(Baothanhhoa.vn) - Sau cuộc điện đàm được mong đợi từ lâu giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin, phái đoàn ngoại giao Mỹ-Nga đã xúc tiến các cuộc đàm phán đầu tiên tại Riyadh/Saudi Arabia và Istanbul/Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái cho thấy xu hướng ấm dần lên trong quan hệ Mỹ-Nga. Vậy việc khôi phục quan hệ thương mại giữa hai nước có thể bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Trừng phạt, dầu mỏ, uranium: Mỹ và Nga có thể khôi phục quan hệ thương mại như thế nào và ở đâu?

Sau cuộc điện đàm được mong đợi từ lâu giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin, phái đoàn ngoại giao Mỹ-Nga đã xúc tiến các cuộc đàm phán đầu tiên tại Riyadh/Saudi Arabia và Istanbul/Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái cho thấy xu hướng ấm dần lên trong quan hệ Mỹ-Nga. Vậy việc khôi phục quan hệ thương mại giữa hai nước có thể bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Trừng phạt, dầu mỏ, uranium: Mỹ và Nga có thể khôi phục quan hệ thương mại như thế nào và ở đâu?

Tại các cuộc đàm phán, ngoài việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Ukraine và nối lại hoạt động của các phái bộ ngoại giao, các bên cũng thảo luận về việc khôi phục quan hệ kinh tế Mỹ-Nga. Theo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), tổn thất tài chính từ việc các công ty Mỹ rời khỏi Nga kể từ năm 2022 đã vượt quá 300 tỷ USD. Tổng Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev cho biết, sau các cuộc đàm phán, các bên cân nhắc khả năng quay trở lại Nga của các công ty Mỹ, bao gồm các công ty dầu mỏ, cũng như các dự án năng lượng chung ở Bắc Cực.

Ông Dmitriev cũng cho biết thêm, quý II/2025 sẽ là thời điểm có thể để các công ty Mỹ quay trở lại Nga. Vào ngày 18/2, người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Mỹ, Ngoại trưởng Marco Rubio cũng đã nói về “những cơ hội to lớn để thiết lập quan hệ đối tác Mỹ-Nga”.

Hợp tác thương mại Mỹ-Nga rơi tự do kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, khối lượng thương mại giữa Mỹ và Nga đã giảm hơn 10 lần. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 34,4 tỷ USD (tăng 44% so với năm 2020). Theo Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ, tổng giá trị nhập khẩu từ Nga của Mỹ đạt 29,7 tỷ USD vào năm 2021. Các mặt hàng chủ lực, như dầu, khoáng sản, vôi và xi măng (chiếm tới 59,2%), kim loại, sắt, thép và dụng cụ, thiết bị máy móc (13,4%). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Nga đạt khoảng 6 tỷ USD. Các mặt hàng chính như thiết bị vận tải (33,9%), máy móc và thiết bị cơ khí (25,6%), hóa chất, nhựa, cao su và da (17,5%), thiết bị quang học, đo lường và y tế (8,3%).

Năm 2022, sau khi xung đột bùng nổ ở Ukraine và làn sóng trừng phạt, thương mại giữa Mỹ và Nga đã giảm mạnh. Kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Nga chỉ đạt 14,4 tỷ USD, giảm tới 51,3%. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Nga đạt 1,7 tỷ USD, giảm 74%. Sự suy giảm tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Lượng hàng nhập khẩu của Mỹ từ Nga giảm xuống còn 4,87 tỷ USD, với các sản phẩm chính là hóa chất phóng xạ (1,21 tỷ USD), bạch kim (1,16 tỷ USD) và phân đạm (1,04 tỷ USD). Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Nga giảm xuống chỉ còn 599,6 triệu USD.

Năm 2024, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ước tính tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với Nga chỉ đạt 3,5 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Nga vào năm 2024 là 3 tỷ USD, giảm 34,2% (hơn 1,7 tỷ USD) so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Nga giảm xuống còn 526 triệu USD (giảm 12,3%, tương đương 73,5 triệu USD so với năm 2023).

Theo Olga Belenkaya, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô của Tập đoàn tài chính Finam cho rằng, mục tiêu của hai nước là ít nhất sẽ đưa kim ngạch thương mại song phương về mức đạt được trong năm 2021. Bà Belenkaya cũng lưu ý rằng, các công ty Mỹ có thể bù đắp lỗ hổng do sự sụt giảm trong kim ngạch thương mại của Nga với Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại chính của Nga trước đây. Mặc dù Mỹ kém hơn châu Âu xét về khối lượng thương mại với Nga tính đến năm 2022, nhưng nguồn cung từ Mỹ cũng mang lại giá trị tương đối cao ở một số lĩnh vực.

