Thủ tướng: Thần tốc xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu tình hình diễn biến nhanh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng luật pháp và tổ chức triển khai thực hiện luật pháp; phải luôn đổi mới, vượt ra khỏi tư duy bình thường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 18/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 thứ hai để xem xét, cho ý kiến vào 5 nội dung xây dựng pháp luật.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang bộ thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội khóa XV 63 tài liệu, báo cáo, trong đó có 37 luật, nghị quyết quy phạm.
Đây là số lượng văn bản lớn, quan trọng, có tác động sâu rộng tới toàn xã hội. Thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội XV không còn nhiều nhưng khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề, yêu cầu rất cao, tính chất rất phức tạp.
Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức họp, xem xét, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, hôm nay, Chính phủ tiếp tục tổ chức Phiên họp lần thứ 2 trong tháng 4/2025, để kịp thời cho ý kiến các dự án luật dự kiến trình thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Cùng với trình các luật, nghị quyết, Chính phủ và các bộ, ngành phải xây dựng các nghị định, thông tư để tổ chức thực hiện các luật.
Chia sẻ, tại Hội nghị thượng đỉnh P4G và các hội nghị, tiếp xúc khác, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phản ánh những vướng mắc về thể chế; doanh nghiệp phải đi quá nhiều cơ quan để giải quyết một vấn đề và việc đưa ra các quyết định, chính sách còn chậm, Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn, do đó phải dành thời gian, công sức để tháo gỡ, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; đặc biệt, trước diễn biến tình hình rất nhanh và gay gắt, giải quyết các vấn đề cũng phải nhanh, quyết đoán, vì chần chừ thì mất cơ hội.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 (phiên thứ 2). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng cho rằng hiện nay thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó khăn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, càng thấy việc Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả là hoàn toàn sáng suốt, đúng đắn, vì không có thị trường duy nhất, mà chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là duy nhất, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng luật pháp và tổ chức triển khai thực hiện luật pháp; phải luôn đổi mới, vượt ra khỏi tư duy bình thường; theo sát thực tiễn; có cách tiếp cận, phương pháp luận để xử lý một vấn đề thực tiễn đặt ra đảm bảo nhanh, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.
Theo Thủ tướng, những khó khăn hiện nay chưa lớn so với những khó khăn mà đất nước, dân tộc ta đã vượt qua trong suốt 80 năm vừa qua. Do đó, chúng ta phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định, sáng tạo; càng khó khăn lại càng bình tĩnh thì mới sáng tạo, linh hoạt, vượt qua; song cũng không được chủ quan, lơ là; phát huy tối đa những thuận lợi, những điểm đông, những lợi ích chung trong quan hệ quốc tế, đồng thời hạn chế tối đa những điểm bất đồng, tìm ra con đường thuận lợi nhất.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng pháp luật trên tinh thần thiết kế khung chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bao gồm những vấn đề thực tiễn vượt qua, những vấn đề thực tiễn phát sinh. Pháp luật phải được xây dựng, hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng chỉ rõ, những việc gì Trung ương biết, thì Trung ương làm; những việc gì Trung ương không biết thì Trung ương không làm; xóa bỏ tư duy không biết vẫn quản; Trung ương quản lý bằng chính sách, luật pháp, không quản lý những công việc trực tiếp mà phân cấp, phân quyền để phát huy tính sáng tạo, tính chủ động của các cấp, ngành.
Thực hiện tối đa cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; một việc chỉ giao cho một cơ quan, cơ quan nào làm tốt nhất thì giao, cấp nào làm tốt nhất thì giao; giao quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và kiểm soát quyền lực; những cái gì nhân dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì để cho nhân dân, doanh nghiệp làm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Chính phủ tăng cường trách nhiệm của các cấp, đi đôi với đó là về quyền hạn, nguồn lực, nếu mình không có ôm làm gì, làm sao chúng ta thực hiện đúng tinh thần quản lý nhà nước là thiết kế luật pháp, thiết kế cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực và giám sát, đi kiểm tra, tổng kết, khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm; xóa bỏ cơ chế xin - cho; thực hiện số hóa quản lý bằng công cụ chuyển đổi số để giảm tiếp xúc giữa con người với con người, giảm tiêu cực, giảm chi phí.
Các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa...” của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung trí tuệ, công sức cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào 5 nội dung xây dựng pháp luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-04-19 12:14:00
Khởi công dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2
-
2025-04-19 10:36:00
Thủ tướng dự Lễ công bố thí điểm nhận diện sinh trắc học tại Cảng Tân Sơn Nhất
-
2025-04-18 10:42:00
Định hướng sắp xếp, tổ chức chính quyền cấp tỉnh và cấp xã mới
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri TP Thanh Hóa
Người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh có thể được tăng cường làm lãnh đạo cấp xã
Cử tri Nông Cống kiến nghị với Đoàn ĐBQH nhiều vấn đề nổi cộm
Điểm nóng 18/4: Chưa đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2026
“Thi đua-khen thưởng phải truyền cảm hứng cho cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới”
Khai mạc Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 18/4/2025
Kế hoạch sắp xếp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp