Xóa “rào cản” hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội
Với quan điểm giao thông đi trước, mở đường để các địa phương phát triển, những năm qua từ nguồn vốn của trung ương, ngân sách tỉnh và huyện, huyện Như Xuân đã triển khai một số công trình giao thông trọng điểm, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Gia đình anh Lê Phúc Huy, ở thôn Thịnh Lạc, xã Hóa Quỳ hiến ngôi nhà cấp 4 để thi công dự án.
Con đường nối những niềm vui
Một ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, chúng tôi theo chân cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Như Xuân về thôn Thịnh Lạc, xã Hóa Quỳ để vận động Nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường giao thông xã Cát Vân đi xã Hóa Quỳ.
Trên đường đi, ông Lê Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Như Xuân, cho biết: Tuyến đường giao thông xã Cát Vân đi xã Hóa Quỳ có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Tổng diện tích đất phải thu hồi phục vụ dự án là 11ha, với 140 hộ dân thuộc 2 xã Hóa Quỳ và Cát Vân bị ảnh hưởng. Công trình được thiết kế với quy mô đường giao thông cấp IV, chiều dài toàn tuyến là 11,1km. Đây là tuyến đường nối trung tâm 2 xã nên nhu cầu đi lại, giao thương và tổ chức sản xuất phát triển kinh tế của Nhân dân trong khu vực là rất lớn.
Trên toàn tuyến đường có 2 tràn đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng nên vào mùa mưa bão giao thông bị chia cắt, người dân không kết nối được với trung tâm xã và huyện. Do vậy, khi triển khai thực hiện dự án mở rộng con đường, làm 2 cây cầu qua đập tràn, bà con Nhân dân 2 xã Hóa Quỳ và Cát Vân rất phấn khởi, đồng thuận hiến đất và các công trình trên đất cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân ở thôn Thịnh Lạc có công trình cổng ngõ, tường rào, nhà cửa trên đất có giá trị nên khi vận động bà con chưa đồng thuận. Song, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, thuyết phục, hôm nay các hộ dân đã cho phá dỡ công trình trên đất để hiến đất làm đường, đặc biệt, có gia đình anh Lê Phúc Huy, hiến cả ngôi nhà cấp 4 để thi công dự án.
Chưa hết câu chuyện thì chúng tôi đã đến nhà anh Lê Phúc Huy. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, vợ chồng anh dậy từ sáng sớm để dọn dẹp đồ đạc cho nhà thầu phá bỏ ngôi nhà để thi công dự án. Nhễ nhại mồ hôi đứng nhìn máy múc đập đi ngôi nhà mà gia đình gắn bó bao kỷ niệm, anh Huy nói: “Ban đầu cán bộ xã, thôn xuống vận động gia đình hiến đất và ngôi nhà để làm đường, gia đình rất băn khoăn vì ngôi nhà đang còn sử dụng tốt. Tuy nhiên, nghe cán bộ huyện, xã giải thích lợi ích của dự án đi qua, đồng thời cho người dân biết dự án không có nguồn vốn bồi thường cho dân mà vận động Nhân dân hiến 100% đất, công trình trên đất để mở rộng đường, gia đình cũng nhận thấy trách nhiệm trong việc đóng góp chung với Nhà nước nên đã đồng thuận cho nhà thầu phá bỏ căn nhà, lùi sâu vào 5m đất để mở rộng đường”.
Cũng như nhà anh Huy, tranh thủ thời gian máy múc đang san gạt nhà bên cạnh, vợ chồng anh Lê Nhân Lâm, ở thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ đào mấy gốc na, gốc ổi mang đi nơi khác trồng. Anh Lâm nói: “Con đường này trước kia chỉ rộng có 4m, giờ Nhà nước đầu tư mở rộng 9m. Gia đình cũng như các hộ dân trong xã sẵn sàng hiến đất và công trình trên đất để làm đường, mặc dù sẽ mất công, mất của để xây lại hệ thống tường rào, cổng ngõ nhưng chúng tôi vẫn thấy vui, vì khi con đường được mở rộng, người dân sẽ có nhiều lợi ích. Trước mắt là có một cây cầu mới kiên cố bắc qua đập tràn, mỗi khi mưa, lũ về chúng tôi không bị cô lập, chia cắt nữa".
Tất bật chỉ đạo hoàn thiện các giấy tờ trong việc vận động người dân hiến đất, anh Lê Đình Lập, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Hóa Quỳ, cho biết: Dự án đường giao thông xã Cát Vân đi xã Hóa Quỳ chạy qua địa bàn xã Hóa Quỳ khoảng hơn 7km, 131 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất khoảng 94.000m2 và khoảng hơn 800 triệu đồng vật tư, kiến trúc trên đất. Vì theo dự toán được phê duyệt, dự án không có kinh phí bồi thường GPMB mà phải vận động Nhân dân hiến đất, tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, hoa màu để làm đường nên huyện đã thành lập các tổ công tác phối hợp với các xã tăng cường tuyên truyền tới người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường; tiến hành khảo sát thực địa đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án. Tổ chức họp dân, đối thoại trực tiếp với các hộ dân, kịp thời giải quyết vướng mắc trong thu hồi đất, GPMB để người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện dự án.
Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sau một thời gian ngắn tuyên truyền, vận động, đến nay 100% hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý hiến đất và các công trình trên đất bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Hộ dân ít nhất thì chục mét, hộ nhiều lên đến cả ha đất.
Tạo mạng lưới giao thông huyết mạch
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025) tập trung triển khai thực hiện 27 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn (không tính quốc lộ và tỉnh lộ) được cứng hóa đến năm 2025 đạt 80%. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, từ đó mở ra cơ hội để các địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
Ông Lê Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Như Xuân, cho biết: Hạ tầng giao thông khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là vào mùa mưa bão, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị ngập sâu trong nước, gây chia cắt giữa các xã Xuân Quỳ, Thanh Phong, Thanh Hòa và Thanh Lâm với trung tâm huyện. Do vậy, từ nguồn kinh phí được phân bổ trong giai đoạn 2021-2025, huyện ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng, tạo mạng lưới giao thông huyết mạch, kéo dần khoảng cách giữa các xã vùng sâu, vùng khó khăn với trung tâm huyện. Đáng chú ý là các dự án đã, đang triển khai, như: Tuyến tránh ngập đường tỉnh 520B đoạn qua xã Hóa Quỳ; đường giao thông Bình Lương đi thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ; đường giao thông từ nội thị Yên Cát theo quy hoạch đi xã Cát Vân...
“Có thể khẳng định, sự hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đã góp phần không nhỏ trong việc khai thác tốt tiềm năng của huyện, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch, giúp người dân thông thương hàng hóa, đi lại thuận tiện, mở ra cơ hội lớn cho địa phương trong việc thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh” - ông Lê Văn Long nói.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-05-25 15:04:00
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Ngọc Lặc
Đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến
Phát triển sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Bá Thước
Đẩy nhanh tiến độ các công trình đê điều trước mùa mưa bão
Vốn vay thân thiện, sử dụng hiệu quả
Bản tin Tài chính 25/5: Vàng tiếp đà giảm; NHNN bác tin đồn thay đổi biện pháp điều hành tỷ giá
Tích tụ đất đai - nhân lên những mô hình hiệu quả
Vietjet mở bán vé chỉ từ 0 đồng tri ân khách hàng dịp kỷ niệm 10 năm bay Singapore
Vinamilk bắt tay cùng nhiều đối tác y tế lớn đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng
Khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất