(Baothanhhoa.vn) - Từ chính sách đến thực tiễn có một “khoảng cách” nhất định. Điều này một phần là do các văn bản hướng dẫn, hoặc không kịp thời, hoặc có sự chồng chéo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có một phần quan trọng là do người thực thi chính sách, hoặc hiểu “chưa tới”, hoặc áp dụng chưa đúng.

Thu hồi tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam: Sai nhưng khó sửa! (Bài 2): Bài học nhãn tiền

Từ chính sách đến thực tiễn có một “khoảng cách” nhất định. Điều này một phần là do các văn bản hướng dẫn, hoặc không kịp thời, hoặc có sự chồng chéo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có một phần quan trọng là do người thực thi chính sách, hoặc hiểu “chưa tới”, hoặc áp dụng chưa đúng.

Thu hồi tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam: Sai nhưng khó sửa! (Bài 2): Bài học nhãn tiềnCông ty CP Thuốc Hoàng Anh thăm, tặng quà cho gia đình các nạn nhân da cam trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Ảnh: Nhóm PV

Một phần do... cơ chế

Trở lại thời gian cuối những năm 90 của thế kỷ trước, để có cơ sở cho việc đề ra chủ trương và giải pháp, nhằm cơ bản khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với con người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg ngày 3/4/1998 về việc điều tra, xác nhận nạn nhân bị hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Cuộc điều tra được tiến hành trong 2 năm 1998-1999 trên phạm vi cả nước. Cũng từ đây, những người đã đóng góp máu xương vì nền độc lập dân tộc và con em của họ - những nạn nhân gián tiếp chịu thương tổn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần do CĐHH gây ra - đã được hỗ trợ một phần để trang trải cuộc sống. Sau đó, cuộc điều tra còn được tiến hành bổ sung vào các năm 2002 và 2004.

Để làm cơ sở cho việc triển khai chính sách hỗ trợ các nạn nhân, năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Các quyết định này đã quy định rõ đối tượng được hưởng chế độ và mức hỗ trợ đã có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.

Đặc biệt, ngày 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động, là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này đánh dấu bước phát triển mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người HĐKC bị hậu quả CĐHH. Trên cơ sở đó, ngày 26/5/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH, làm cơ sở triển khai thực hiện chính sách ưu đãi dành cho người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Đặc biệt, với việc chuyển các đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công là cơ sở để nâng mức trợ cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH.

Có thể nói, chính sách ưu đãi dành cho người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách quan trọng, nên luôn có sự điều chỉnh, bổ sung sao cho chính sách này bắt kịp yêu cầu thực tiễn. Song, việc ban hành chính sách và triển khai thực hiện vẫn có “độ vênh” nhất định.

Nói đến bất cập hay độ trễ của chính sách thì phải trở lại giai đoạn từ 2000-2006. Lúc này, các bộ, ngành liên quan chưa ban hành quy định về danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Trong khi, đây lại là một trong những cơ sở quan trọng để xác định đối tượng thụ hưởng chính sách (nhất là đối tượng gián tiếp). Mãi đến năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11, thế nhưng, phải đến tháng 2/2008, Bộ Y tế mới có Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH/dioxin.

Mà chưa hết, ngay cả khi đã có quy định thì việc áp dụng để triển khai trong thực tiễn cũng không dễ. Chẳng hạn, trong danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH (theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT), có quy định về “Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính”. Thế nhưng, người bị mắc bệnh này được yêu cầu phải có giấy xác nhận thời điểm trước ngày 30/4/1975. Đây là quy định gây rất nhiều khó khăn cho quân nhân, người HĐKC khi họ được yêu cầu làm chế độ nạn nhân nhiễm CĐHH phải có giấy tờ xác nhận bản thân có bệnh thần kinh cấp tính hoặc bán cấp tính trước ngày 30/4/1975. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định rất... tréo ngoe.

