Triển khai hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời
Phong trào bình dân học vụ trước đây (1945) và bình dân học vụ số ngày nay đều mang sứ mạng diệt “giặc dốt". Nhưng trong kỷ nguyên số, “giặc dốt” cần thanh toán chính là sự mù công nghệ trong đời sống xã hội, mà nhất là các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quốc phòng - an ninh, quản lý xã hội, giáo dục và y tế...
Thầy, trò Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa) trong một giờ học ứng dụng màn hình tương tác thông minh. Ảnh: Phong Sắc
Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi nói chuyện với những người đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã gợi mở một số nhiệm vụ lớn mà ngành giáo dục phải thực hiện cho bằng được, đó là: Hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng). Xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia.
Bình dân học vụ số mà Tổng Bí thư đề cập, so với bình dân học vụ được đặt ra sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có cùng một mục tiêu là diệt “giặc dốt", với cùng một phương thức tiến hành là vận động cả nước tham gia, không một người dân nào đứng ngoài cuộc. Trong cả 2 cuộc vận động này, đạo lý ứng xử trong học tập đều được nhấn mạnh là: Mọi người đều là bạn của nhau. Mọi người đều là học trò của nhau. Mọi người đều là thầy dạy học của nhau. Trong công cuộc diệt “giặc dốt”, người biết bảo người chưa biết. Người biết có thể già hơn, song cũng có thể là người trẻ hơn so với người chưa biết; người biết có thể là người đạt trình độ vượt trội đối với người chưa biết, nhưng sẽ không ít trường hợp chỉ hơn nhau một thông tin, một kinh nghiệm, một ý tưởng mới. Người xưa từng dạy: 3 người cùng đi với ta trên một đoạn đường, ít nhất sẽ có một người là thầy của ta.
Bình dân học vụ trước đây và bình dân học vụ số ngày nay đều yêu cầu mọi người dân hiểu và nhận thức sâu sắc một điều cơ bản: “nghèo tri thức là nguồn gốc của cái nghèo đa chiều” và đều khuyên rằng, cần làm giàu tri thức trước khi muốn có nhiều tiền bạc, đất đai, nhà cửa...
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Vấn đề này không phải là hoàn toàn xa lạ, mà cái mới chính ở sự coi phát triển khoa học, công nghệ như một khâu đột phá, tạo ra sự bứt phá của nền kinh tế, sự chuyển biến mạnh mẽ về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đây là một xu thế tất yếu để đất nước vươn tới tầm cao phát triển bền vững.
Thứ nhất, bình dân học vụ số phải góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai và nhân lực tại chỗ, tạo năng lực nội sinh của khoa học và công nghệ. Chất lượng nhân lực của chúng ta hiện giờ còn tỏ ra yếu kém không chỉ so với các nước lớn trên thế giới, mà ngay với một số nước trong khu vực cũng vậy. Theo một thống kê gần đây, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật... Trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam tương đương với năng suất lao động của Lào.
Thứ hai, cần phải xem lại rồi đổi mới triệt để về nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo, đoạn tuyệt với cách học chỉ thiên về lý thuyết, hơn nữa lại là lý thuyết kinh viện, mang tính giáo điều, không thoát ra khỏi kinh nghiệm của người đi trước, từ đó xây dựng cho người học những lối tư duy sáng tạo, đó là: Tư duy khác biệt (Different Thinking) là lối suy nghĩ độc lập, sáng tạo và vượt ra khỏi những khuôn mẫu thông thường. Nó cho phép chúng ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, tìm ra những giải pháp mới mẻ và độc đáo. Tư duy đột phá (Breakthrough) là cách suy nghĩ giải quyết vấn đề theo những cách mới mẻ, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì, khám phá cách làm độc đáo để tìm đến kết quả ngoài mong đợi, không ngại thử nghiệm và chấp nhận rủi ro.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 265-KH/TU ngày 24/4/2025 về việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chuyển đổi số và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh gắn với chuyển đổi số quốc gia. Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”. Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công; phổ cập kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân trong học tập, nghiên cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác. Phát động phong trào thi đua tự học về chuyển đổi số, rèn luyện, phát triển kỹ năng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khai thác có hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số, công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống; xây dựng đơn vị số, cộng đồng số, gia đình và công dân số. Gắn kết phong trào với triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Về thực chất, bình dân học vụ số và xu thế phát triển của phong trào gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dưới lăng kính xã hội học tập, đây thực chất là phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phong trào được khơi dậy từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001), khi Đảng chủ trương chuyển mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mở, tức là sang mô hình xã hội học tập. Xã hội học tập là một môi trường giáo dục mà trong đó, việc học tập suốt đời không chỉ là một quyền lợi, mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức dưới tác động thúc đẩy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), xã hội học tập được coi như một hệ sinh thái giáo dục vĩ mô với những đặc trưng riêng có.
Bình dân học vụ trước đây (1945) và bình dân học vụ số ngày nay đều mang sứ mạng diệt “giặc dốt”, nhưng trước kia việc diệt “giặc dốt” là nhiệm vụ xóa nạn mù chữ quốc ngữ, học nhanh và hiệu quả để đọc thông viết thạo, làm được 4 phép tính cơ bản, tiếp cận được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó, mọi người tham gia vào mọi việc mà cuộc kháng chiến đòi hỏi nếu được cử ra tiền tuyến. Còn nếu làm việc ở hậu phương thì hết lòng, hết sức tăng gia sản xuất, tạo mọi nguồn lực tất cả cho tiền tuyến và xây dựng vùng an toàn làm hậu cứ, vững chắc cho tiền phương.
Thời điểm hiện nay, “giặc dốt” cần nhanh chóng xóa đi là sự mù công nghệ đang cần áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quốc phòng - an ninh, quản lý xã hội, giáo dục và y tế... Cái dốt đó là “kẻ thù” kìm hãm sự phát triển, làm chậm lại quá trình hội nhập quốc tế, làm đời sống xã hội tụt hậu so với những bước tiến của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. “Giặc dốt” của thời nay còn thể hiện ở sự mù kỹ năng lao động khi công nghệ mới được ứng dụng vào sản xuất; mù chữ thực dụng - nghĩa là có học nhưng không làm được; mù nghề khi nghề mới xuất hiện mà không có kiến thức và kỹ năng để lựa chọn; mù ngoại ngữ nên không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm đòi hỏi hoặc giao dịch thiếu hiệu quả khi vấp phải rào cản về ngoại ngữ. Cái dốt của thời đại ngày nay còn bộc lộ ở sự thiếu những tri thức mới mặc dù sống trong tình trạng ngập đầu của biển cả thông tin.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Túy,
Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy,
Chủ tịch Hội Tin học Thanh Hóa
{name} - {time}
-
2025-05-08 10:30:00
Triển khai nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số
-
2025-05-06 14:57:00
Tiện ích mô hình “3 không” ở Thường Xuân
-
2025-05-05 10:06:00
Văn phòng UBND tỉnh và TP Thanh Hóa dẫn đầu xếp hạng chuyển đổi số năm 2024
Phát động sự kiện Hưởng ứng Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới 2025
Chữ ký số góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính
Nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất
“Gõ từng nhà” để triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”
Mắt xích thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số”
Triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”
Xây dựng mạng lưới “Đại sứ số” - Phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng