“Tết trồng cây” - Nhân lên nét đẹp đầu xuân
Vào dịp tết đến xuân về, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh lại nô nức ra quân trồng cây đầu xuân. Qua đó, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước ra quân trồng cây đầu xuân. Ảnh: Khắc Công
Những năm qua, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Như Xuân luôn thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; việc trồng cây gây rừng trên địa bàn huyện đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Rừng được phục hồi phát triển, môi trường sinh thái được cải thiện, nguồn sinh thủy được đảm bảo, tỷ lệ che phủ rừng được giữ vững, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện đã trồng được 1 triệu cây phân tán, diện tích rừng trồng mới, trồng lại sau khai thác đạt 6.400ha (chủ yếu là rừng sản xuất), nâng tổng số diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện đạt trên 24.045ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%. Năm 2025, huyện Như Xuân phấn đấu trồng 125.000 cây xanh phân tán; trồng mới, trồng lại rừng sau khai thác 1.600ha. Đến nay, sau gần 20 ngày ra quân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025, toàn huyện đã trồng được 125.000 cây phân tán, trồng lại rừng sau khai thác 335ha.
Trưởng Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đình Thái, cho biết: Những năm qua, Thanh Hóa luôn xác định việc trồng cây xanh là một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bình quân hàng năm, tỉnh trồng mới trên 10.000ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán. Đến nay, toàn tỉnh có 647.000ha rừng, với độ che phủ đạt 53,75%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước 11,73%. Đây là kết quả của những chính sách đúng đắn và sự chung tay của chính quyền cùng người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 10.000ha rừng tập trung và 6,195 triệu cây phân tán. Trong đó, chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng và các loại cây lâm nghiệp chủ lực, có lợi thế của từng địa phương để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, rừng cấp chứng chỉ quốc tế FSC, gắn với chế biến và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị cho ngành lâm nghiệp.
Để hoàn thành kế hoạch trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục mục đích, ý nghĩa của phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025, gắn với phong trào trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Đồng thời giao kế hoạch đến các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cơ sở nhằm chủ động công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để ngay từ đầu năm thời tiết thuận lợi tổ chức ra quân trồng cây, trồng rừng đầu xuân. Theo đó, vùng trung du và miền núi trồng các cây đa tác dụng (phòng hộ, cảnh quan, cung cấp gỗ, lâm sản...) như: Keo, tếch, xoan ta, sao đen, lát hoa, xà cừ, giổi, sấu, lim xanh, giáng hương... Vùng đồng bằng trồng các loài cây bóng mát kết hợp lấy gỗ, cây ăn quả, cây làm cảnh, như: Xoài, nhãn, keo, xoan ta, xà cừ, sao đen, lát hoa... Vùng ven biển ưu tiên trồng các loài cây chắn cát, chắn gió, như: Phi lao, bàng, dừa, bần... tạo thành các dải rừng, dải cây chắn gió, chắn cát bay, bảo vệ môi trường sinh thái. Các khu đô thị, khu công nghiệp, đường phố, đường giao thông, công sở trồng cây thường xanh tán đẹp tạo bóng mát, cảnh quan như: Bằng lăng, hoa ban, long não, phượng vĩ, ngọc lan... Các khu di tích lịch sử, đền, chùa trồng các loài cây đa, bồ đề, ngọc lan, si, xanh, lộc vừng... Để đảm bảo nguồn giống cây trồng đảm bảo chất lượng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm bảo đảm đủ cây giống lâm nghiệp chất lượng phục vụ trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng mới; chỉ đạo hoàn thành tốt công tác thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị hiện trường, cây giống; khuyến khích người dân sử dụng cây giống chất lượng cao, đặc biệt là giống có nguồn gốc nuôi cây mô; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng rừng thâm canh. Qua đó, tạo thành phong trào: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, toàn dân trồng cây, trồng rừng” gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái...
Từ ngày 3/2 (tức ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ 2025), các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt ra quân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 và trồng rừng trên địa bàn toàn tỉnh, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Do có nhiều giải pháp tích cực, nên tính đến ngày 15/2 toàn tỉnh đã trồng mới được 2,9 triệu cây phân tán và 1.000ha rừng tập trung.
Khắc Công
{name} - {time}
-
2025-02-20 17:09:00
Điều kiện song hành
-
2025-02-20 15:52:00
Công bố danh sách 19 đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
-
2025-02-18 13:47:00
Nhiều người dân Hà Nội xếp hàng dài chờ đổi bằng lái xe
Điều kiện về thu nhập để được hưởng chính sách mua, thuê mua nhà ở xã hội
Bộ Công an thông tin về quá trình chuẩn bị cho sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Hiểu đúng về chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỉ lệ lương hưu khi sắp xếp lại bộ máy
Từ hôm nay (17/2), giảm giá vé tàu cho khách đi tuyến Bắc - Nam
Nỗ lực phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT
Thọ Xuân: Kỷ niệm 294 năm ngày mất Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông
Đảm bảo cho chặng đường dài
Ứng phó với tiết trời nồm ẩm thế nào?
Đừng phát sốt vì lo bị sốt!