Cơ chế phục hồi

Rào cản chính trong việc đưa hoạt động thương mại song phương giữa Nga và Mỹ trở lại mức năm 2021 là các lệnh trừng phạt. Nhiều ý kiến cho rằng, kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Nga có thể tăng trưởng sau sự ấm lên về chính trị liên quan đến tiến triển trong việc giải quyết tình hình ở Ukraine. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân của Tổng thống Donald Trump và cần có sự chấp thuận từ Quốc hội.

Trừng phạt, dầu mỏ, uranium: Mỹ và Nga có thể khôi phục quan hệ thương mại như thế nào và ở đâu?

Theo Ivan Timofeev, Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng, luật liên bang về các gói trừng phạt Nga của Mỹ là do Quốc hội nước này thông qua, nên rất khó được bãi bỏ. Theo đó, Tổng thống Donald Trump chỉ có khả năng nới lỏng hoặc đình chỉ những hạn chế này.

Với những đặc thù trong hệ thống chính trị Mỹ, không phải mọi thứ đều đơn giản với các sắc lệnh của Tổng thống, như việc ông Trump khó có thể hủy bỏ sắc lệnh hành pháp số 14024 do người tiền nhiệm Joe Biden ký vào tháng 4/2021, trong đó thiết lập chế độ trừng phạt đối với Nga. Theo chuyên gia người Nga Ivan Timofeev, việc nới lỏng lệnh trừng phạt Nga của chính quyền Trump có thể sẽ dưới hình thức miễn trừ cá nhân, đưa ra một số trường hợp ngoại lệ, cung cấp giấy phép chung, như trường hợp đối với Trung Quốc, Belarus và Venezuela. Ngoài ra, các sắc lệnh cho phép mở rộng “cửa sổ tài chính” của Nga có thể được ban hành, vì hiện tại 90% tài sản ngân hàng của Nga đang chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ. Nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ “bật đèn xanh” cho các giao dịch với ngân hàng Nga.

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng

Giới chuyên gia dự báo tiềm năng phục hồi quan hệ Mỹ-Nga ở những lĩnh vực kinh tế mà trước đây hợp tác phát triển nhất. Theo đó, Mỹ có thể quan tâm đến việc tiếp cận trở lại các nguồn năng lượng, kim loại và vật liệu của Nga để phục vụ cho sản xuất công nghệ tiên tiến. Ông Ivan Timofeev cho rằng, có thể cơ chế phục hồi không diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, mà chủ yếu là về nguồn cung nguyên liệu thô mà doanh nghiệp Mỹ quan tâm, chẳng hạn như dầu nặng cho các nhà máy lọc dầu, hay thậm chí là nguồn cung cấp urani làm giàu thấp.

Về phía Nga, nước này cũng cần tiếp cận các công nghệ sản xuất dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các dịch vụ khai thác dầu mỏ, cũng như thiết bị vận tải, sản phẩm cơ khí và thiết bị điện tử. Với chủ trương thực dụng, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghệ có giá trị kinh tế cao để bù đắp thâm hụt ngân sách liên bang. Song cũng có ý kiến cho rằng, sự hợp tác Mỹ-Nga trong lĩnh vực cơ khí và vi điện tử khó có thể được khôi phục vì đây là những ngành có công nghệ sử dụng kép, tương đối nhạy cảm.

Còn nhiều yếu tố bất ngờ

Igor Yushkov, một chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga dự báo, có thể sẽ có làn sóng các công ty dầu khí Mỹ quay trở lại Nga. Các công ty Mỹ có thể quan tâm đến việc mua cổ phần tại các dự án của Nga đang hoạt động và mang lại lợi nhuận trong thời gian dài. Ví dụ, Mỹ có thể quan tâm đến việc quay trở lại dự án Sakhalin-1, vốn mang lại lợi nhuận cực lớn cho ExxonMobil.

Trong các dự án sản xuất LNG, hợp tác Mỹ-Nga có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, và theo giới phân tích, các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ sẽ khó được dỡ bỏ hoàn toàn. Về mặt lý thuyết, các công ty Mỹ có thể nhận lại cổ phần trước đây của Shell tại Sakhalin-2 mà Gazprom đã mua lại. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Donald Trump rất có thể sẽ tìm cách tiếp tục đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt. Nguyên nhân là do Mỹ cần thúc đẩy xuất khẩu LNG vì là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong khi đó Nga vẫn được coi là đối thủ cạnh tranh không mong muốn của Mỹ. Loại bỏ Nga để chiếm lĩnh thị trường LNG thế giới sẽ mang lại cho Mỹ nguồn lợi nhuận khổng lồ, vì vậy ông Trump sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]