(Baothanhhoa.vn) - Một mùa trăng nữa lại đến, một mùa trăng thật đặc biệt với các bạn nhỏ trên đất nước ta. Khi cả nước cùng hướng về 2 tiếng “đồng bào” thân thương, mùa trăng năm nay không cầu kỳ, không nhộn nhịp cờ hoa nhưng sẽ ấm áp và tràn ngập yêu thương.

Trung thu mùa lũ

Một mùa trăng nữa lại đến, một mùa trăng thật đặc biệt với các bạn nhỏ trên đất nước ta. Khi cả nước cùng hướng về 2 tiếng “đồng bào” thân thương, mùa trăng năm nay không cầu kỳ, không nhộn nhịp cờ hoa nhưng sẽ ấm áp và tràn ngập yêu thương.

Trung thu mùa lũCác em học sinh Trường liên cấp Newton Thanh Hóa gửi những món quà nhỏ đến các bạn vùng lũ.

Sáng nay, trời đã tạnh mưa, phố xá tấp nập, đèn trung thu, đồ chơi lại rực rỡ các tuyến phố. Đặc biệt là các tuyến phố chính, như: Lê Hoàn, Nguyễn Trãi, Đại lộ Lê Lợi... Nhịp sống của người dân quay trở lại rồi, dù vẫn mang chút lo âu. Đúng là sau thiên tai... chỉ mong mọi thứ giản dị, cuộc sống diễn ra bình thường là đã cảm thấy hạnh phúc.

Nấm: Mẹ ơi, nay con không mua quà, mua bánh kẹo trung thu nữa, con để tiền ủng hộ cho các bạn bị lũ lụt mẹ à!

Mẹ: ???

Thì ra là trên lớp con được cô giáo cho xem hình ảnh về cơn bão Yagi và hậu quả để lại!. Những đau thương, mất mát hiện hữu trong từng thớ đất, trên mỗi gương mặt người. Hình ảnh cô giáo Hoàng Thị Nự, điểm trường thôn Làng Nủ (Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh, huyện Bắc Yên, tỉnh Lào Cai), lặng lẽ sắp xếp lại đồ chơi, đồ dùng của 8 đứa trẻ từ 0 - 5 tuổi đã mất do bị lũ cuốn, để mấy hôm nữa còn có giấy tờ làm thủ tục báo tử cho các em, như cứa vào tim. Chỉ ít ngày trước, điểm trường mầm non thôn Làng Nủ còn rộn tiếng nói cười của các em học sinh. Cô trò háo hức chờ trung thu sắp tới, sẽ cùng nhau làm những chiếc đèn ông sao... Thật đau xót, lời hẹn ước này không thể thành sự thật được nữa.

Cơn bão Yagi đi qua để lại hậu quả khủng khiếp ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Sự mất mát thật đau xót. Nhưng chúng ta chứng kiến không chỉ cơn bão của thiên nhiên, mà còn được chứng kiến cả một cơn bão của cảm xúc khi có rất nhiều khoảnh khắc khiến lòng người nghẹn lại, đó là những chuyến xe nhu yếu phẩm, quần áo, thuốc men... xuyên đêm hướng về các tỉnh phía Bắc. Là hàng trăm chiếc bánh chưng chứa đựng tấm lòng của bà con các huyện Cẩm Thủy, Nông Cống, Thọ Xuân. Hay mỗi bao gạo, thùng mì tôm, là tấm lòng của bà con các huyện Vĩnh Lộc, Lang Chánh, Thường Xuân. Những manh áo và bao vật dụng khác có sự chắt chiu của người dân các huyện ven biển. Và còn nhiều nữa những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện của người dân tỉnh Thanh Hóa đã chung tay hướng về vùng lũ miền Bắc bằng cả tấm lòng, trách nhiệm và sự sẻ chia.

