Sớm đưa Luật Tài nguyên nước vào cuộc sống
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Tài nguyên nước (TNN) 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN. Tuy nhiên, quá trình thực thi luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật TNN 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024 với nhiều điểm mới quan trọng.
Kiểm tra hoạt động sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa).
Với 10 chương và 86 điều, Luật TNN 2023 đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị TNN nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận nước của người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển TNN. Đặc biệt, Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ TNN thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế TNN và bảo vệ TNN, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Về bảo đảm an ninh nguồn nước - đây là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng Luật TNN năm 2023. Các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật. Trong đó, điều hòa, phân phối TNN là một trong những điểm mới, cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước. Luật quy định việc xây dựng kịch bản nguồn nước; hoạt động điều hòa, phân phối TNN thông qua điều tiết chế độ vận hành các hồ chứa, đập dâng, công trình khai thác, sử dụng nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông... Việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng TNN của các ngành sử dụng nước phải phù hợp với điều kiện nguồn nước. Luật cũng quy định cụ thể về việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất; bổ sung các quy định về ưu tiên đầu tư phát triển, tích trữ nước.
Trong hoạt động bảo vệ, quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nước, Luật TNN 2023 đã bổ sung, làm rõ nguyên tắc TNN phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về TNN, nguồn nước với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Luật quy định rõ nguyên tắc khai thác, sử dụng TNN phải được kê khai, đăng ký, cấp phép, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước theo phương án điều hòa, phân phối TNN và phù hợp với quy hoạch về TNN; bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo vệ nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất; đồng thời, bổ sung nhiều quy định, chính sách để phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là những dòng sông “chết”. Với quan điểm phát triển kinh tế gắn liền với việc đầu tư lại trong công tác bảo vệ, phục hồi, phát triển TNN, Luật TNN 2023 cũng quy định việc khuyến khích các hoạt động phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xây dựng các công trình phát triển, tích, trữ nước, điều tiết nguồn nước theo hình thức xã hội hóa.
Về phòng, chống tác hại do nước gây ra, Luật quy định cụ thể hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bổ sung, quy định về việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ. Theo đó, hồ, ao, đầm, phá có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập úng, tạo cảnh quan, môi trường và bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học phải được lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp và công bố để quản lý, bảo vệ. Việc khai thác nước biển để sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội không được gây nhiễm mặn nguồn nước; việc thăm dò, khai thác nước dưới đất ở vùng đồng bằng, ven biển phải bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước dưới đất. Tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khoan, thăm dò nước dưới đất phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, bảo đảm không gây sụt, lún đất. Riêng các hoạt động có nguy cơ gây mất ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.
Trưởng phòng TNN, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa Lê Hùng Cường cho biết: Để sớm đưa Luật TNN 2023 đi vào cuộc sống, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với đơn vị chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời tham mưu cho tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực thi Luật trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-01-15 15:09:00
Diễn biến mới nhất về rét đậm, nắng nóng đặc biệt gay gắt từ nay đến tháng Bảy
-
2025-01-15 11:20:00
Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu
-
2024-05-14 06:31:00
Bão từ mạnh nhất trong hai thập kỷ gây ảnh hưởng tới Việt Nam
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 14/5: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Thọ Xuân chung tay bảo vệ môi trường
Dự báo thời tiết ngày 13/5: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Biến đổi khí hậu: Xuất hiện cực quang hiếm thấy tại Cuba
Dự báo thời tiết ngày 12/5: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết ngày 11/5: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Từ nay đến cuối năm 2024: Cảnh báo bão, lũ diễn biến khốc liệt như năm 2020
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 10/5: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Giao nộp cá thể cu li cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương