(Baothanhhoa.vn) - Đêm mùa đông, trời rét như cắt da cắt thịt, cha tôi lên cơn đau dữ dội ở vùng bụng. Tôi hốt hoảng gọi cho người thầy thuốc ở làng bên.

Suy ngẫm về nghề y

Đêm mùa đông, trời rét như cắt da cắt thịt, cha tôi lên cơn đau dữ dội ở vùng bụng. Tôi hốt hoảng gọi cho người thầy thuốc ở làng bên.

Chỉ mấy phút sau, bác hớt hải xách cặp bước vào nhà với gương mặt còn ngái ngủ, môi thì tím tái. Chẳng kịp lau vạt nước ướt nhèm trên khuôn mặt, bác chạy vào hỏi han sơ cứu cho cha rồi bảo chúng tôi gọi xe đưa cha vào bệnh viện để kịp thời phẫu thuật vì bác chẩn đoán cha tôi bị viêm ruột thừa cấp tính.

Suy ngẫm về nghề yMột ca phẫu thuật nội soi ổ bụng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hà Bắc

Đêm hôm ấy, mặc cho trời rét căm căm, gió và mưa ào ạt len vào phòng qua từng khe cửa. Đội ngũ y bác sĩ ai nấy làn da tái nhợt vì lạnh nhưng tay chân hối hả làm nhiệm vụ của mình. Hai tiếng sau thì cha tôi được an toàn, ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Bác sĩ dặn dò y tá và người nhà chăm sóc bệnh nhân rồi lặng lẽ rời gót về phòng trực. Nhưng vừa khép cửa phòng thì tôi thấy ngoài hành lang có ca bệnh đang cầu cứu đẩy vào. Vừa chạy vừa khoác áo blouse và đeo kính, bác sĩ lại vội vàng chạy đến buồng bệnh, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ vẫn không thôi chăm chú dõi nhìn. Tim tôi lúc ấy nhói lên một nỗi niềm khó tả.

Bao nhiêu lần bố mẹ, con cái ốm đau và bao lần chứng kiến những chuyến xe cứu thương chở nạn nhân trong hình hài bê bết máu vào bệnh viện là bấy nhiêu lần tôi chứng kiến sự vội vàng, lo lắng của những người thầy thuốc. Có lẽ mỗi lần như thế, tim họ đều nhói lên niềm đau, niềm lo lắng khôn cùng.

Nhìn thái độ ân cần khi thăm khám, nhìn cử chỉ nhẹ nhàng khi làm việc và lời dặn dò chu đáo đầy tình yêu thương và trách nhiệm của họ dành cho người bệnh, tôi hình dung ra thật giống bàn tay mẹ tôi chăm sóc cho con cháu ở nhà. Dù ai bảo rằng họ chỉ vì chính họ và gia đình mà cố gắng, vì miếng cơm manh áo mà tận tâm tận lực với nghề, nhưng với tôi thì không phải là như vậy. Bởi tôi biết, lúc đêm khuya lạnh lẽo chẳng có gì quý hơn giấc ngủ khiến người thầy thuốc làng bên vùng dậy khỏi tấm chăn ấm mà lao đi cứu cha tôi giữa tiết trời mưa gió. Cũng chẳng có quy định nào bắt buộc được bước chân người bác sĩ trực phải vội vàng gấp gáp thế kia... Nhưng rất nhiều thầy thuốc đã gác lại lợi ích riêng để tập trung cho công việc, bởi trong tim họ, mạng sống con người mới là điều quan trọng nhất, thôi thúc bước chân hối hả lên đường. Xã hội này có biết bao nghề nghiệp để mưu sinh, nhưng họ đã chọn nghề y - một nghề đòi hỏi rất khắt khe về kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm khi làm việc, thì tôi tin y đức trong họ lớn hơn gấp bội phần mục đích tư lợi cá nhân.

Những câu chuyện cảm động về thầy thuốc trên đất nước này kể sao cho hết. Có người phụ nữ dành cả cuộc đời để chăm lo cho bệnh nhân tâm thần cả về đời sống và chữa trị, có người biền biệt xa nhà để cứu chữa cho người dân nơi rẻo cao hay vùng biên cương hải đảo, lại có người ngoài chữa bệnh còn âm thầm cưu mang những cuộc đời bất hạnh, khó khăn... Đâu đó có thể có chuyện này chuyện nọ xảy ra ngoài mong muốn, có người này người kia làm hoen ố nghề y. Cuộc sống vốn dĩ không bao giờ hoàn hảo, huống hồ ngành y có hàng triệu con người làm việc. Tạo hóa sinh ra bàn tay còn ngón ngắn, ngón dài thì làm sao ta đòi hỏi tất cả những người thầy thuốc trên đất nước này đều lương y trọn vẹn. Nhưng ta hãy tin rằng đó chỉ là sai số rất nhỏ, còn đa phần họ đều là những người lương y hết lòng cống hiến, hy sinh cho cuộc sống đẹp tươi này.

Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay đang đến gần. Bằng tất cả tấm lòng, chúng ta hãy cùng dành cho những người thầy thuốc một sự kính trọng và khâm phục.

Lê Thị Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]