Thi hành án dân sự - góp phần thượng tôn tính nghiêm minh của pháp luật
Thi hành án dân sự (THADS) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, đảm bảo các bản án, quyết định của tòa án được thực thi trên thực tế. Đây là yếu tố không thể thiếu để khẳng định tính nghiêm minh, công bằng và hiệu lực của pháp luật. Song, trên thực tế vẫn còn những vụ án thi hành phức tạp, kéo dài, không chỉ gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật mà còn tiêu tốn nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên.
Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở dân lập Thanh Hoa “chết yểu” trên khu đất vàng của TP Thanh Hóa suốt bao năm qua.
Bảo vệ quyền lợi của bên được thi hành án
Khi nghe thông tin về việc sắp tới các lực lượng chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở dân lập Thanh Hoa, có địa chỉ tại Khu đô thị mới, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa nhiều người dân rất vui mừng vì sắp giải phóng được một dự án “chết yểu” trên khu đất vàng của TP Thanh Hóa suốt bao năm qua.
Chị Nguyễn Phương Anh, ở phường Đông Hương bày tỏ “Khi dự án này được khởi công xây dựng, người dân kỳ vọng rất nhiều về những đóng góp tích cực mà dự án mang lại không chỉ về giáo dục mà còn về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song, dự án không hoàn thành đã để lại nhiều hệ lụy trong quy hoạch và phát triển của thành phố. Vì vậy, các ngành chức năng nên vào cuộc giải quyết dứt điểm những dự án không hoàn thành đúng tiến độ để xây dựng đô thị ngày một văn minh, hiện đại”.
Được biết, tháng 5/2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định giao 40.387m2 đất (hơn 4ha) cho Công ty TNHH Tây Đô để triển khai Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở dân lập Thanh Hoa. Đây là dự án trường học tư thục có quy mô quốc tế đầu tiên ở Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Để triển khai dự án, Công ty TNHH Tây Đô đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa vay 144 tỷ đồng, vốn đối ứng của công ty là 62,6 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2010. Thế nhưng, sau khi giải ngân được trên 77 tỷ đồng (tháng 2/2010) thì Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa ngừng giải ngân vì cho rằng phía Công ty TNHH Tây Đô không thực hiện đúng với nội dung trong hợp đồng vay vốn tín dụng giữa hai bên.
Việc ngân hàng dừng giải ngân vốn khiến Công ty TNHH Tây Đô gặp khó khăn về tài chính, buộc phải dừng dự án dù đã tiến hành gần 70%. Đến tháng 10/2012, Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa phát đơn khởi kiện Công ty TNHH Tây Đô ra tòa. Theo Bản án số 06 năm 2013 của TAND tỉnh Thanh Hóa, buộc Công ty TNHH Tây Đô phải trả nợ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa số tiền hơn 109 tỷ đồng.
Theo đó, Cục THADS tỉnh tổ chức thi hành Bản án số 06/2013/DSPT, ngày 29/10/2013, Quyết định số 01/2017/QĐ-PS, ngày 25/4/2017 của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa; Quyết định thi hành án số 01/QĐ-CTHADS, ngày 22/10/2018 của Cục trưởng Cục THADS đối với Công ty TNHH Tây Đô. Khoản phải thi hành là trả nợ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa với số tiền hơn 109 tỷ đồng, cộng với tiền lãi chậm THA và án phí dân sự sơ thẩm là hơn 175 triệu đồng; nhưng do Công ty TNHH Tây Đô không tự nguyện THA nên ngày 2/4/2019 chấp hành viên đã tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở dân lập Thanh Hoa được xây dựng trên diện tích 40.387m2 đất của Công ty TNHH Tây Đô theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 889736 do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 20/4/2005 theo Bản đồ số 37, 43, tờ bản đồ địa chính tại Khu đô thị mới phường Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Sau khi kê biên, thẩm định giá tài sản, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa thực hiện bán đấu giá theo hình thức trực tuyến, qua 15 lần giảm giá và 19 lần bán đấu giá, đến ngày 7/3/2024, tài sản đã đấu giá thành, người trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư TMD tổng hợp Phúc Thịnh, có địa chỉ tại TP Hà Nội.
