(Baothanhhoa.vn) - Hôm qua, nghe mẹ gọi điện: “Tết này các con được nghỉ mấy ngày? Nhớ cho các cháu về quê ăn tết, con nhé”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho đứa con xa quê như mình rưng rưng một cảm xúc khó tả. “Từ lúc ấy, lòng tôi không khỏi rộn ràng mỗi khi nghĩ đến ngày được về quê đón tết” - chị Nguyễn Thị Sơn, ở huyện Chư pưh (Gia Lai), xa quê đã gần 20 năm tâm sự. Bao nhiêu năm xa quê, là chừng ấy năm, gia đình chị cố gắng dành dụm để năm nào cũng đưa con cái về quê ăn tết bên ông bà nội, ngoại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết quê đâu dễ không về!

Hôm qua, nghe mẹ gọi điện: “Tết này các con được nghỉ mấy ngày? Nhớ cho các cháu về quê ăn tết, con nhé”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho đứa con xa quê như mình rưng rưng một cảm xúc khó tả. “Từ lúc ấy, lòng tôi không khỏi rộn ràng mỗi khi nghĩ đến ngày được về quê đón tết” - chị Nguyễn Thị Sơn, ở huyện Chư pưh (Gia Lai), xa quê đã gần 20 năm tâm sự. Bao nhiêu năm xa quê, là chừng ấy năm, gia đình chị cố gắng dành dụm để năm nào cũng đưa con cái về quê ăn tết bên ông bà nội, ngoại.

Tết quê đâu dễ không về!

Bánh chưng - hương vị không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền.

Chị Sơn chia sẻ: Tôi làm công nhân công ty may mặc, quanh năm đầu tắt mặt tối, hàng xóm cũng chủ yếu người ngoài Bắc vào, tết nào xóm tôi cũng vắng vì các gia đình về quê ăn tết hết. Cứ đầu tháng chạp là chúng tôi bắt đầu sửa soạn để về quê. Làm ăn ở đây có năm được, năm mất nhưng từ đầu năm tôi đã có kế hoạch dành dụm một khoản tiền để làm lộ phí rồi, bởi với người xa quê như chúng tôi, được sum vầy bên người thân là điều vô cùng quý giá, nhất là khi còn cha mẹ.

Tết quê luôn là ký ức đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất đối với người xa xứ. Vậy nhưng, không phải ai cũng có cơ hội được trở về quây quần bên gia đình đúng vào dịp tết. Chính vì vậy, tết lại càng da diết hơn trong nỗi nhớ mong của họ. Nhất là trong khoảnh khắc giao thừa, nỗi nhớ mẹ cha và quê hương xứ sở cứ cồn lên. Định cư ở Becling (Đức) đã 18 năm, chưa một lần nào gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh có cơ hội trở về quê nhà đúng dịp tết. Chị Hạnh cho biết: Dù không được về đón tết cùng gia đình và anh em họ hàng nhưng ở bên này, vợ chồng tôi cũng sửa soạn đầy đủ lễ vật để đón tết. Chồng tôi đi chợ mua về cành đào, cành mai, còn tôi mua các loại thực phẩm để chế biến những món ăn truyền thống của quê hương. Áp tết, gia đình tôi lại quây quần ngồi gói bánh chưng, ít thôi nhưng ấm áp vô cùng. Dẫu vậy, nỗi nhớ tết quê, nỗi nhớ gia đình, nhớ phút giao thừa sum vầy bên nhau vẫn không thể nào khỏa lấp được. 18 năm rồi, về quê ăn tết luôn là niềm mong ước của tôi.

Khi ngày tháng bắt đầu được tính bằng lịch âm và tháng 12 được gọi tên là tháng chạp, ấy cũng là lúc trong lòng người lại dậy lên những ký ức, những mong nhớ, đợi chờ tết đến. Những đứa con phương xa, những ông bố, bà mẹ quê lại lục tục sửa soạn để trở về, để đón nhận hoặc cũng chỉ để vơi đi nỗi nhớ quê nhà trong cách trở núi sông, biển cả... Tết Nguyên đán là dịp để sum họp, thực hiện những lễ nghi truyền thống. Nhiều người còn coi tết là dịp để xóa bỏ những vận hạn, xui xẻo, đón chào năm mới hanh thông, may mắn.

Tháng chạp, kéo cái lạnh se se về giữa nhân gian. Khí trời ấy mới thật hợp cho những sửa soạn làm ấm áp lòng nhau. Ở khắp các miền quê, các bà mẹ đã chuẩn bị đàn gà, vườn rau, đã kịp hẹn với hàng xóm chung nhau giết lợn, mổ bò để nấu những món ăn truyền thống đón con cháu về ăn tết. Bà Nguyễn Thị Hợp, xã Thọ Hải (Thọ Xuân), cho biết: “Nhà tôi có 3 đứa con đi làm ăn xa, tết này là tết hiếm hoi các con cháu của tôi cùng sum họp. Chính vì thế, tôi đã có kế hoạch đón tết với gà nuôi, rau trồng... đủ cả. Có con cháu về cùng quây quần thì tết mới thật là tết”.

Không chỉ mong ước trở về để được quây quần, sum họp bên gia đình, nhiều người con đi xa còn mong ngóng trở về để được tham gia các sinh hoạt cộng đồng, ngắm nhìn quê hương đổi mới và góp chút công sức của mình xây dựng quê hương. Và, cũng không chỉ có người thân mới sửa soạn để đón con cái, cháu chắt, họ hàng mình, hàng năm, UBND tỉnh, chính quyền các cấp đều tổ chức gặp mặt kiều bào, con em xa quê đầy thân mật và trân trọng. Những cuộc gặp đầy thân tình ấy nhân lên niềm tin, sự hứng khởi và cả những tâm huyết, những sẻ chia của quê hương với con em xa quê và ngược lại.

Ông Lê Văn Giảng, Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Nga Sơn tại Hà Nội cho biết: Là con em xa quê, trở về quê hương, thấy quê hương đang đổi thay từng ngày, chúng tôi rất phấn khởi và đều mong muốn được góp thêm sức mình xây dựng quê nhà. Trong những dịp về tết, qua cuộc gặp mặt với chính quyền địa phương, chúng tôi đã đề xuất được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bằng những công trình cụ thể. Bằng hình thức người ở thôn nào ủng hộ thôn đó, con em xa quê khắp mọi miền đất nước và nước ngoài đã quyên góp xây dựng các đường điện thắp sáng làng quê, nhà văn hóa thôn và trang bị các thiết chế văn hóa cho thôn.

Tết là phiên khúc của sum vầy, hội ngộ. Chẳng những thế mà ngay từ đầu tháng chạp, khắp làng trên xóm dưới đã xôn xao những hỏi han, rằng con nhà nọ, cháu nhà kia có về tết không. Trong lòng người ở và người về đã chộn rộn những mong ngóng, đợi chờ, đã rộn rã những mường tượng phút giây được gói bánh cùng mẹ cha, được quây quần cùng anh em bên nồi bánh chưng chờ trời sáng, được gặp lại bạn bè thuở ấu thơ, được thảnh thơi du xuân giữa bình yên quê nhà...

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài Và Ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]