“Thời tôi sống” - chuyện không chỉ của 50 năm trước
“Mặt trận và những trận chiến đấu khốc liệt đã đón anh ngay từ những ngày đầu... Một cuộc sống thật nghiêm khắc, rèn giũa con người chẳng khác gì một cuộc lột xác”, đó là lời bộc bạch trong bức thư gửi người yêu của tác giả Trần Mai Hạnh. Và đó cũng là thực tế chiến tranh của “Thời tôi sống” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật).
Đây không phải là cuốn sách mới, tuy nhiên, trong những ngày tháng 4 này, khi không khí kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến gần, 16 câu chuyện ghi chép về chiến tranh, trong đó 12 tác phẩm viết ở chiến trường Quảng Đà năm 1968-1969, 4 tác phẩm viết trong giai đoạn 1970-1975 như nhắc nhớ chúng ta về những năm tháng lịch sử, nhiều máu và nước mắt.
Chiến tranh - hiện thực ác liệt và tàn khốc đến tột cùng
Viết không chỉ là trách nhiệm, viết còn là nhu cầu của chính nhà văn Trần Mai Hạnh. Bởi, ông đã chứng kiến những ngày chiến đấu ác liệt nhất, ở mặt trận Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng), chủ yếu là các xã thuộc huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Hòa Vang,... trong 2 năm 1968-1969.
Chính mặt trận này, ông đã được kết nạp Đảng. Tại đây, hai lần ông cùng với các chiến sĩ và đồng đội chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù. Gần 60 ngày đêm cận kề với cái chết, tận mắt chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh quả cảm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, ông đã thấu hiểu những cung bậc tàn khốc của chiến tranh và khát vọng chiến thắng, thống nhất đất nước chạy trong huyết quản mỗi người dân Việt.
Dưới ngòi bút của Trần Mai Hạnh, chiến tranh hiện lên ác liệt, tàn khốc, thách thức mọi giới hạn mà con người có thể chịu đựng. Chiến trường Quảng Đà đêm ngày bị bom đạn Mỹ cày xới, chất độc hóa học hủy diệt sự sống rải xuống khắp nơi. Đói rét, bệnh tật, thương vong, cái chết,... là chuyện thường ngày. Những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1969), giao thừa đầu tiên trên chiến trường miền Nam đáng nhớ với tác giả, khi “dưới hầm bí mật, im ắng, sống chết căng thẳng, tôi mất cả cảm nhận về ngày tháng...”, “ban ngày phải đội bèo lục bình trốn, dưới nước, chiều tối lính bảo an rút mới ngoi lên bám đường trở về”. Giữa “tứ bề chạm địch”, giữa không gian “muỗi nhiều như trấu, không dám đập mạnh phải vuốt tay giết từng con”, “có thuốc lá thèm nhỏ nước miếng mà không dám hút”, giữa xác đồng đội hy sinh, một “đêm giao thừa thắt nghẹn, kỳ lạ đến thế”. Nhà văn Trần Mai Hạnh đã đúc kết: Chiến tranh là thử thách tàn khốc nhất mà mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi con người phải gánh chịu.
Ranh giới của sự sống và cái chết mong manh như hơi thở. Hòa Châu - làng nhỏ nằm sâu trong lòng địch, chết chóc và đau thương như những đám mây đen tối chụp lấy cuộc sống của người dân. Ngày nào bọn lính cũng mang chó becgie, vác những que sắt dài đi xăm hầm, “xăm được chúng hò reo, la ré hơn là bắt được vàng”. “Gia đình nào có hầm, dù không chứa cán bộ, chúng cũng chặt đầu cả nhà. Xác người chúng mổ bụng, cột bè chuối trôi sông, tai người chúng xẻo, phơi khô rồi xuyên dây thép đeo lủng lẳng trước ngực...”.