Để bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, Cục THADS tỉnh đã ban hành kế hoạch cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá. Và, dự kiến ngày 16/12/2024, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá.
... và tính nghiêm minh của pháp luật
Theo đồng chí Lê Viết Tám, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA, Cục THADS tỉnh, việc tiến hành cưỡng chế đối với Công ty TNHH Tây Đô để giao tài sản cho người trúng đấu giá sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, mà còn giúp nâng cao hiệu quả, minh bạch và công bằng trong hệ thống pháp lý và môi trường kinh doanh.
Và, đây là một trong những vụ việc mà cơ quan THA xác định trọng điểm để thực hiện trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Tính riêng năm 2024, số lượng các vụ việc THADS trọng điểm trên địa bàn tỉnh là 45 việc, tương ứng với số tiền hơn 292 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan THADS trong tỉnh mới thi hành xong được gần 90 tỷ đồng, số còn phải thi hành hơn 202 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng chưa được giải quyết, đó là nhiều vụ việc các cơ quan THADS trong tỉnh đã kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người tham gia đấu giá và người được THA cũng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA mà phải hạ giá nhiều lần; các vụ việc có vướng mắc về tài sản không thể kê biên, xử lý mà phải thực hiện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để làm rõ một số vấn đề về tài sản như xây chồng lấn, xây trái phép, diện tích đất thực tế khác biệt so với diện tích được cấp GCNQSD đất... mà phải làm rõ và giải quyết các hậu quả vướng mắc này thì mới tiến hành kê biên, xử lý tài sản dẫn đến vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Mặt khác, trên cơ sở xác minh điều kiện THA có rất nhiều các vụ việc phải THA có giá trị nhỏ (tiền án phí, tiền phạt từ 5 triệu đến 20 triệu đồng), trong đó người phải thi hành lại có nhà đất có giá gấp nhiều lần và các vật dụng, tài sản khác tương ứng lại không có hoặc có nhưng giá trị rất thấp hoặc không có giá trị. Do đó, chấp hành viên phải dùng biện pháp vận động đương sự hoặc người thân nộp dần dẫn đến kéo dài vụ việc phải THA.
“Từ những vụ việc cụ thể trên, cho thấy án tồn đọng trong THADS không chỉ gây thiệt hại cho các bên liên quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả và uy tín của hệ thống pháp luật. Để khắc phục tình trạng này, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và sự tham gia của toàn xã hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan THA, tăng cường phối hợp liên ngành giữa tòa án, viện kiểm sát và chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội; áp dụng nghiêm các biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình không hợp tác hoặc tẩu tán tài sản; nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm của đương sự... Với các giải pháp nêu trên, hệ thống THA không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn củng cố niềm tin của người dân vào tính nghiêm minh của pháp luật" - Đồng chí Lê Viết Tám, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA, Cục THADS tỉnh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2024-12-11 16:51:00
Nhân Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029: Khẳng định vị thế trong hoạt động nghề nghiệp, góp phần bảo vệ công lý
-
2024-12-11 16:04:00
Cải cách và hiện đại hóa quản lý nhà nước trong cắt giảm thủ tục hành chính
-
2024-12-11 07:41:00
Thủ tướng đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội
Làng hoa lớn nhất xứ Thanh tất bật vào vụ Tết
Được học lý thuyết thi giấy phép lái xe từ xa, tự học có hướng dẫn
Bỏ đại học, xây ước mơ từ nông nghiệp xanh của Gen Z
Mùa cam buồn trên núi
Những vườn mẫu điển hình ven đô
Nâng cao “sức đề kháng” cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đẩy mạnh phát triển, mở rộng đối tượng tham gia và diện bao phủ BHYT
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ
Gần 300 học sinh được phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường