Tinh thần, khí phách người xứ Thanh qua tư liệu, hiện vật về Điện Biên Phủ
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa là một căn cứ địa quan trọng, hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của, “dốc bồ, đổ thúng” với tinh thần “tất cả vì mặt trận”, “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tinh thần, khí phách Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong hồi ức, kỷ niệm của những người cựu binh, trong sức sống bền bỉ của những di tích, trong câu chuyện kể cất lên từ tư liệu, hiện vật được lưu giữ...
Bạn trẻ hào hứng chụp ảnh lưu niệm cùng chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ là gợi nhớ đến hình ảnh những đoàn xe đạp thồ - “binh đoàn tay ngai” của dân công hỏa tuyến xứ Thanh không quản hiểm nguy, gian khó, nườm nượp đêm ngày nối đuôi nhau tải lương, tải đạn tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ khốc liệt, vẽ nên hành trình lịch sử vẻ vang: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi đôi mươi” (Tố Hữu).
Những đóng góp, hy sinh lớn lao của “binh đoàn” ấy được ghi lại sinh động, chân thực, hào hùng qua nhiều bức ảnh, được ghi chép trong nhiều tư liệu lịch sử, tái hiện qua nhiều thước phim. Nhưng có lẽ, bất kỳ ai khi đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) vào những ngày tháng 5 lịch sử này, khi được tận mắt thấy, tận tay chạm vào hiện vật là chiếc xe đạp thồ, bồ nan hay chiếc xe cút kít đã từng theo bước người dân xứ Thanh tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, đều không khỏi xúc động, cảm phục trước ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm của thế hệ cha ông thuở ấy cho độc lập, hòa bình dân tộc.
Những ngày này, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa rộn ràng đón khách. Khuôn viên Bảo tàng rực rỡ sắc cờ đỏ, sao vàng tung bay trong gió. Hòa trong sắc cờ là ánh mắt, nụ cười hân hoan của những người cựu binh, con trẻ, học sinh, sinh viên...
Được sắp xếp ở vị trí trang trọng nhất tại không gian trưng bày các tư liệu, hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa từng đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ một chiếc xe đạp thồ - vật dụng thô sơ, gắn bó mật thiết với cuộc sống lam lũ đời thường của người nông dân, cha ông chúng ta đã sáng tạo, cải tiến thành những “con ngựa chiến” đủ sức tải hàng trăm kg lương thực, đạn dược vượt đèo cao, băng qua bom đạn quân thù kịp thời tiếp tế cho chiến trường.
Kỳ tích ấy được đắp đổi bằng máu và nước mắt, bằng tình yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh cách mạng sáng ngời: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt. Không phải vì viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh thắng tướng Na - va, mà chính là những chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Peugeot thồ được từ 200 đến 300kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni lông. Tướng Na - va bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương” (Lời thú nhận của cựu Đại tá không quân Pháp Gi - Uyn roa, trích trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ, NXB.Gu - li - a, Paris, 1964”).
56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn” là niềm kiêu hãnh, tự hào của quân và dân Thanh Hóa. Ấy là khi chiếc bồ nan của đồng bào vùng thượng du xứ Thanh cũng hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; là khoảnh khắc ông Trịnh Đình Bầm (sinh năm 1928 ở huyện Yên Định) rưng rưng thắp nén nhang thơm kính cáo tổ tiên rồi tháo bàn thờ gia tiên lấy gỗ làm xe cút kít tải lương phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ... Người xứ Thanh bao đời nay vẫn luôn ấp ôm trong lòng tình yêu nước, yêu quê hương cháy bỏng như vậy; vẫn luôn sống và chiến đấu cùng mạch nguồn lịch sử - văn hóa quý giá, nối dài truyền thống cách mạng vẻ vang.
Em Lê Thị Khánh Huyền (16 tuổi, học sinh Trường THPT Quảng Xương I) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nhưng những tư liệu, hiện vật gắn với công lao, đóng góp của Thanh Hóa trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc được trưng bày tại đây khiến em cảm thấy thực sự xúc động. Em trân trọng, biết ơn những hy sinh của thế hệ cha ông để các em được hưởng nền độc lập, hòa bình như ngày nay. Là một học sinh, em sẽ luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống quê hương”.
Giữa thời bình, trong nhịp sống hôm nay, những tư liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh vẫn đang tiếp tục “hát” lên khúc ca oanh liệt, hào hùng về những người đã anh dũng chiến đấu, dâng hiến tuổi xuân, máu xương mình cho đất nước đứng lên. Nhìn chiếc đàn của Đội Thông tin tuyên truyền Vĩnh Lộc sử dụng trong thời gian phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ bỗng như vang vang trong tâm trí những giai điệu khải hoàn: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản mường xưa nương lúa mới trồng/ Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa. Những vật dụng quen thuộc như chiếc lược, bát ăn... nhắc ta nhớ về cha, anh mình đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến khốc liệt như thế. Những tấm huân chương, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của các chiến sĩ Thanh Hóa đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ khiến ta nao lòng như tái hiện giây phút người đi tiễn biệt người ở lại: “Con đi chuyến này, một là xanh cỏ hai là đỏ ngực con về với mẹ”...
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công, cùng với hàng vạn xe đạp thồ... vận chuyển 50% khối lượng lương thực phục vụ chiến dịch. Bên cạnh đó còn có hàng vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều người đã nằm lại mãi mãi với mảnh đất Điện Biên. Cái giá của hòa bình thật đắt đỏ, nhưng đẹp vô ngần. Lớp lớp thế hệ cháu con đất Việt hôm nay và mai sau sẽ là những người chung tay, góp sức viết tiếp câu chuyện hòa bình. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực cống hiến, đưa đất nước đổi mới - hội nhập - phát triển.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2025-05-03 17:54:00
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí trong ngày nghỉ lễ thứ tư
-
2025-05-03 16:37:00
Tăng mức phụ cấp lưu trú cho công chức, viên chức từ ngày 4/5/2025
-
2025-05-03 14:57:00
Hòa hợp lợi ích
Nơi kết nối những trái tim
Sức sống mới ở Đảo Mê
Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ dự kiến đón khoảng 140.000 xe trong ngày hôm nay
Mường Lát vươn mình: Hành trình thay đổi từ Nghị quyết 11-NQ/TU (Bài 3) - Gỡ “nút thắt”, khơi thông nội lực, bứt phá thoát nghèo bền vững
Rà soát tồn tại, khiếm khuyết của các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác
Tạm hoãn việc chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát vào ngày 3/5
Bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập phải công bằng, tránh sự biến tướng
Từ 1/5/2025: Trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn trưa
Thủ tướng: Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả