(Baothanhhoa.vn) - Ngày 18-11-1996, huyện Mường Lát chính thức được thành lập (theo Nghị định 72-NĐ/CP của Chính phủ) trên cơ sở chia tách huyện Quan Hóa (cũ) thành 3 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đến nay, huyện Mường Lát gồm có 7 xã và 1 thị trấn với 88 thôn, bản, khu phố; trong 7 xã có 31 bản có đường biên giới chung với nước CHDCND Lào; diện tích tự nhiên của huyện là 81,3km2, dân số 40.204 người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Mường Lát vững tin bước vào nhiệm kỳ mới

Huyện Mường Lát vững tin bước vào nhiệm kỳ mới

Đồng chí Lương Minh Thông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Lát thăm khu rừng trồng xoan tại bản Lát, xã Tam Chung. Ảnh: Lê Công Nam

Ngày 18-11-1996, huyện Mường Lát chính thức được thành lập (theo Nghị định 72-NĐ/CP của Chính phủ) trên cơ sở chia tách huyện Quan Hóa (cũ) thành 3 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đến nay, huyện Mường Lát gồm có 7 xã và 1 thị trấn với 88 thôn, bản, khu phố; trong 7 xã có 31 bản có đường biên giới chung với nước CHDCND Lào; diện tích tự nhiên của huyện là 81,3km2, dân số 40.204 người.

Qua các giai đoạn lịch sử, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã đồng lòng, chung sức đấu tranh chống thiên tai, địch họa, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, ngày đêm cần mẫn khơi mương, đắp đập, mở rộng không gian sinh tồn, từng bước vun đắp và hình thành một Mường Lát tươi đẹp và yêu dấu như hôm nay. Truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang cùng những giá trị văn hóa đặc sắc được kết tinh trên đất Mường Lát đã trở thành nền tảng, là tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới, phát triển quê hương.

Sau nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020), Mường Lát đã đạt được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển tương đối toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 8,6%, tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 885,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 20,7 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 ước đạt 174,5 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt 13.924 tấn. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm đạt 15%. Huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2015-2020 ước đạt 1.750 tỷ đồng. Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đến năm 2020 đạt 32%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 18,3%. Dịch vụ - thương mại phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, giá trị sản xuất ước đạt 380 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hàng năm đạt 10,5 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên - môi trường, nhất là quản lý đất đai. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt được kết quả ban đầu. Số tiêu chí nông thôn mới đạt yêu cầu ngày càng tăng, bình quân đạt 6,25 tiêu chí/xã; huyện đã công nhận 8/88 bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Về văn hóa - xã hội, thể dục - thể thao có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có bước phát triển. Chất lượng giáo dục được nâng lên, cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư. Đến nay, toàn huyện có 33 cơ sở giáo dục công lập, trong đó có 31 cơ sở từ mầm non đến bậc THCS, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường THPT. Hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đầu tư, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 71,4% năm 2015, xuống còn 43,32% năm 2019. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên. Công tác chính trị tư tưởng tiếp tục có sự đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được đổi mới, nhất là luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả rõ rệt. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nghiêm minh, kịp thời, bảo đảm quy định. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thường xuyên được quan tâm. Công tác dân vận có nhiều đổi mới, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò, trách nhiệm của HĐND trong việc hoạch định, quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện ngày càng rõ nét. MTTQ và các đoàn thể Nhân dân từng bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy...

Chặng đường phía trước đang mở ra cho Mường Lát nhiều thời cơ, thuận lợi. Những năm tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, miền núi cao, tác động tích cực đến quá trình phát triển của huyện; ở trong tỉnh, các chương trình, dự án lớn hoàn thành và đi vào hoạt động, đặc biệt là Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ tác động lan tỏa tích cực đến quá trình phát triển của huyện. Trình độ, năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được phát huy; truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân trong huyện tiếp tục được củng cố; cùng với lợi thế từ tuyến đường Quốc lộ 15C, có Cửa khẩu Quốc gia Tén Tằn sẽ tạo đà để huyện Mường Lát phát triển nhanh, bền vững hơn.

Trên chặng đường mới, nhiệm kỳ 2020-2025, toàn huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, tiềm năng, thế mạnh của huyện, huy động và sử dụng các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; củng cố quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 có 1 hoặc 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đến năm 2030 ra khỏi huyện nghèo. Với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, toàn huyện quyết tâm thực hiện 27 chỉ tiêu chủ yếu; 3 chương trình trọng tâm là: Quy hoạch lại vùng sản xuất, để phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; phát triển một số cây trồng chủ lực gỗ lớn như lát, trẩu, thông... và các loại cây ăn quả như đào, mận, chuối; rau, củ, quả, các cây dược liệu, gắn với phát triển chăn nuôi. Huy động nguồn lực tổng hợp để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo môi trường ổn định lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, thực hiện tốt 2 khâu đột phá là: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong chỉ đạo tuyên truyền làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và công tác đánh giá cán bộ, công chức hàng năm. Tập trung quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng; sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng như giao thông, thủy lợi, cấp nước sạch và các khu tái định cư gắn với xây dựng các bản nông thôn mới.

Để đạt được các mục tiêu trên, huyện đề ra các giải pháp về kinh tế - xã hội là: Huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ. Đẩy mạnh hoạt động tài chính - ngân hàng, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Đảm bảo quốc phòng - an ninh - công tác đối ngoại và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

Bước sang nhiệm kỳ mới, vững tin với truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nhất trí và những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của những năm qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thử thách; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI đề ra; tạo bước phát triển vững chắc hơn, sớm đưa Mường Lát từng bước thoát nghèo bền vững.

Lương Minh Thông

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Lát


Lương Minh Thông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]