Xứ Thanh kết đài hoa dâng Bác...
Những ngày tháng Năm ngan ngát hương sen, trái tim mỗi người con đất Việt lại rưng rưng xúc động nhớ về Bác Hồ kính yêu - vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong cảm thức chung toàn dân tộc, trong lòng lớp lớp thế hệ người dân xứ Thanh nghĩ về Bác là niềm thương, nỗi nhớ, ân tình rất riêng của mảnh đất vinh dự 4 lần được đón Bác về thăm. Tình cảm lớn lao ấy vừa là động lực, vừa là kim chỉ nam hành động để tỉnh Thanh Hóa tự tin, vững bước trên hành trình xây dựng, phát triển.
Tỉnh Thanh Hóa đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình xây dựng, phát triển.
Đất và người nơi đây khắc sâu mãi trong tâm trí sự kiện ngày 20/2/1947, lần đầu tiên Thanh Hóa được đón Bác về thăm. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bác gặp gỡ đại biểu các tầng lớp Nhân dân. Trong lần đầu về thăm Thanh Hóa, Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cán bộ và nêu cụ thể những đức tính cần thiết của người cán bộ. Tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn (sau sáp nhập là TP Thanh Hóa), Bác động viên cổ vũ Nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến
thành công.
Đặc biệt, ngay từ lần đầu tiên về thăm, Bác đã gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao: “Tỉnh Thanh Hóa, theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”. Có lẽ, đây là lần đầu tiên khái niệm “kiểu mẫu” và mong muốn một địa phương cụ thể là Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu được Bác Hồ đề cập đến.
Điều cảm động nhất trong sự kiện ấy là Bác không nói theo cách áp đặt mệnh lệnh hành chính. Bác phân tích về lợi thế, về những điểm được và chưa được của tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ, vạch rõ đường hướng, mục đích, cách làm bằng những luận điểm, mệnh đề ngắn gọn, súc tích: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu”. Cách làm hiệu quả nhất chính là “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Và Bác ân cần động viên, như cái cách người cha hiền từ, ấm áp, bao dung khích lệ đứa con mà mình yêu quý, tin tưởng, kỳ vọng: “Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”; “tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.
Cũng tại sự kiện này, “Nhân dân tỉnh Thanh Hóa được nhận, giữ gìn và thực hiện một tinh thần cực kỳ quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho khi Người đưa vào nội dung khái niệm này một giá trị tuyệt đỉnh”: “Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất; dân tộc tự do; kháng chiến thắng lợi” (Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, 1998, NXB Lao Động).
Bánh xe thời gian đã đi qua dấu mốc 78 năm kể từ ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, lời căn dặn của Bác vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là động lực, vừa là kim chỉ nam hành động để tỉnh Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, phấn đấu làm nên những kết quả đáng ghi nhận.
Những năm qua, bức tranh kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh nổi bật với nhiều gam màu sáng, con số tăng trưởng ấn tượng. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây luôn vượt dự toán Trung ương giao hằng năm. Năm 2024, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa, cán mốc hơn 55.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước. Đầu tư công mạnh mẽ, thu hút đầu tư trực tiếp bứt phá với những đại dự án giao thông, công nghiệp, đô thị và dịch vụ liên tiếp được khánh thành và khởi công đã tạo nên một “cuộc bứt tốc” ngoạn mục, mở ra dư địa phát triển mới cho xứ Thanh.
Cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các chỉ số về cải cách hành chính như: PAPI, SIPAS, PAR, INDEX tăng mạnh thứ hạng so với đầu nhiệm kỳ và đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc...
Chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường của năm 2025 – năm về đích, quyết định kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025; năm củng cố các nền tảng phát triển mới để triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2026 - 2030.
Nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2025 từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 với mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2025 đạt từ 11% trở lên. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của tỉnh đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 5/12/2024 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 592/NQ-HĐND ngày 14/12/2024 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 05/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 592/NQ-HĐND ngày 14/12/2024 của HĐND tỉnh; các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 1/1/2025 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025.
Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về: Hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển. Tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển; đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án của nhà đầu tư đi vào hoạt động; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tổ chức điều hành chi ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, tiết kiệm; phát triển kinh tế tư nhân; mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu và du lịch; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nền tảng phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa bước vào kỷ nguyên mới với cả những thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ vẫn luôn đoàn kết một lòng, không ngừng nỗ lực phấn đấu, kế thừa những thành quả đã có, chắt chiu từng cơ hội, nhạy bén trước vận hội mới, biến tiềm năng thành lợi thế, khó khăn, thách thức thành động lực để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ về chất sau khi đã tích trữ đủ lượng, từng bước xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Bài và ảnh: Thảo Linh
{name} - {time}
-
2025-05-20 15:29:00
Thủy Chú “xinh tốt đáng ưa”
-
2025-05-20 15:27:00
Thúc đẩy du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững
-
2025-05-20 14:56:00
Cùng Người vươn tới mãi
Khát vọng cùng quê hương đẹp hơn mỗi ngày
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 3): Khúc ca ngày mới
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 2): Rực lửa chiến công
Huyền thoại Hàm Rồng
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 2): Những mối tình nơi tuyến lửa
Kỳ bí hang Dơi
“Ghi điểm” từ hạ tầng giao thông, Khu Kinh tế Nghi Sơn “đón sóng” đầu tư
TS, Bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Cần phải giải quyết những thách thức về nguồn lực...