(Baothanhhoa.vn) - “Giữa Trường Sa mênh mông, hùng vĩ, tôi thấy mình quá bé nhỏ, mong manh. Đứng trước người lính giữ biển đảo vất vả gian lao, tôi thấy cần phải khiêm nhu, “sống chậm”, lắng lòng mình lại...”. Đó là lời bộc bạch của Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả tập bút kí Trường Sa kì vĩ và gian lao (NXB Kim Đồng, 2022).

Trường Sa kì vĩ

“Giữa Trường Sa mênh mông, hùng vĩ, tôi thấy mình quá bé nhỏ, mong manh. Đứng trước người lính giữ biển đảo vất vả gian lao, tôi thấy cần phải khiêm nhu, “sống chậm”, lắng lòng mình lại...”. Đó là lời bộc bạch của Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả tập bút kí Trường Sa kì vĩ và gian lao (NXB Kim Đồng, 2022).

Trường Sa kì vĩ

“Đường đến Trường Sa”, ấn tượng đầu tiên là một “buổi sáng trong trẻo, gió biển mát rượi. Trước mũi tàu, một đàn cá heo bơi nhảy đùa giỡn vui nhộn như thể chúng đang dẫn đường cho tàu đi. Và trời ơi, chim hải âu bay rợp trời, có con thân thiện chao cánh liệng bay qua vai tôi. Hai bên mạn tàu, cá chuồn bay, mù mịt...". Trong khi hầu hết mọi người đang say sóng “nôn mật xanh mật vàng” vì “tàu chao lắc như đánh võng vì sóng ngầm” thì các cô văn công cứ đi lại như thường ngày trên sàn diễn sân khấu, các người đẹp ngồi điềm nhiên dưới hầm tàu chán lại lên boong ngắm trời nhìn biển và thả hồn mơ mộng theo cánh hải âu trắng”.

Lý giải về sự “khát thèm Trường Sa”, trong bút kí “Đảo nổi, trận chiến giữa thời bình” tác giả đã cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về Quần đảo Trường Sa với hơn 100 đảo nổi, đảo chìm lớn nhỏ và rạn san hô. “Nếu hình dung Trường Sa là bức tranh kì vĩ khổng lồ thì các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn là những dấu chấm lặng, các con tàu là những nốt nhạc di động làm nên các điểm nhấn trên nền toan nước biển Đông màu lam mênh mông”. Vì là đảo nổi nên có đất và nhiều màu xanh: đảo Trường Sa lớn là thủ phủ của cây phong ba, bão táp, rau muống biển và cây bàng vuông; Nam Yết là đảo nhiều dừa và cây tra nhất; Song Tử Tây có ngọn hải đăng 120 bậc thang gỗ, có Bia chủ quyền Trường Sa được dựng lên từ năm 1956... Trong khi đó, “Đảo chìm – cột mốc chủ quyền sừng sững giữ biển Đông” hiện lên với “vẻ đẹp mê dụ nao lòng, mướt mát: phía ngoài là màu xanh thẫm của đại dương mênh mang, tiếp đến màu xanh lá mạ vàng mỗi lúc thủy triều lên ngập rạn san hô và cuối cùng màu xanh lam là lòng hồ.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh rất tinh tế khi nhận ra đảo nổi có bãi cát biết đi, đảo chìm có bãi cát biết... chạy. Đến với Trường Sa, dễ có cảm giác “mặt trời ở Trường Sa to hơn mặt trời ở đất liền”, “như cái nong tằm đỏ rực lừ lừ lặn xuống hay lừ lừ mọc trồi lên mặt nước rất rõ”. Đặc biệt, ở Trường Sa còn có vô vàn các loại cá quý, chim quý.

“Tôi cứ tưởng tượng, nghĩ ngợi xa gần: những người lính sống tròi trọi nơi đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn, bó chân tù cẳng, nhìn đi nhìn lại toàn đàn ông, con trai, nếu không có những sinh vật biển sống động tạo nên thiên nhiên kì thú và lãng mạn thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào?”. Sự tươi đẹp ấy như một chuỗi ngọc của đất nước hình chữ S mà ai cũng mong muốn một lần được đến đây, là nguồn sống tinh thần và vật chất của người lính. Trường Sa càng kì vĩ thì người lính càng căng mình bảo vệ.

Qua những thước phim chúng ta có thể xuýt xoa khi thấy hình ảnh vòi rồng như một cột nước trắng dựng đứng lên cao, đôi khi uốn éo hoặc xoắn như cái mũi khoan khổng lồ và lừ lừ đi trên mặt biển. Còn với người lính, vòi rồng lại là nỗi khiếp đảm. Nó có thể hút hết cả nồi niêu, xoong chảo, rau xanh, súng ống, gà vịt và cả người lên lưng chừng trời rồi ném đến một nơi xa lắc. Thấy dấu hiệu vòi rồng, người lính chỉ biết phóng hết tốc lực vào cầu xuồng, neo lại rồi chạy tháo thân về đảo ẩn nấp.

