Thuyền độc mộc trên sông Mã gắn bó với đồng bào Thái
Người Thái là cư dân gắn bó với nước, giỏi trồng lúa, lấy nước từ sông suối qua hệ thống thủy lợi: mương, pai, lái, lịn tưới cho nương cao, ruộng thấp. Qua thực tiễn cuộc sống, người Thái từng đúc kết “khúc sông, vụng cá”. Nước là khởi nguồn của sự sống, có nước thì con người “không đói cơm đói gạo, không thiếu cá, canh rêu” và “có nước mới có ruộng/có mường mới có Tạo”.
Đua thuyền độc mộc trên sông Mã (Bá Thước).
Từ lâu đời, người Thái sinh sống trên miền đất phía Tây tỉnh Thanh Hóa tụ cư thành những mường lớn như: mường Ca Da (Quan Hóa), mường Khoòng (Bá Thước), mường Trịnh Vạn (Thường Xuân)... dọc theo đôi bờ sông Mã, sông Chu và những con suối lớn. Với địa hình núi non hiểm trở, nhiều sông lắm suối, để di chuyển, cùng với đôi chân trên bộ thì thuyền là phương tiện có nhiều ưu thế giúp họ dọc ngang trên sông suối. Chính tụ cư và sinh sống bên sông, suối đã đem lại cho họ nhiều thuận lợi hơn những vùng đất khác: “Người Mường Ca Da ăn cá ba sông/ Sông Mã chảy dưới chân thang/ Ra đi cưỡi thuyền bè thay ngựa/ Hái củi chẳng cần dao/ Từ non cao củi trôi sông đem đến...”.
Gắn bó với thiên nhiên, sống trong môi trường nước, “ra đi cưỡi thuyền bè thay ngựa”, từ lâu đời thuyền độc mộc đã trở nên gắn bó thân thiết với người Thái từ lúc bé tới khi từ giã cõi đời con thuyền đi cùng người mất.
Từ thời tối cổ, cùng với bè mảng, thuyền độc mộc là phương tiện xuất hiện rất sớm giúp con người đi lại trên sông suối, đầm hồ. Qua các di chỉ khai quật khảo cổ học ở nước ta thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thuyền độc mộc đã hiện hữu ít nhất cách nay khoảng 2.500 năm. Trên mặt trống đồng còn in dấu cùng với những chiếc thuyền lớn còn có thuyền độc mộc. Người Thái trên đất xứ Thanh xưa chắc đã tiếp thu được truyền thống chế tác thuyền độc mộc của tiền nhân và cho đến hôm nay đồng bào vẫn làm ra loại phương tiện này để đi lại trên sông suối, đánh cá, buông chài, vận chuyển hàng hóa, lương thực.
Để có được thuyền, trước tiên người ta phải tìm vật liệu và chế tác nó. Với những cánh rừng đại ngàn có nhiều loại gỗ quý, người ta thỏa sức chọn tìm loại gỗ tốt để tạo thuyền. Đối với người Thái loại gỗ dùng để làm thuyền phổ biến là gỗ dổi, chò, kiêng, xăng lẻ... những gỗ này vừa tốt, không ngấm nước, nhẹ, dễ nổi. Trước khi vào rừng, người chủ làm lễ cúng xin phép được vào rừng chặt gỗ. Khi chọn được cây gỗ vừa ý, họ làm lễ cúng thần rừng, thần cây cho phép được đẵn gỗ. Trước khi đốn cây, họ vạch vào thân cây đánh dấu, nếu cây đổ thì chọn phần nửa thân cây không tiếp giáp với đất để làm thuyền, sau đó chọn một đoạn ưng ý trong thân cây mới hạ, chặt rời một đoạn rồi đánh dấu phân biệt giữa gốc và ngọn cây bằng việc dùng rìu mổ một lỗ rộng phần ngọn cây và luồn dây rừng cho trâu kéo về bản. Nếu đốn cây gần sông suối thì chế tác thuyền ngay tại nơi đó. Người Thái dùng rìu để khoét lòng thuyền hoặc đốt lửa hun, sau đó dùng rìu đẽo gọt cho hoàn tất. Nếu làm thuyền độc mộc lớn, người chủ phải mời thêm một số người bà con, hoặc những người có kinh nghiệm giúp đỡ. Bài khặp Thái ở mường Ca Da, huyện Quan Hóa phản ánh việc tìm gỗ, làm thuyền: “Ta đi lên ngàn chặt cây/ Chặt cây gỗ dài, chặt cây gỗ to/ Gỗ kiêng, gỗ dổi, gỗ chò/ Súc kéo bằng bò, súc kéo bằng tay/ Bản Khằm, bản Khó về đây/ Khoét đục đêm ngày nên con thuyền xinh...”.