Những hình ảnh man rợ ấy càng làm không khí chết chóc bao trùm và đen đặc hơn. Ban đêm cũng như ban ngày, “chật ních tiếng các loại tàu rà, trực thăng bay sát rạt ngọn cây, chật ních tiếng đạn pháo, tiếng bom bi” (Những mảnh trời xao xuyến). Cái nhịp điệu của chiến tranh như pháo dập, bom vùi, đạn réo, súng nổ, máu chảy, chết chóc,... căng ra như một sợi dây đàn, lặp đi, lặp lại, ám ảnh tâm trí người đọc.
Thông qua những cuộc đọ sức giữa cái chết và sự sống; giữa vũ khí hiện đại và tinh thần kiên cường, mưu trí; giữa tội ác hủy diệt và sức chịu đựng vô bờ bến,... tác giả Trần Mai Hạnh đã làm nổi bật sức mạnh vô song của những con người chiến đấu vì khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Những con người chân chất, mộc mạc, bình dị như anh Đấu trong truyện ngắn “Anh Đấu”, chị Nắng trong “Nắng Thu Bồn”, mẹ Tư trong “Như thể là tình yêu”, chị Sao trong “Sao Bắc Đẩu”, chị Hoa trong “Trời sáng trong mưa”, chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư trong “Côn Đảo một ngày tháng bảy”... Họ sinh ra không phải để làm anh hùng nhưng khi đối mặt với quân thù họ lại mang "sức mạnh Phù Đổng”.
Đặc biệt, những trang nhật ký được ghi tại chiến trường, những bức thư tình viết trong thời khắc đối mặt giữa cái sống và cái chết đã làm nên 2 tác phẩm đặc sắc. Đó là “Danh dự người lính” với nhật ký 21 ngày đêm chiến đấu bi tráng trong vòng vây dày đặc 7.000 quân Mỹ, Ngụy và chư hầu; chứng kiến 200 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn anh dũng hy sinh gần hết, chỉ có 8 người, trong đó có “tôi” được lệnh tìm đường thoát khỏi vòng vây báo cáo với cấp trên, xin quân số bổ sung để giữ lại phiên hiệu Tiểu đoàn 3 anh hùng. Là “Thần chết, thần khổ ải”, ghi chép về 40 ngày đêm của tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam biệt phái tại Quảng Đà với ròng rã đói khát, cực khổ, hiểm nguy, sống chết trong vòng vây rình rập, lùng sục gắt gao của kẻ thù.
Và sự hồi sinh
Chiến tranh có tàn khốc bao nhiêu cũng không thể vùi dập được khát vọng sống, khát vọng tự do của con người. Đọc “Thời tôi sống” chúng ta nhận ra rằng, tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng là ánh sáng xuyên suốt cuốn sách dày hơn 300 trang. "Nhiều vùng rộng lớn bị B52, chất độc hóa học và xe ủi biến thành vùng trắng. Không còn một cái nhà, một tấm tranh nào không bị đốt cháy. Tất cả mọi sinh hoạt ăn, ở, nấu nướng, hội họp, yêu nhau đều ở dưới hầm. Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường. Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu,... đâu đâu cũng ngời ngợi một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta...” (Dẫu giọt sương rơi...).
Sự tàn phá của chiến tranh cũng đã đụng sâu đến từng góc vườn, gốc cây trên đất Quảng Đà. Ngay trên hố bom, trong ánh ban mai lặng lẽ, nhà văn vẫn nhìn thấy một cái cây nhỏ nhắn và mảnh dẻ vươn lên như cây mai vàng.
Trong bom rơi đạn nổ, tình đồng chí, đồng đội, đồng bào; tình yêu nam nữ ấm áp đã tiếp thêm nghị lực để người lính vượt qua muôn vàn gian khó. Tình yêu giữa Đấu và Nhàn (Anh Đấu), Hà và Hải (Suối đầu mùa), Trung và Sao (Sao Bắc Đẩu), Lâm và Hoa (Trời sáng trong mưa), Châu và Tư (Côn Đảo một ngày tháng bảy),... làm người đọc xúc động mạnh mẽ. Mỗi tình yêu là một câu chuyện và họ đều có điểm chung đó là tình yêu của những người cùng chiến tuyến, cùng chung lý tưởng, mỗi người đặt tình yêu của riêng mình vào trong tình yêu rộng lớn với quê hương, đất nước.