Trước mặt là biển xanh, nhưng ở nơi khô nóng, ít mưa thừa nắng thì thiếu nước ngọt như một đặc sản. Trung bình mỗi người được 5 lít nước một ngày, lúc ngặt nghèo thì 3 lít, thậm chí 1 lít một ngày cho đánh răng, rửa mặt, rửa tay... đồng thời tiết kiệm, tích trữ nước tận dụng rồi gộp lại cho đảo trồng rau. Những dòng chữ “nước ngọt quý như máu”, "nước ngọt là máu của đảo”, “nước ngọt hiếm như... máu đấy” khiến ai nhìn vào cũng thấy kinh ngạc, bùi ngùi và thương xót.

Rau xanh cũng vô cùng khan hiếm. Người lính trồng rau từ hạt giống đất liền gửi tặng. Nhưng rau quen đất liền, quen thổ nhưỡng khí hậu đất liền, hạt ra đảo mang đời sống biển mặn mòi, khô nóng khắc nghiệt, gieo trồng chăm sóc rất vất vả, kì công. Lên được mầm, được lá rồi thì “gió muối” cộng với sóng biển đánh tung lên như vã nước mặn vào, rau nào sống nổi. Bởi thế mà mỗi lính đảo cũng là một nhà nông được huấn luyện từ việc phơi đất cho đến hái rau. Họ không chịu để nắng nóng khuất phục, tự giác như con ong chăm chỉ tạo dựng không gian xanh mát cho bản thân, đồng đội và đảo xa.

Khó khăn thiếu thốn là vậy, nhưng người lính đảo luôn hiếu khách. Họ chắt chiu từng giọt nước ngọt quý như máu, không tiếc rau xanh vốn quý và hiếm đem đãi khách. Họ cũng không quản ngại khó khăn trồng rau xanh để đảo “bừng bừng sức sống màu xanh”. Cảm động hơn nữa khi họ vui mừng đón đoàn văn công, nhà văn - nhà báo, những Việt kiều xa quê, những cái tết đầm ấm và nghĩa tình...

Cây xanh cũng khí phách như người. Trên các đảo nổi như Trường Sa lớn, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn... có năm loại cây to, tán rộng, gân guốc, bất khuất là: phong ba, bão táp, mù u, tra và bàng vuông. Năm loại cây này tựa như người lính khí phách hiên ngang, đứng chắn bão giông ngoài biển khơi xa mù... để bảo vệ vùng trời, vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tự thuở nào, Trường Sa đã kì vĩ và cũng chẳng ai hình dung nổi sau mấy trăm năm, người lính thời đại @ hội nhập toàn cầu sẽ giữ biển đảo và sống ở Trường Sa ra sao? Không còn các thủy binh hai mươi người một thuyền vượt sóng ra Trường Sa vẽ bản đồ, dựng bia đá và trồng cây... “Chúng tôi đang đi trên đường ông cha đã đi, nhưng không phải bằng súng dài đạn nhồi thuốc phân dơi, thuyền gỗ, đi biển dùng mắt thường nhìn gió, sóng, nhìn sao trời, mà là điều khiển tàu HQ hiện đại vượt đại dương mọi thời tiết và bằng ý chí dựng nước, giữ nước mấy ngàn năm”.

Trường Sa hôm nay không chỉ có cây phong ba, bão táp, mù u, tra, mà còn có nhiều loại cây xanh ở đất liền, di thực đến không phải nhờ chim chóc mà bằng chính bàn tay con người theo tàu ra và nở hoa như: hoa dừa, hoa đu đủ, hoa mười giờ, hoa xương rồng, hoa phong lan, hoa mùi tàu... Nước ngọt tuy thiếu nhưng đã qua rồi cái thời chắt chiu từng giọt; đất từ quê mẹ theo các đoàn công tác mang ra từng túi, từng bì... tích tiểu thành đại cho đảo nhỏ giữa khơi xa lúc nào cũng có hơi ấm đất liền. Cây xanh, hạt rau giống theo người lính trả phép về đảo...

Ngày hôm nay, để ra Trường Sa có rất nhiều loại tàu hiện đại, người lính cũng được trang bị các vũ khí tối tân, đời sống vật chất cũng không còn thiếu thốn. Nhưng sự vất vả, gian lao thì vẫn “gắn bó”, bao bọc xung quanh người lính đảo. Có chiến sĩ được mổ ruột thừa cấp... trực tuyến, có người được mổ lá lách qua điện thoại... Có những chàng trai độ tuổi đôi mươi nằm lại đại dương xanh thẳm. Máu đỏ của các anh đã hòa lẫn vào lòng biển cả. Chân dung người lính Quần đảo Trường Sa vì vậy mà lung linh, đẹp đẽ, vô cùng đáng trân trọng và tự hào!

22 bút kí là hàng trăm câu chuyện sinh động mà nhà văn Sương Nguyệt Minh đã ghi chép được qua những lần ra đảo. Với giọng điệu nhẩn nha kể, hình ảnh thiên nhiên, con người Trường Sa hiện lên gần gũi. Đất nước đi qua chiến tranh từ lâu rồi, mà Trường Sa vẫn chưa có thời bình.

Gửi tin yêu vào gió, vào sóng, các trang viết của Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh gửi tiếng lòng, suy tư của mình đến đảo xa, nơi tiếng gọi thiêng liêng đã khắc sâu thành nỗi nhớ; nơi có những người lính đảo chân chất, hiền lành nhưng luôn kiên định, sắt đá trước mọi gian khổ, hiểm nguy, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu...

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]