Thuyền làm xong, chọn ngày lành tháng tốt chủ thuyền làm một mâm lễ, gồm có: xôi đồ, vịt, cá nướng, rượu cần, trầu cau... và đặt các lễ vật lên thuyền cúng các vị thần sông, suối, thần bến nước... phù hộ cho thuyền và chủ nhân của nó gặp nhiều điều may mắn: “Thuyền độc mộc con thuyền thương/ giúp cho bản mường cơm trắng, cá to”, bình yên vượt qua ghềnh thác, sông sâu, vực xoáy: “Mặc cho ghềnh cả, thác to/ Thuyền vẫn lướt bờ, xô nước thuyền đi”.
Thuyền độc mộc từ bao đời nay gắn bó thân thiết với đồng bào Thái và không rõ giữa thuyền độc mộc và chiếc luống cái nào có trước, cái nào có sau? song giữa hai công cụ này đều có những nét tương đồng. Về chất liệu và kiểu dáng chiếc luống là hình dáng thu nhỏ của thuyền độc mộc. Công năng của luống trước tiên là chiếc cối dài vừa để vò lúa, giã gạo và sau đó trở thành nhạc cụ gõ khá phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng và thực hành nghi lễ không chỉ của người Thái mà còn được đồng bào các dân tộc ở miền núi tỉnh Thanh sử dụng. Nếu người đi thuyền độc mộc sử dụng mái chèo hay cây sào để điều khiển con thuyền lướt trên mặt nước thì người sử dụng luống dùng những chiếc chày gỗ vừa để giã gạo, vừa tạo nên những âm thanh độc đáo rất đặc trưng của núi rừng, phản ánh những cung bậc tình cảm và trạng thái tâm lý của mỗi cá nhân cũng như của cả bản mường.
Con thuyền độc mộc, chiếc luống gắn bó thủy chung đối với người Thái với tiếng luống khua rộn rã, tưởng như vỡ òa khi có một đứa trẻ - thành viên mới của cộng đồng chào đời; cũng chiếc luống này giã nên gạo thơm, cơm trắng nuôi lớn bé thơ cùng với dòng sữa ngọt lành của người mẹ núi; thuyền độc mộc - phương tiện hữu ích mà các chàng trai, cô gái Thái hay lam hay làm để “đi sông ăn cá, ra ruộng ăn cơm”; tiếng luống ngân vang mời gọi trong đêm trăng sáng, cho gái bản trên, trai mường dưới dắt díu nhau vào hội Kin chiêng boọc mạy, say điệu múa quanh cây hoa ngũ sắc, quả còn xanh đỏ và lời khặp thiết tha, trao duyên trao tình để cho những lứa đôi bén duyên nhau nên vợ nên chồng. Không những thế con thuyền độc mộc, chiếc luống còn theo họ khi phải từ giã cõi đời trở về với thế giới mường ma đối với người Thái theo tín ngưỡng địa táng, khác với đồng bào Thái theo tín ngưỡng hỏa táng.
Quan tài của người Thái là mô hình hai chiếc thuyền độc mộc úp lại. Quan tài được làm bằng thân cây khoét rỗng, gọi là “chùng” với loại gỗ không bị mối mọt như: trám, de, vang, dổi... Xa xưa, người Thái chuyên làm quan tài bằng loại gỗ mà tiếng Thái gọi là “cò bể”. Loại cây này dóng cao thẳng, có nhiều trong rừng, về sau gỗ này hiếm dần nên mới dùng các loại gỗ trên.
Quan tài hình thuyền dài khoảng 2,20m, đường kính 60 - 65cm, lòng rộng 40 - 50cm, chiều dài của lòng 1,80m. Tạo lòng bằng cách bổ đôi thân cây thành hai nửa, nửa trên mỏng hơn nửa dưới, rồi khoét rỗng hai nửa thành hình máng, giữa hai mép soi rãnh và tạo gờ để khi đậy nắp lại vừa khít. Sau khi đặt người quá cố vào quan tài kèm theo đồ tùy táng, nhất thiết phải có vỏ quả bầu khô đựng nước hoặc vò rượu, tiếp đó dùng củ nâu giã nhỏ hoặc lấy cơm nếp luyện cho nhuyễn trát kín kẽ hở của hai thớt. Những người tham gia làm quan tài trước đó phải ăn thịt chó, bởi người Thái quan niệm chó liếm sạch cây cầu bôi mỡ, giúp cho người chết qua cầu về mường ma không trượt ngã rơi xuống vực, xua đuổi ma quỷ và những người làm quan tài sẽ không bị “phi” bắt theo cùng với người nằm trong quan tài.