Cũng trong giai đoạn từ 2000-2006, dường như chính quyền cơ sở được trao một thẩm quyền có phần “hơi lớn” trong việc xác định đối tượng và các điều kiện, tiêu chí bệnh tật. Chẳng hạn, Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC, ngày 8/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bộ Tài chính, Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, quy định rõ: UBND cấp xã căn cứ điều kiện thực tế của đối tượng tại địa phương để xác nhận: (1) Người tham gia kháng chiến có thời gian hoạt động ở chiến trường thời kỳ tháng 8/1961 đến 30/4/1975. (2) Tình trạng bệnh tật và tình trạng sinh con bị dị dạng, dị tật hoặc vô sinh sau thời gian tham gia kháng chiến (đối với người tham gia kháng chiến), mức độ dị dạng, dị tật (đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến) trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của trưởng trạm y tế cấp xã. (3) Khả năng lao động (đối với người tham gia kháng chiến), khả năng tự lực trong sinh hoạt (đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến) trên cơ sở ý kiến của trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng việc trao quyền này cũng là một lý do khiến cho việc xét duyệt đối tượng, có lúc có nơi, trở nên khá dễ dàng? Bởi còn nhớ, cũng thời điểm giữa những năm 2000, đã diễn ra một sự kiện mà những người làm chính sách lúc bấy giờ hẳn không thể quên. Đó là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khởi kiện 37 công ty sản xuất hóa chất của Mỹ. Sự kiện “rúng động” này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của hàng triệu người và để ủng hộ hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhiều đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội (là con đẻ của người tham gia HĐKC, bị dị tật, dị dạng), đã được xét duyệt chuyển sang đối tượng người có công. Thậm chí, có những câu chuyện “ngoài luồng” rằng, để “đấu” với phía các công ty hóa chất của Mỹ, thì số đối tượng càng nhiều càng có lợi trong việc tiến hành vụ kiện. Vì vậy, mới có những trường hợp chỉ cần dị dạng, dị tật một ngón tay, 1 ngón chân, hoặc thừa 1 ngón tay, 1 ngón chân... là đã được liệt kê vào danh sách để được hưởng chính sách nạn nhân nhiễm CĐHH. Tất nhiên, việc “cứ dị tật, dị dạng là đưa vào danh sách”, mà chưa xét nhiều đến quy định về khả năng lao động của đối tượng, cũng có nguyên nhân của nó. Bởi xét thời điểm những năm 2000, nhiều đối tượng (gián tiếp) còn ít tuổi, thậm chí có đối tượng còn rất nhỏ, nên không thể xác định được khả năng lao động. Song, không thể phủ nhận có một phần do sự lỏng lẻo của chính sách.

Mười phần do... con người

Chế độ ưu đãi đối với người nhiễm CĐHH đã triển khai suốt hơn 20 năm và tưởng chừng mọi việc vẫn cứ “chạy êm”. Thế nhưng, việc Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh tra một “vệt”, đã “phơi ra ánh sáng” nhiều bất cập đã và đang tồn tại. Có một câu hỏi đặt ra là, với hơn nghìn đối tượng thụ hưởng sai, có người ngắn thì dăm bảy năm, người dài thì ngót 20 năm, vì sao không ai phát hiện ra cái sai? Hay có phát hiện đi chăng nữa nhưng vì tính nhân đạo, vì bảo đảm an sinh xã hội..., nên không ai lên tiếng? Vậy thì, phải chăng vấn đề ở đây một phần do cơ chế, nhưng mười phần là do con người?!

Thu hồi tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam: Sai nhưng khó sửa! (Bài 2): Bài học nhãn tiềnBan Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Không phủ nhận việc các bộ, ngành Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ suốt cả giai đoạn 2000-2008, đã khiến cho việc xác lập, xác nhận hồ sơ ở các cấp chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Thế nhưng, có những thời điểm mà việc chuyển từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công, được nhiều nơi làm một cách ồ ạt, vậy thì vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc “hậu kiểm” ở đâu?

Trao đổi với ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, được biết: Quá trình triển khai các chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng, trong đó có chính sách cho nạn nhân nhiễm CĐHH, đã diễn ra trong thời gian dài, với nhiều quy định có sự thay đổi theo từng thời kỳ và đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đặc biệt là quy định về danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật và phương pháp, cách thức xác định của cơ quan y tế đối với đối tượng mắc bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH, để làm căn cứ cho ngành LĐTB&XH giải quyết chế độ. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong cách thức triển khai chính sách tại các địa phương. Hơn nữa, việc tuyên truyền và thực hiện chính sách chưa được thống nhất, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khiến cho việc tuân thủ đúng quy định và triển khai đúng chính sách chưa được như mong đợi. Hơn nữa, do địa bàn rộng lớn và số lượng đối tượng lớn cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn thực thi chính sách, có lúc có nơi chưa được thường xuyên và kịp thời.

