Lộc như, câu mực, đan lưới, hát ghẹo, thi bơi thuyền.

Lễ hội là sự phản ánh đời sống văn hóa của con người; một trong những thành tố nổi bật của văn hóa. Ngày nay, lễ hội đang trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Là một vùng đất “địa linh nhân kiệt” với hệ thống di tích tương đối lớn, hệ thống lễ hội phong phú, việc khai thác hiệu quả giá trị các lễ hội sẽ góp phần gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và làm phong phú, đa dạng thêm nền văn hóa xứ Thanh.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]