(Baothanhhoa.vn) - Chỉ trong tháng 7/2024, nhiều đợt mưa lớn đã diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng, làm sạt lở đất, đá ở nhiều địa bàn, không chỉ làm cản trở giao thông, đình trệ sản xuất, xáo trộn đời sống, còn cướp đi tính mạng của nhiều người.

Thiên tai vô tình, mọi sự chủ quan đều phải trả giá đắt

Chỉ trong tháng 7/2024, nhiều đợt mưa lớn đã diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng, làm sạt lở đất, đá ở nhiều địa bàn, không chỉ làm cản trở giao thông, đình trệ sản xuất, xáo trộn đời sống, còn cướp đi tính mạng của nhiều người.

Thiên tai vô tình, mọi sự chủ quan đều phải trả giá đắt

Tại Thanh Hóa, đợt mưa do hoàn lưu bão số 2 vừa rồi cũng gây sạt lở, vùi lấp nhiều vị trí làm thiệt hại lớn tài sản, hoa màu của người dân trên địa bàn huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và một số địa phương miền núi khác.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm, với khoảng 11 đến 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5 đến 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung từ tháng 9 đến 11.

Có một điều rất đáng lo lắng đó là đến nay không ít người, thậm chí có cả một số cơ quan thường lơ là trước cảnh báo thiên tai từ cơ quan chức năng; xem nhẹ công tác chủ động phòng, chống thiên tai. Việc phòng, chống thiên tai ở nhiều nơi và với không ít người được thực hiện dựa vào kinh nghiệm hơn là sự khuyến cáo, cảnh báo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Một số người còn cho rằng cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thường thông tin quá mức, làm lớn sự việc để người dân phải lo lắng mà làm theo khuyến cáo.

Thực tế là công tác dự báo thiên tai không phải lúc nào cũng đúng 100% cả. Việc xê dịch biên độ trong dự báo mưa, bão cũng là điều dễ thấy với nhiều cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới, chứ không riêng với Việt Nam.

Công tác dự báo thiên tai là nhằm cung cấp thông tin để người dân và cơ quan chức năng đưa ra định hướng, có sự chuẩn bị nhằm chủ động ứng phó, làm giảm nhẹ thiệt hại. Nếu như thiên tai không như mức độ dự báo, thì đó là điều rất mừng, không vì thế mà mất niềm tin, bài xích cơ quan dự báo. Chỉ một sự lơ là, chủ quan là chúng ta đều phải trả giá đắt và thực tế trong quá khứ đã từng diễn ra điều đó.

Trước tình hình thời tiết dự báo diễn biến phức tạp, bất thường hiện nay, đòi hỏi các ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai. Các sở, ban, ngành, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phải đề cao cảnh giác, chủ động trong mọi tình huống, nhất là theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, để cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân; đồng thời có các biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu, hợp tác, hỗ trợ. Tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao cần thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân, không vì bất cứ lý do gì.

Thiên tai vô tình và tàn khốc sẽ không chừa ai hay tránh né nơi nào cả. Nhất là thiên tai gần đây diễn biến rất phức tạp, phá bỏ mọi quy luật. Vì thế, bên cạnh công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai của cơ quan chức năng, thì sự góp sức trách nhiệm của toàn thể Nhân dân là rất quan trọng. Mỗi người dân phải nhận thức được rằng sự chủ động tham gia của mình có thể là nhỏ bé, nhưng sẽ góp phần tạo nên một “pháo đài”, sức mạnh lớn ngăn lại sự tàn phá của thiên tai. Nhất là các hộ dân nơi có nguy cơ cao, rất cao về sạt lở đất cần tạm di dời đến nơi an toàn khi có mưa lớn, không vì tham của, tiếc công mà cố tình ở lại.

Chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chỉ ra những tồn tại đó là nhận thức của người dân và một số cán bộ còn hạn chế, lơ là trước thiên tai; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kể cả trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng làm tốt... Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải hành động sớm, chủ động trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chúng ta phải nhận thức được rằng, đó là mệnh lệnh hành động. Mọi sự bất tuân đều là đi ngược lại lợi ích quốc gia và chắc chắn sẽ phải trả giá đắt.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]