Theo Kết luận số 96/KL-TTr, ngày 6/5/2022 của Thanh tra Bộ LĐTB&XH, thì trong giai đoạn từ năm 2000 đến tháng 6/2005, tỉnh Thanh Hóa có 963/5.200 đối tượng buộc phải chấm dứt, thu hồi trợ cấp. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về trung tâm y tế cấp huyện hoặc bệnh viện đa khoa nơi đối tượng cư trú, trong việc xác nhận đối tượng bị mắc bệnh dị dạng, dị tật. Đồng thời, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm thuộc về UBND các xã, phường, thị trấn và Phòng LĐTB&XH - nơi quản lý đối tượng trên địa bàn, cũng như trực tiếp thẩm định tờ khai đối tượng thụ hưởng. Bởi, thực tế qua thanh tra, có tới 26/27 phòng LĐTB&XH cấp huyện; 187/559 UBND các xã, phường, thị trấn và 145 cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm cho những sai sót trong triển khai chính sách. Ngoài ra, việc Sở LĐTB&XH buông lỏng hay thiếu kiểm tra, rà soát, giám sát quá trình xác nhận đối tượng và xác lập hồ sơ tại cơ sở trong việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều đối tượng phải chấm dứt, thu hồi trợ cấp.

Đến giai đoạn từ tháng 7/2005 đến tháng 12/2018, Thanh Hóa có 320/8.225 đối tượng phải chấm dứt, thu hồi trợ cấp. Việc xác định trách nhiệm trước hết là do trạm y tế cấp xã, UBND xã, hội đồng xác nhận người có công cấp xã là đơn vị quản lý đối tượng trên địa bàn và trực tiếp thẩm định hồ sơ đối tượng. Cùng với đó, phòng LĐTB&XH cấp huyện, UBND cấp huyện và Sở LĐTB&XH chưa tập trung tuyên truyền, tập huấn chính sách, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là thiếu kiểm tra, rà soát, giám sát quá trình xác nhận đối tượng và xác lập hồ sơ tại cơ sở trong việc thực hiện chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH.

Giai đoạn từ tháng 8/2010 đến tháng 10/2018, trong quá trình chuyển đổi từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công theo Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH đã nhiều lần có văn bản đề nghị các địa phương đôn đốc hướng dẫn đối tượng bổ sung giấy tờ vùng miền. Đồng thời, trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu con đẻ của người HĐKC bị nhiễm CĐHH bổ sung giấy tờ xác định mức độ dị dạng, dị tật qua các giai đoạn. Tuy nhiên, một số địa phương và một số đối tượng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa bổ sung được hồ sơ theo yêu cầu. Đồng thời, không thể phủ nhận việc Sở LĐTB&XH chưa thực hiện dứt điểm việc rà soát, bổ sung hồ sơ chứng minh vùng miền của các đối tượng.

Có thể nói, sự thiếu nghiêm minh, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai chính sách của ngành chức năng và các địa phương, là một nguyên nhân dẫn đến chính sách nhân văn dành cho nạn nhân nhiễm CĐHH không được triển khai đến đúng đối tượng. Thậm chí, có câu hỏi đặt ra là có hay không việc lợi dụng những “lỗ hổng” trong chính sách này để trục lợi? Để rồi, việc kiểm điểm “dây chuyền” nhiều tập thể, cá nhân có liên quan là bài học nhãn tiền, cảnh tỉnh những người thực thi chính sách phải thật sự công tâm, khách quan, nghiêm túc và thượng tôn pháp luật.

Nhóm PV

Bài 3: Chuyện chưa hồi kết...

Tin liên quan:
  • Thu hồi tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam: Sai nhưng khó sửa! (Bài 2): Bài học nhãn tiền
    Thu hồi tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam: Sai nhưng khó sửa! (Bài 1): ...

    Chính sách đối với người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), được đánh giá là chính sách lớn và nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, vì là chính sách thể hiện sự tri ân đối với những người đã đóng góp xương máu cho nền độc lập dân tộc, do đó, cần được thực hiện một cách công bằng, đúng đối tượng, đúng chế độ và đặc biệt, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]