Vườn sinh vật cảnh tiêu biểu xứ Thanh
Không cần diện tích quá lớn, nhưng với sự cần cù và niềm đam mê, ông Mai Thế Bính ở xã Nga Hải (Nga Sơn) đã gặt hái nhiều thành công từ chính vườn nhà. Theo hướng phát triển vườn sinh vật cảnh cộng với sản xuất sạch, ông không chỉ tạo được một tiểu sinh thái vùng quê với cảnh quan hài hòa, mà còn đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Mai Thế Bính giới thiệu cây sanh trị giá hàng trăm triệu đồng sau nhiều năm uốn tỉa, tạo dáng.
Qua cổng ngõ hiện đại, hàng trăm chậu cây cảnh đủ loại được chủ hộ xếp dọc ngõ đi và khoảng sân vườn 800m2 trước nhà đã tạo nhiều ấn tượng. Càng trải nghiệm vào sâu trong khu vườn ở thôn Trung Tiến này, những vị khách đều trầm trồ với những tiểu cảnh đẹp mắt, được xanh hóa bởi đủ loại cây lớn nhỏ. Xen lẫn hệ thống hòn non bộ, hồ cá Koi là những loài hoa đua nhau khoe sắc và hệ thống cây cảnh cỡ nhỏ với những thế kỳ dị, mang đậm dấu ấn của bàn tay tạo tác. Dưới cái nắng gắt của ngày đầu hè, nhưng ở trong khu vườn vẫn cảm thấy được sự dịu mát.
Một khu vực phía sau và bên trái nhà được ông Bính bố trí những cây cảnh cỡ lớn và nhiều cây bon sai hàng chục năm tuổi. Nhiều năm qua, với đôi bàn tay cần mẫn và khéo léo, ông đã tạo ra hàng trăm tác phẩm cây cảnh lớn nhỏ. Theo ông, cây có giá trị cao nhất trong vườn là tác phẩm sanh cổ, đã từng có người trả giá 800 triệu đồng nhưng chưa bán. Nói rồi, ông giới thiệu đủ thứ dáng thế như: ngũ phúc, mai nữ, suy phong, huynh đệ, mẫu tử, thác đổ, hạc lập, bạt phong...
Với tư duy sản xuất hiện đại, đồng thời là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Nga Sơn, ông Bính đã “quy hoạch” chia vườn thành 4 khu vực với mục đích sản xuất khác nhau. Trong đó, khu vực vườn phía xa nhà, ông vẫn duy trì vườn bưởi, ổi và trồng rau theo hướng an toàn, mỗi năm cũng có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng. Toàn bộ quá trình canh tác, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Cây ăn quả và rau màu được bón bằng phân hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn, được các thương lái thu mua ngay tại vườn.
Với chủ vườn sinh năm 1973 này, làm vườn không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là đam mê. Bởi vậy mà từ mảnh vườn nhỏ của gia đình, ông quyết tâm cải tạo, lấy đó làm hướng mưu sinh và làm giàu ngay tại quê nhà. Sau nhiều lần chuyển đổi rồi mua lại của hàng xóm xung quanh để mở rộng, từ năm 2004, ông Bính đã có khu vườn 1.600m2 để phát triển kinh tế hộ. Ban đầu, ông trồng các loại cây ăn quả, nhưng lợi nhuận hàng năm cũng chỉ đạt từ 15 đến 20 triệu đồng. Qua quá trình sản xuất, ông dần loại bỏ những cây trồng ít giá trị kinh tế, rồi chuyển hướng sang những cây trồng hiệu quả cao hơn. Từ năm 2013, ông Bính đã dành phần lớn diện tích khu vườn để trồng, phát triển và kinh doanh cây cảnh, trở thành điển hình phát triển kinh tế vườn của huyện Nga Sơn.
“Trồng cây cảnh, chủ yếu lấy công làm lãi nên đầu tư không nhiều. Yêu cầu có kiến thức chăm sóc cây, phải kiên trì bởi có những cây cần 3 đến 5 năm mới hoàn thiện ý tưởng và uốn tỉa. Và, kinh doanh sinh vật cảnh cũng không sợ lỗ, chưa bán để càng lâu càng có giá trị. Kể cả thời gian gần đây, thị trường giao dịch cây cảnh có phần trầm lắng, nhưng tổng giá trị vườn cây vẫn có giá trị nhiều tỷ đồng và ngày càng cao, thỉnh thoảng có những cây hàng chục triệu đồng vẫn được giao dịch” - ông Mai Thế Bính, chia sẻ.
Ngoài sản xuất trong vườn nhà, ông Mai Thế Bính còn làm dịch vụ cắt tỉa, tạo tán và chăm sóc cây cảnh thuê, đồng thời chuyên tư vấn, thiết kế và thi công các công trình hòn non bộ và vườn sinh vật cảnh. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Nga Hải, 9 năm qua, ông Bính đã tư vấn, giúp đỡ cho gần 30 chủ vườn trong xã thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển vườn kinh tế theo tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vườn của gia đình ông đã được nhiều đoàn từ các huyện, các xã trong huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Theo hạch toán của ông, 2 năm gần đây, tổng giá trị sản xuất từ khu vườn đạt trung bình 350 triệu đồng, lợi nhuận thu về hơn 220 triệu đồng mỗi năm. Sự khác biệt với nhiều khu vườn khác là nơi đây được bài trí hài hòa về mặt cảnh quan, bảo đảm cả yếu tố văn hóa, kinh tế và sinh thái.
Hơn 10 năm gây dựng mô hình vườn sinh vật cảnh, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ lẫn niềm đam mê, ông Mai Thế Bính đã được công nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh tỉnh Thanh Hóa. Vào năm 2018, khu sản xuất này cũng được Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận “Vườn sinh vật cảnh tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa”.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-04-19 14:09:00
Những “giọt nắng” rơi rớt bên thềm
Đồn Biên phòng Pù Nhi giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai
Mường Lát: Khắc phục 70% thiệt hại do mưa đá, dông lốc
Trao 50 suất quà cho người khiếm thị khó khăn tại TP Thanh Hóa
Vì sao hơn 30 hộ dân ở đường Tố Hữu, thị trấn Tân Phong chưa được cấp GCNQSDĐ?
Thường Xuân chú trọng tạo việc làm cho người nghèo
Chờ đợi từ phố đi bộ Phan Chu Trinh
Không khí ngày Giỗ Tổ ở thành phố Thanh Hóa
Tiện ích khi liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe
Sầm Sơn nhộn nhịp du khách dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương