Về những nơi in dấu chân Người
Thanh Hóa là vùng đất anh hùng, có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, là tỉnh có truyền thống văn hóa lâu đời, với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng có giá trị to lớn trong tiến trình phát triển lịch sử nhân loại. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Thanh Hóa dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù chịu khó hăng say, bền bỉ, năng động, sáng tạo trong học tập và lao động sản xuất trong thời kỳ đổi mới.
Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương Thanh Hóa. Tự hào là tỉnh vinh dự được 4 lần đón Bác về thăm. Đó là cách đây 77 năm, ngày 20/2/1947, Bác về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Buổi sáng, bác nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Buổi chiều, Bác gặp gỡ các đại biểu, thân sĩ, trí thức, phú hào tại nhà làm lúa của Đỗ Hùng (Phủ Hùng, gần núi Một) - vốn là lãnh sự của Pháp tại Phnôm Pênh (Thủ đô của Campuchia), Nam Triều phong chức Tuần phủ nên gọi là Phủ Hùng. Buổi tối, Bác nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa tại nhà Bác Cổ (nay là địa điểm Công ty CP Phát hành sách Thanh Hóa, TP Thanh Hóa). Lần thứ 2, từ ngày 13 đến 14/6/1957, Bác về thăm Thanh Hóa, nói chuyện với bà con Hoa Kiều, bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc; Bác nói chuyện với hơn 400 đại biểu đại diện các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc tôn giáo Thanh Hóa; Bác đến thăm nhà trẻ và chia kẹo cho các cháu là con của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Lần thứ 3, từ ngày 17 đến 19/7/1960, về thăm Thanh Hóa, Bác đến Sầm Sơn. Lần thứ 4, từ ngày 10 đến 12/12/1961, về thăm Thanh Hóa, Bác thăm HTX Yên Trường, huyện Yên Định (ngọn cờ Đại Phong của tỉnh); thăm và nói chuyện với anh chị em công nhân Nhà máy cơ khí Thanh Hóa, thăm HTX Thành Công, thị xã Thanh Hóa (lá cờ đầu ngành tiểu thủ công nghiệp miền Bắc); Bác thăm nhà trẻ Tỉnh ủy, Hội LHPN tỉnh. Bác nói chuyện với hơn 30.000 cán bộ và Nhân dân tại sân vận động tỉnh. Người bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” cho toàn thể Nhân dân và cán bộ có mặt cùng hát. Bác tặng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà bức chân dung và bút tích của Người với dòng chữ “Hồ Chí Minh 12.12.61”.
Những ngày tháng 5 lịch sử. Chúng tôi về thăm Yên Trường, huyện Yên Định. Yên Trường hôm nay với sắc xanh của hoa màu, của nhộn nhịp phố Kiểu... Thắp nén hương thơm tại Khu di tích lịch sử văn hóa Yên Trường - địa điểm đón Bác Hồ về thăm cách đây 63 năm và thăm nhà trưng bày lưu niệm Bác Hồ, tôi xúc động khi nhìn thấy chiếc áo len - kỷ vật thiêng liêng, chiếc áo Bác mặc trong dịp về thăm HTX Yên Trường ngày 11/12/1961. Đó là những hình ảnh thân thương, bình dị như Bác thăm gia đình ông Thự, xã viên HTX Yên Trường; Bác với các cháu thiếu niên, nhi đồng; Bác thăm vườn sắn của một gia đình xã viên HTX; Bác xem sản phẩm nông nghiệp Yên Trường; Bác nói chuyện với Nhân dân Yên Trường; Bác trò chuyện với cô An (tức Hoàng Thị An, xã Yên Trường) - người đạt thành tích xuất sắc trong công tác thủy lợi...
Những lời căn dặn của Người đối với Yên Trường năm xưa vẫn còn đây: “...Trước hết Bác gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, bà con xã viên HTX Yên Trường và các HTX xung quanh; Bác hỏi thăm các chị em công nhân đang làm việc ở công trường thủy lợi và hỏi thăm các cháu thiếu nhi. Sau đây Bác có mấy ý kiến nói với cán bộ và đồng bào về ưu điểm HTX ở đây đã cố gắng tăng diện tích, tăng sản lượng lúa và hoa màu, việc trồng bông cũng tăng hơn mọi năm, công tác thủy lợi tương đối khá... Về tài chính phải công khai và phân minh, sổ sách phải rành mạch, thu chi bao nhiêu phải báo cáo rõ ràng cho xã viên biết. Tài chính không công khai sẽ ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ của HTX... Bác kết luận, làm được như vậy trong 2 năm nữa HTX ở đây phát triển bằng hai hiện nay, đời sống xã viên được cải thiện hơn nữa...” (trích lời nói chuyện của Hồ Chủ tịch về thăm Yên Trường ngày 11/12/1961).
