(Baothanhhoa.vn) - Làng Đậu Yên xưa còn có tên là làng Sơn, thuộc xã Thổ Giá, tổng Cao Xá, phủ Nông Cống. Sau này đổi thành thôn Đậu Yên, xã Tế Thắng, Nông Cống. Là mảnh đất có nhiều di tích, song đến nay ở Đậu Yên chỉ còn lại duy nhất đền Ối.

Đền Ối trên đất làng Đậu Yên

Làng Đậu Yên xưa còn có tên là làng Sơn, thuộc xã Thổ Giá, tổng Cao Xá, phủ Nông Cống. Sau này đổi thành thôn Đậu Yên, xã Tế Thắng, Nông Cống. Là mảnh đất có nhiều di tích, song đến nay ở Đậu Yên chỉ còn lại duy nhất đền Ối.

Đền Ối trên đất làng Đậu YênGiếng làng Đậu Yên được Nhân dân gìn giữ, tôn tạo.

Ở vào vị trí thuận lợi, trên một vùng đất khá rộng, phía Tây gần sát núi Nưa, phía Đông giáp đường tỉnh 45, từ Đậu Yên đi ra phía Bắc rất gần Cầu Quan, đi vào phía Nam thì gần thị trấn Nông Cống, là điều kiện để người Tế Thắng nói chung, làng Đậu Yên nói riêng dễ dàng phát triển kinh tế.

Theo các bậc cao niên trong làng cho biết: Các bậc cha chú kể lại là đến năm 1935 vùng đất này vẫn còn nhiều cây to, rậm rạp như một khu rừng; nhà cửa thưa thớt, cả làng chỉ có 27 suất đinh; người dân chủ yếu trồng lúa, số ít làm nghề khai thác lâm sản, săn bắt muông thú... Sách Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh (NXB Văn hóa dân tộc, 2001) viết: “Trước kia ngay đầu làng có cây đa cổ thụ gốc to 3 - 4 người ôm không xuể, cành lá xum xuê tỏa ra che mát đến 3 sào đất. Lui vào chút nữa là một khu rừng nhỏ có tên gọi là mả Trục, rừng có nhiều loại cây, kể cả tre, trúc, giữa rừng có một cây gạo to cao vút lên. Mả Trục là nơi ở của nhiều loại chim, cả 4 mùa trong năm, sáng nào, chiều nào chim cũng ríu rít bay lượn để đi tìm mồi hoặc quay về tổ, đặc biệt ở đây có loại chim cu bạch, một loại chim hiếm thấy và có tiếng hót rất hay, làng Đậu Yên còn có nhiều đình, chùa, miếu mạo như: chùa Chăm, nghè Quan thờ hoàng giáp Nguyễn Hiền; đền Vực, điếm Canh... Thậm chí sử sách còn ghi rõ về việc ở đây từng có kho vàng, là gian nhà làm bằng gỗ để chứa vàng hồ, loại vàng có khuôn vuông bằng nứa, được dán giấy vàng bên ngoài và buộc thành nén. Vàng này để mỗi khi cúng lễ đền Ối, ông từ trông coi lấy ra đặt trên ban thờ. “Kho vàng” không phải là nơi thờ cúng thần linh nhưng lại mang đầy màu sắc huyền thoại về mảnh đất xưa kia từng là nơi tụ hội của nhiều lễ hội, lễ tục.

Đền Ối là đền lớn trong hệ thống tín ngưỡng thánh lưỡng ngũ vị, thờ cha con Lê Ngọc (tức Lê Cốc), vốn gốc từ đời nhà Tấn Vĩnh Gia (Trung Quốc) sang làm Thái thú quận Cửu Chân dưới thời nhà Tùy thế kỷ thứ VI. Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tùy, nhưng Lê Ngọc không khuất phục đã cùng các con dấy binh chống lại. Trong số 4 người con của Lê Ngọc có Chàng Út. Là con út nhưng lại được Nhân dân tôn vinh là Đức Vua. Chàng Út một mình một ngựa tả xung hữu đột, phá vỡ vòng vây của kẻ thù. Chàng chạy đến làng Đậu Yên thì bị một nhát chém đột ngột và la lên một tiếng “Ối”. Nhớ công lao của chàng, Nhân dân 6 xã cùng nhau xây dựng đền thờ trên mảnh đất đã thấm máu Chàng Út ở làng Đậu Yên và đặt tên là đền Ối. Ối là tiếng kêu của Chàng Út, “ối” còn là giọt máu, theo cách nói của dân gian.