Với động táng Lũng Mi thuộc huyện Quan Hóa phát hiện chưa lâu trên một ngọn núi cao, dưới chân núi là dòng sông Mã. Động táng này có tới hàng trăm chiếc quan tài bằng thân cây khét rỗng chứa xương người và một số đồ tùy táng như gươm, mũi tên đồng, đồ gốm cổ. Điều đó chứng minh rằng từ lâu đời người Thái cũng như những tộc người thiểu số ở nơi đây đã có tục quàn người chết trong những chiếc quan tài hình thuyền.
Ngày nay kiểu mộ táng và quàn người chết trong thân cây khoét rỗng vẫn được đồng bào Thái ở các huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Quan Sơn, Bá Thước thực hiện. Thuyền độc mộc vẫn gắn bó với đồng bào Thái như những ngày nào, giúp họ đánh cá buông chài, lấy rêu trên sông Mã, sông Chu, sông Lò, sông Đặt... Thanh âm của tiếng luống khua vẫn ngân vang khắp bản gần mường xa, nhân lên niềm vui khi đứa trẻ chào đời, mừng cô dâu mới, vụ mùa tươi tốt và sẻ chia nỗi buồn khi có người khuất núi, rời xa cộng đồng.
Từ con thuyền độc mộc, chiếc luống tới quan tài hình thuyền của người Thái tỉnh Thanh bước đầu rút ra một số nhận xét:
Với địa bàn cư trú ở miền rừng núi, nhiều sông suối từ lâu đời người Thái đã gắn bó và am hiểu môi trường sông nước. Nước là nguồn gốc của sự sống, vì vậy từ sùng bái nước họ đã thiêng hóa nước. Trong các nghi lễ với các đối tượng liên quan tới nước: dòng sông, con suối, bến nước, vò rượu, quả bầu khô đựng nước, con thuyền... người Thái luôn thể hiện sự trân trọng và biết ơn sâu sắc. Sống trong môi trường nước, di chuyển trên sông suối bằng thuyền để có nguồn thực phẩm cá, tôm, rêu... dồi dào từ sông suối mang lại giúp con người duy trì cuộc sống, dần hình thành niềm tin, lòng ngưỡng mộ đối với con thuyền trong cộng đồng người Thái từ ngàn xưa tới nay.
Cư dân Đông Nam Á nói chung, người Thái nói riêng là những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vừa có tục thờ nước, vừa thờ mặt trời - thần ánh sáng tác động tới sự sinh trưởng của cây trồng, vì vậy họ luôn tin rằng linh hồn người chết sẽ được trở về thế giới của mường trời. Phương tiện đi lại của người Thái không gì thuận lợi hơn bằng thuyền, nên linh hồn cần có một con thuyền để về với thế giới bên kia, chính vì lẽ đó mà từ thời tối cổ đến tận hôm nay quan tài của người Thái vẫn là thân cây khoét rỗng hình chiếc thuyền độc mộc.
Thuyền độc mộc, chiếc luống, quan tài hình thuyền của người Thái nói chung và người Thái tỉnh Thanh nói riêng hàm chứa những quan niệm về cuộc sống và cái chết cùng triết lý sâu xa: con người biết ơn, tôn trọng và bảo vệ tự nhiên, sống hòa đồng với dòng suối, con sông, cánh rừng, ngọn núi... mà người xưa trao gửi qua thuyền độc mộc.
Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-21 21:28:00
Chương trình"Con đường lịch sử”: Hình ảnh đầy tự hào về người lính Bộ đội cụ Hồ
-
2024-09-22 14:50:00
Sự biết ơn, ngưỡng vọng vẫn vẹn nguyên, tràn đầy
[Podcast] Truyện ngắn: Lớn lên từ những mảnh vườn
Bản Bút bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng
[E-Magazine] – Trả chiều cho nỗi nhớ
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Tương lai xanh của các đảo du lịch sinh thái không khí thải
Dừng tổ chức một số nội dung tại Lễ hội Lam Kinh năm 2024
Nga Sơn thực hiện nếp sống văn minh tại các khu dân cư
[Podcast] - Tản văn: Lối ấy ta về
Eschuri Vung Bau Golf – sân golf đẳng cấp bậc nhất tại đảo Ngọc