Thậm chí, một thứ tình cảm vừa mới nhen nhóm với cô giao liên ở Hòa Châu đã khiến chàng lính bỗng thấy “trái tim nôn nao, xúc động”, cảm giác “như có phép màu kỳ diệu, bầu trời lúc trước còn đen đặc màu mực mà giờ đã hiện ra cả ngàn những ngôi sao đang đua nở". “Những ngôi sao long lanh, rưng rưng như những giọt nước mắt sướng vui. Trong bụi sáng của hằng hà tinh tú và trong không khí của trận đánh chắc thắng đang đến rất gần”.
Tất cả những thứ tình cảm ấy đã góp phần hồi sinh từng mảnh đất bị đạn xéo, bom rơi. Làng Hòa Châu năm xưa, cây lá tuy tán tròn sum suê chưa tỏa ra nhưng chồi xanh đã nhú và nhựa cũng đang chuyển trong từng thớ gỗ. “Những căn nhà mới được dựng ngay trên những nền nhà đổ nát bằng những vật liệu của chính quyền cách mạng mới cấp phát và bằng cả những rui kèo còn lại của những ngôi nhà đã “quá cố”.
Hay như mối tình của bà Nguyễn Thị Châu và ông Lê Hồng Tư - mối tình của hai chiến sĩ cộng sản với niềm tin mãnh liệt ở tương lai đã vượt qua sự xa cách đằng đẵng của cả thời gian và không gian; vượt qua những năm tháng giam cầm, tra tấn của kẻ thù; vượt qua sắt thép hiểm nguy và vượt qua cả cái chết để đến với nhau bằng mối tình trong sáng, thủy chung như một huyền thoại.
Để vượt qua nhiều đêm tối mịt mù, mùi khói súng, tiếng kêu của đồng đội,... phụ thuộc rất lớn ở tư duy, suy nghĩ: “Tuổi trẻ chúng ta không bao giờ được quyền nghĩ đến cái chết, mà chỉ được quyền nghĩ đến sự sống”. Chết thì quá dễ, nhưng phải nghĩ đến sự sống, đến ánh sáng của tự do, niềm tin tới ngày hòa bình.
Kể lại một chặng đường mình đã đi qua, nếm trải mọi đau đớn cũng như niềm hạnh phúc rất riêng, đối với nhà văn Trần Mai Hạnh, chiến tranh là những kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời. Còn với độc giả, “Thời tôi sống” không còn là câu chuyện của riêng tác giả Trần Mai Hạnh, đó là quá khứ của dân tộc, là sự kiên cường và máu xương của một thế hệ. Chiến tranh chống Mỹ đã qua 50 năm, vết thương chưa biết khi nào lành da, nhưng chắc chắn thế hệ hôm nay phải trân quý ngày hôm qua, phải tự hào vì mình được sinh ra trên mảnh đất kiên cường và anh dũng.
Chi Anh
{name} - {time}
-
2025-04-21 15:13:00
Huyền thoại Hàm Rồng
-
2025-04-21 11:17:00
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 2): Những mối tình nơi tuyến lửa
-
2025-03-22 10:08:00
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 3): Để du lịch lễ hội “đẻ trứng vàng”
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 2): Gạn đục, khơi trong
Tháng Thanh niên 2025 - tháng của nhiệt huyết, tình nguyện
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình: “Giá trị quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc mà là những bài học kinh nghiệm, nhận diện dư địa cải cách”
Triệu Sơn - “đất lành” cho các dự án đầu tư phát triển
Dấu ấn Bà Triệu trên dãy Ngàn Nưa
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 1): Miền “cộng cảm” xứ Thanh
Những vỉa tầng lịch sử - văn hóa núi Trường Lệ
Trao gửi ánh sáng cho đời, cho người...
Theo dấu chân của cha...