Chính vì do 6 xã cùng lập đền thờ mà quy mô của lễ hội đền Ối rất lớn. Trước đây lễ hội đền Ối có nhiều tục lệ. Chẳng hạn như tục làng tạo lệ, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc tổ chức lễ hội. Ngoài ra, còn có lệ đóng góp, lệ nuôi trâu, tục lễ hảo trâu, tục làm thịt trâu, tục cướp hệch, tục làm cỗ thờ thần, tục cỗ ăn mày... Tất cả tạo nên một không khí rộn ràng đến kỳ lạ. “Chúng tôi từ khi sinh ra chỉ đọc tài liệu, nghe kể lại. Tiếc là không gian lễ hội xưa đã không còn”, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Lê Văn Thường chia sẻ.

Đền Ối trên đất làng Đậu YênSắc phong còn lại duy nhất ở đền Ối, xã Tế Thắng, Nông Cống.

Bên cạnh các tục lệ thì cuộc tế ở đền Ối làng Đậu Yên hoàn toàn khác với các cuộc đại tế của các làng lân cận. Vì không tiến hành theo trình tự, không có trang phục mũ tế, áo thụng, mọi thành viên trong cuộc tế này đều mặc áo dài đen hoặc nâu, quần dài trắng, đầu chít khăn đen hoặc khăn nhiễu; không có các động tác dẫn hương, dẫn rượu; đọc mo thay cho đọc chúc. Đặc biệt, âm nhạc của cuộc tế không có dàn bát âm mà được sử dụng một trống cái đánh nhẹ nhàng để thầy cúng đọc mo. Đến khi cướp hệch thì nổi trống ngũ liên để thúc giục. Sau khi kết thúc cuộc lễ, làng tạo lệ phải chia cỗ cho các làng theo quy định từ trước.

Nguyên nhân của việc các lễ hội, lễ tục gắn với nhiều di tích lịch sử giá trị văn hóa truyền thống bị quên lãng có một phần cũng bởi Tế Thắng vốn là nơi phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng.

Phát huy lợi thế của sản xuất nông nghiệp, xã Tế Thắng đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng tích cực, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tích cực dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai để tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới vào sản xuất. Có một thời kỳ xã Tế Thắng nói chung, người dân thôn Đậu Yên nói riêng đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi trang trại tập trung, mang lại nguồn thu nhập rất lớn. Gần đây, trên địa bàn xã có công ty sản xuất giày tạo việc làm cho hơn 1/3 số dân trong xã, đem lại thu nhập trung bình trên 62 triệu đồng/người/năm. Tế Thắng đang phấn đấu hoàn thành xã NTM nâng cao trong năm 2024.

Đền Ối sau thời kỳ bị phá bỏ cũng đã được tôn tạo lại với không gian khá nhỏ, và đơn giản. “Hằng năm, vào ngày 13/4 âm lịch, hội đền Ối được tổ chức linh thiêng và trang trọng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con trong thôn và các xã lân cận”, bà Đỗ Thị Thanh - người trông coi đền cho biết.

Về thôn Đậu Yên những ngày xuân này, dù không khí vui xuân, chơi tết vẫn còn vương vít, nhưng hầu hết mọi người đã trở lại với công việc. “Guồng quay ấy khiến cuộc sống của bà con Nhân dân trong thôn đã có nhiều đổi thay, điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điều tiếc nuối. Hầu hết các công trình văn hóa tâm linh trên địa bàn xã đã bị phá dỡ, các lễ tục bị lãng quên. Nếp xưa nhà cũ còn lại là chiếc giếng làng và đền Ối lưu giữ một số hiện vật cổ, sắc phong từ thời Nguyễn. Giá trị vật thể không còn nhưng mỗi người dân trong thôn vẫn cố gắng giữ gìn các giá trị phi vật thể như truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, yêu thương chia sẻ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách...", ông Nguyễn Đăng Nguyên, bí thư kiêm trưởng thôn Đậu Yên cho biết.

Bài và ảnh: CHI ANH

Bài viết có sử dụng tư liệu của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân trong sách Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh (NXB Văn hóa dân tộc, 2001).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]