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị An, người vinh dự được Bác Hồ khen và tặng huy hiệu khi Người về thăm HTX Yên Trường năm 1961. Trong căn nhà nhỏ, bà An trân trọng treo bức ảnh chụp cùng Bác Hồ. Đôi mắt đã mờ, đôi chân đã chậm nhưng được hỏi về cảm xúc khi gặp Bác Hồ, giọng bà An trở nên khỏe khoắn hơn, ký ức vẫn còn nguyên vẹn. Khi ấy bà 24 tuổi. Bà đã làm được 100m3 thủy lợi (bình quân người trong xã mới đạt 18m3), 140 tạ phân và 300 ngày công. Khi Bác về thăm dành lời khen và động viên: “Cô An cố gắng hơn nữa cùng HTX Yên Trường quyết tâm thi đua. Lần sau Bác lại về thăm...”. Đối với bà cũng như những người dân Yên Trường, được gặp Bác Hồ chính là niềm vinh dự lớn lao, là động lực để mỗi người thêm tích cực thi đua lao động, sản xuất cho đến ngày hôm nay.
Nhà trưng bày lưu niệm Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử văn hóa Yên Trường (Yên Định).
Ông Bùi Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Trường cho biết: Mốc son lịch sử ngày 11/12/1961 - ngày được đón Bác Hồ về thăm là sự kiện lịch sử trọng đại, là niềm vinh dự to lớn của Nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định. Khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ người dân Yên Trường luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, ra sức thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những năm qua, địa phương luôn tranh thủ thời cơ, vận hội mới, huy động tối đa nguồn lực để phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của xã. Hiện nay, địa phương đã xây dựng 5 vùng sản xuất chuyên canh về hoa, lúa, thủy sản, rau an toàn, cây ăn quả. Huy động tốt các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, khuyến khích Nhân dân giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng; tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Yên Trường phấn đấu về đích NTM nâng cao trong năm 2024.
Vào dịp sinh nhật Bác, Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa) lại nhộn nhịp dòng người trở về, dâng hương, dâng hoa lên Bác kính yêu. Bó hoa sen thơm ngát được dâng lên bàn thờ Bác. Những hiện vật, hình ảnh, tư liệu tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình cảm của Người với Nhân dân Thanh Hóa và Thanh Hóa làm theo lời Bác Hồ. Đó là chiếc áo kaki của Người; là bộ lưới rùng Bác Hồ tham gia đánh cá với bà con xóm Sơn, Sầm Sơn (18/7/1960); là tờ báo “Chống Giặc” của Cơ quan Ủy ban Kháng chiến Thanh Hóa ra ngày 23/2/1947 ghi lại sự kiện lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa ngày 20/2/1947... mang đến cảm xúc đặc biệt cho mỗi người con xứ Thanh khi đến dâng hương. Nơi đây vẫn còn in đậm dòng chữ, là lời căn dặn của Người khi về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên năm 1947: “Tỉnh Thanh Hóa, phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu, làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành tỉnh kiểu mẫu... Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi” (Hồ Chí Minh - 1947).
Khắc ghi lời dạy của Người, ở mỗi vùng quê, mỗi đơn vị vinh dự đón Bác về thăm như Yên Định, Đông Sơn, Sầm Sơn, TP Thanh Hóa nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã và đang chung tay thi đua lao động, sản xuất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác kính yêu hằng mong muốn.
(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác” của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Nhà xuất bản Thanh Hóa năm 2017).
Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-05-19 08:53:00
Tháng 5 về thăm quê Bác
Nhớ Bác, nguyện cùng Người vươn tới mãi
Ký ức thời hoa lửa
Đại thắng mùa xuân 1975 - Khát vọng thống nhất đất nước
“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
Đi qua chiến tranh
Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn
Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt
Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra thành công