Tình người ở “xóm chạy thận”
Đến từ nhiều vùng quê, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng căn bệnh suy thận đã kéo họ xích lại gần nhau trong xóm trọ nhỏ thuộc tổ 3, khu phố 9, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Xóm trọ này được mọi người gọi với tên thân quen “xóm chạy thận”.
Bệnh nhân trong "xóm chạy thận" chia sẻ, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn và chiến đấu với bệnh tật.
Gặp bà Trần Thị Liên (xã Thiệu Tiến, Thiệu Hóa) khi bà vừa đi chạy thận về. Khệ nệ ôm chiếc bụng phồng to vì ứ thận, trên cánh tay gân guốc, chi chít những vết kim tiêm nổi thành u, cục phình to do vỡ ven và tiêm chuyền dài ngày, bà Liên trải lòng với chúng tôi về cuộc đời buồn của mình. Lấy chồng năm 19 tuổi, khi đứa con đầu được 3 tuổi, bà mang bầu con thứ 2 thì chồng qua đời. Ở vậy nuôi con, cần mẫn với công việc làm ruộng, nhưng ốm đau thường xuyên khiến cuộc sống gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, khi phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, bà sắp xếp quần áo, một mình xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.
“Con cái cũng nghèo nên tôi không muốn làm khổ các cháu. Thời gian đầu xuống “xóm chạy thận”, tôi bi quan, chán nản, buông xuôi khi thấy cuộc đời mình tăm tối quá. Không người thân, không chỗ ở, không thu nhập, nhưng rồi được sự quan tâm động viên của những người xung quanh, tôi lại gượng dậy, chống chọi với bệnh tật”, bà Liên tâm sự.
Cứ như thế, sự yêu thương, chia sẻ, động viên của những người cùng cảnh ngộ là động lực để bà lấy lại năng lượng sống. Bà đã kiên cường chống chọi với bệnh tật bước sang năm thứ 9. Từ câu chuyện của bản thân, bà lại chia sẻ, an ủi, động viên những bệnh nhân trong “xóm chạy thận”, đặc biệt là bệnh nhân mới đến điều trị để họ lấy lại thăng bằng, thêm động lực vượt qua những cơn đau.
Với tính cách hòa đồng và thân thiện, anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) khá cởi mở khi chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân. Anh phát hiện suy thận vào năm 2014 khi khám sàng lọc. Từ chỗ là trụ cột, lao động chính trong gia đình, giờ đây anh phải thường xuyên gắn liền với bệnh viện khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Bị sốc, có những lúc anh suy nghĩ hay là tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Nhưng chính sự quan tâm, động viên của mọi người, nghĩ đến đứa con duy nhất đang ở nhà được ông bà nội chăm sóc, anh đã “xốc” lại tinh thần và lấy lại niềm tin, động lực để chống chọi với bệnh tật.
“Không sốc làm sao được khi phát hiện mình mắc bệnh chỉ mới ở độ tuổi 30. Độ tuổi với biết bao dự định, ước mơ ấp ủ phải thực hiện. Thế nhưng, khi lắng lòng lại, tôi lại nghĩ nhà mình nghèo, đông anh em, bố mẹ chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng, mình cứ như vậy lại thêm gánh nặng cho gia đình. Vì vậy, ngoài thời gian đến bệnh viện, tôi chạy xe ôm để kiếm sống, hôm nào mệt lắm tôi mới dám nghỉ”, anh Hưng trải lòng.
Được biết, “xóm chạy thận” đã tồn tại hơn 10 năm nay. Sở dĩ có tên gọi này là từ nhiều năm qua, chủ của ngôi nhà trọ đã tạo điều kiện cho các bệnh nhân chạy thận được thuê trọ ở đây với giá rẻ, đỡ đần nhau lúc ốm đau, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Đều đặn 3 lần trong tuần họ phải đến Trung tâm thận - lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhờ sự trợ giúp của máy móc để duy trì sự sống. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, có những người vừa rút kim chuyền, họ lại phải mưu sinh với cuộc sống như chạy xe ôm, bán nước, nhặt ve chai...
Hiện “xóm chạy thận” có 7 căn phòng, rộng khoảng 10m2 là nơi tá túc của 8 bệnh nhân. Ở đây, rất ít người được người nhà chăm sóc thường xuyên, phần lớn họ phải nương tựa vào nhau, người khỏe thì động viên, hỗ trợ, giúp đỡ cho những người ốm yếu hơn. Những cơn đau của bệnh tật, vất vả mưu sinh in hằn trên khuôn mặt khiến họ mệt mỏi và già hơn so với tuổi. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả, nhiều tổ chức, cá nhân đã thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho bệnh nhân tại xóm trọ. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, nhờ sự kết nối và kêu gọi hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chi phí thuê trọ được một nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn.
Rời “xóm chạy thận” khi các thành viên nơi đây đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa với những món ăn đạm bạc, tôi hiểu rằng, cuộc sống của những bệnh nhân đang còn nhiều vất vả. Dẫu vậy, với những tình cảm mà họ dành cho nhau cùng với sự sẻ chia, giúp đỡ của các mạnh thường quân chính là niềm tin, hy vọng, động lực để các bệnh nhân chạy thận vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2025-01-15 13:22:00
Chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân
-
2025-01-15 12:28:00
Như Xuân đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật
-
2024-08-03 21:27:00
Phòng, chống tệ nạn mại dâm: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Trễ "giấc mơ hưu”
“Lực lượng tiên phong” của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Bài cuối): Những chuyển biến rõ nét
Hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho cựu Thanh niên xung phong đặc biệt khó khăn
Hội LHPN các cấp tham gia xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa
Phát động cuộc thi thiết kế logo “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam”
[Infographics] - Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online
Thành Lâm: Nơi đất, núi chuyển mình
Lễ Quốc khánh năm 2024: Công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 4 ngày
“Lực lượng tiên phong” của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Bài 2): Phát huy vai trò của cấp ủy