“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
“Trăm năm còn gió heo may” (NXB Hội Nhà văn, 2024) ra mắt nhân dịp giỗ đầu của vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Không chỉ là những vần thơ của hai tâm hồn đồng điệu, tập thơ là câu chuyện tình vượt thời gian, là những triết lý sâu lắng về đời người với đủ mọi cung bậc của cảm xúc.
Chân dung nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Có ai ở Huế mà không biết hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ? Có ai mê thơ mà không yêu văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ? Từ thuở học sinh chúng tôi đã thuộc nằm lòng những câu thơ: “Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em/ Gương mặt em, bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng!”. Chúng tôi cũng không thể quên được những dòng văn đầy chất thơ trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Và khi đọc đến “Trăm năm còn gió heo may”, tôi hiểu thêm rằng, đời người cũng mong được những thoáng heo may phả qua, tưới mát và làm dịu những nỗi buồn.
1. Có lẽ trái tim đàn bà của Lâm Thị Mỹ Dạ dành hết cho tình yêu. Nàng thơ ấy tự nhận: “Đốt lòng em ngọn lửa/ Và bỗng dưng em thấy/ Trong mắt anh đắm say/ Những câu thơ run rẩy/ Những câu thơ trốn chạy/ Những câu thơ cháy rồi”. Và cũng chẳng cần nàng thơ ấy tự nhận, người đọc vẫn hiểu rằng: “Theo triền sông gió thổi hết lòng mình/ Trời nở hết sắc xanh, sông ánh lên màu lá”; “Em đi bên anh nghe lòng xốn xang/ Đất nước mình thanh bình như bức tranh dân gian”. Nương theo tình yêu, dường như lòng người cũng ngọt ngào hơn, trời đất và cây cỏ cũng ánh lên màu dịu mát.
29 bài của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là hành trình của một đời người. Có thảng thốt đến khao khát: “Trời ơi/ Làm sao có một cuộc đời/ Để cho tôi ném đời mình vào đó/ Mà không hề cân nhắc, đắn đo/ Rằng: cuộc đời ấy còn chưa đủ...”.
Tự cái thuở ban đầu hai thi sĩ đến với nhau không thiếu lời khen nhưng vẫn lo âu để rồi ước ao: “Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh”; “Đất anh bao la/ Cây em ve vuốt/ Đất anh thẳm sâu/ Lúa em cúi đầu...”.
Và sau những giây phút thăng hoa vì tình yêu, trái tim người đàn bà ấy dành cả tình thương và nỗi lo cho con. Những bài thơ: Một thời con gái, Mẹ ngày xưa, Viết về câu trả lời của con... là những yêu thương và cũng là những dặn dò với hai cô con gái “Con ơi mẹ nhìn con ngủ/ Biết thời con gái kề bên/ Rồi mai phút nào cay cực/ Mẹ có còn mà gọi tên”.
Nhưng, những vần thơ hay nhất của Lâm Thị Mỹ Dạ chính là nỗi thao thức rất đàn bà, nỗi lo âu vì sự chảy trôi của thời gian: “Năm tháng tươi xanh/ Đời đến lúc cỗi già/ Ta mãi ngây thơ/ Thơ ngây nào được nữa!/ Ta thành trái mà hồn còn như lá/ Cứ xanh hoài chồi biếc thuở non tơ”; “Tháng Giêng đầu ngọn biếc/ Ta - phía cội cây già/ Ngước nhìn bao thương mến/ Quãng đời mình đã qua”; “Giá mà ta được là sông/ Biết ra tới biển là không còn mình/ Bất cần ngàn sóng coi khinh/ Mặn mòi đã thấu, tan mình sá chi”...
Phải chăng trên hành trình tìm cái tôi, con người thường phải trải qua sự cô đơn và những giây phút ngổn ngang?. Đọc Tôi về với tôi, Thưa rằng... đủ để ta hiểu phần nào những xáo trộn: “Kiếp tơ sao nặng quá chừng/ Muốn dứt chẳng đặng, muốn dừng chẳng thôi/ Thưa rằng tôi vẫn là tôi/ Cây cau trăm đốt giữa trời còn xanh”.
Tuy vậy, người đọc vẫn nhận thấy đằng sau những nghĩ suy, trăn trở, trĩu nặng, đớn đau ấy, thơ của bà vẫn ánh lên “cái nhìn xanh biếc” và “trái tim thơ dại”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia thơ và đời của Lâm Thị Mỹ Dạ ra thành các giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, kéo dài 4 năm, từ 1979 đến 1983, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du. Giai đoạn thứ hai, kéo dài 5 năm, từ 1989 đến năm 1994, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ra Quảng Trị để sáng lập và làm Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt. Đó là năm tháng mà tài năng của mỗi người đều chín muồi trong sự nghiệp, nhưng tình cảm cũng có những xáo trộn riêng tư. Và giai đoạn thứ 3, từ năm 1998, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bất ngờ bị tai biến. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bỏ hết mọi đam mê thi ca để chăm sóc chồng: “Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/ Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/ Giữa tháng ngày trĩu nặng/ Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em”.