Tất cả đều chất chứa hơi ấm của tình đoàn kết, của tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Những tấm lòng thiện nguyện, những nghĩa cử biết sống vì nhau của ngày hôm nay gợi cho chúng ta nhớ về những ngày tháng Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... cũng quặn đau vì lũ; những ngày cả miền Nam chìm trong mất mát đau thương vì COVID-19, người dân ở khắp mọi nơi trên cả nước cũng thổn thức cùng những lo lắng, mong muốn được sẻ chia với những mất mát, khó khăn của đồng bào mình.

Những giọt nước mắt đã rơi xuống, những đứa trẻ cặm cụi viết lời động viên gửi các bạn vùng lũ. “Tớ xin gửi tới các bạn vùng cao một chút tấm lòng nhỏ. Tớ chúc các bạn mạnh khỏe, sớm được trở lại trường” - em Nguyễn Ngọc Phát, lớp 5A5, Trường liên cấp Newton Thanh Hóa, viết. Phong bì em bấm gim cẩn thận, tô màu hồng và đỏ. Bên trong, Phát để số tiền 500 nghìn đồng mà ba mẹ và Phát đã cùng góp ủng hộ. Cùng lớp 5A5, em Lê Năng Minh đã đập lợn tiết kiệm và gửi tặng toàn bộ số tiền 2.228.000 đồng cho người dân vùng lũ, kèm lời nhắn: “Chúc các bạn vùng lũ mau chóng ổn định cuộc sống”...

Trung thu mùa lũEm Lê Năng Minh, lớp 5A5, Trường liên cấp Newton Thanh Hóa đã đập lợn tiết kiệm và gửi tặng toàn bộ số tiền 2.228.000 đồng cho người dân vùng lũ.

Cuối giờ học ngày 13/9, hưởng ứng phát động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trường liên cấp Newton Thanh Hóa tổ chức vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh quyên góp ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Thầy Lê Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường liên cấp Newton Thanh Hóa cho biết, việc tổ chức quyên góp, ủng hộ được thực hiện theo hai hình thức trực tiếp tại trường đối với cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và hình thức chuyển khoản đối với cha mẹ học sinh. Hoạt động quyên góp, ủng hộ được thực hiện minh bạch và toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ chuyển về Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa để phân bố về những khu vực người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Cũng theo thầy Thắng, nhà trường sẽ dừng tổ chức Tết Trung thu cho học sinh năm 2024 ở quy mô cấp trường. Đối với các lớp, giáo viên chỉ tổ chức hoạt động giới thiệu truyền thống về Tết Trung thu. “Các lớp sẽ dành các suất quà trung thu của mình ủng hộ các bạn học sinh ở vùng ngập lụt. Ví dụ ủng hộ sách vở, bút mực... đây sẽ là những món quà ý nghĩa, chia sẻ với học sinh khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các hoạt động vui chơi, trải nghiệm sẽ được tổ chức vào thời gian thích hợp. Chúng tôi tin rằng, những nghĩa cử tốt đẹp này không chỉ thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, mà còn phản ánh phương châm giáo dục cốt lõi qua những hành động cao đẹp, sự sẻ chia và lòng trắc ẩn: Chung tay vì đồng bào mùa lũ để không một ai bị bỏ lại phía sau”, thầy Thắng chia sẻ.

Cảm ơn các thầy, cô đã đưa vào bài giảng những bài học về yêu thương, lòng biết ơn và sự cho đi để các con nhận thức thêm về cuộc sống! Để các con biết rằng, các con còn may mắn hơn rất nhiều bạn ngoài kia. Vì thế, trung thu này chúng ta hãy gác lại những mong đợi về đèn lồng hay bánh trái. Không có niềm vui nào hơn việc giúp đỡ đồng bào trong lúc hoạn nạn. Chúng ta có thể tổ chức một lễ hội trung thu hoành tráng vào năm sau. Hãy vì tình người, vì sự bình an của tất cả mọi người, con nhé!

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]