Tuổi già và bệnh tật là chặng đường sau cùng của mỗi con người. “Ngày tháng xanh tươi dần vắt cạn/ Đôi mắt thâm quầng bóng tối đậm dần” nhưng trái tim thi sĩ của Lâm Thị Mỹ Dạ thì vẫn “tươi mới như thuở ban đầu”.
2. Nếu Lâm Thị Mỹ Dạ cất lên tiếng thơ đằm thắm, chứa chan tình yêu và nỗi niềm của người phụ nữ thì Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đến những vần thơ trầm lắng, sâu sắc và nhiều niềm đau.
Xét về độ tuổi, Hoàng Phủ Ngọc Tường hơn Lâm Thị Mỹ Dạ 13 tuổi. Hồi Mỹ Dạ còn là cô gái trẻ thì Hoàng Phủ Ngọc Tường từng trải trên con đường cách mạng lẫn con đường văn chương.
Và cũng như bất kỳ nhà thơ nào khác, khi trái tim tình yêu mở cửa là lúc Hoàng Phủ Ngọc Tường làm nhiều thơ, thơ đầy ngọt ngào và dung chứa cảm xúc mới mẻ, tưởng như “Bồng bềnh cho tới mai sau”: “Có con thuyền trong sương trắng/ Bồng bềnh như một cánh chim/ Có em chèo thuyền áo trắng/ Xôn xao như trốn, như tìm”. Và cũng đầy xao xuyến: “Nháy hoài trong cây khuya/ Một ngôi sao xanh biếc/ Là mắt em tinh nghịch/ Trốn tìm qua đời anh”.
Sau lễ cưới tổ chức tại Hà Nội năm 1973, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bài thơ dài có tên gọi “Một thân cây, một tàng lá, một bông hoa” để tặng người vợ trẻ trong niềm hân hoan: “Chùm hoa sữa đầu mùa/ Tỏa một vùng hương ấm/ Xôn xao trong lòng anh”. Bởi, khi chuyện tình yêu mới bắt đầu, ai mà chẳng nghĩ “con đường này nối những con đường khác”, “tình yêu mở tới những chân trời”.
Tất nhiên, những vần thơ ấy không nhiều trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc. Tình yêu với ông còn mang sự suy tư trĩu nặng. Đứng trước sông Kiến Giang, ngẫm về đời người, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Nguồn Kiến Giang rừng có nhiều trầm/ Mẹ nói thế, trầm thơm từ vạn cổ/ Điều anh mãi tự hào xứ sở/ So với người, trầm đâu phải thơm hơn”. Đúng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đánh giá về thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường "... thấm đẫm triết học về cái chết... thơ anh buồn mỗi nỗi buồn đứt ruột... Đấy là thơ của cõi âm...". Những bài thơ: Dù năm dù tháng, Dòng sông đời mẹ, Đêm qua, Địa chỉ buồn... thể hiện rất rõ điều đó. Âm hưởng thơ ông nhiều điệu buồn: “Cây sầu đông, cây sầu đau/ Thương tôi, cây cũng nở màu hoa râm”; “Thôi em xa thẳm Trường Sơn/ Ngày xưa anh vẫn cô đơn đã thường/ Đêm qua nằm nhớ mưa nguồn/ Con chim tắt lửa kêu buồn mấy năm”... Những nỗi buồn trong cuộc đời ấy cứ dan díu với nhà thơ, tới mức bóng dáng người đẹp chỉ càng tăng thêm nỗi rối bời, niềm cô đơn thi sĩ.
Nhưng rồi dù đi đủ mọi con đường, chạy theo những phù vân hay phù du... thì cuối cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thấu cảm “đầy đủ ân tình từ phía vợ”: “Xin biết ơn, trên bàn tay và gương mặt em”, và trân trọng: “Để ta kể với phù vân/ Dù sao đời đã một lần có em”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường thường sử dụng nhiều từ ngữ đậm màu liêu trai, thậm chí nhiều từ cũ đã mòn nhưng trong không gian thơ ấy, vẫn đủ sức vẫy gợi, dẫn đường cho người đọc đi đến tận cùng những cung bậc tình cảm, suy tư cuộc sống, lay động lòng người.
Biết bao người đã buồn vì sự ra đi của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. May thay, những bài thơ của họ thì vẫn còn đây, như gió heo may vẫn thổi để chúng ta được lắng nghe suy ngẫm về câu chuyện tình yêu, gia đình và cuộc sống.
Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-10-20 19:42:00
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
Điều còn mãi
Chuyện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Không chỉ là huyền thoại!
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũ
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 2): Những chuyến đi nghĩa tình
Những người phụ nữ tôi kính trọng
Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Sơn
Lớn lên từ những mảnh vườn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của giáo dục tỉnh Thanh Hóa