“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
Thanh Hóa là tỉnh có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa luôn là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng, đóng góp to lớn nhân tài, vật lực cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Ngọc Thoảng (ảnh trên) và các cựu chiến binh: Nguyễn Hữu Lễ (ảnh trái), Phạm Quang Thư (bên phải).
Chi viện kịp thời sức người, sức của cho chiến trường
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, là hậu phương lớn trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, khắc phục gian khổ, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc hậu phương và chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, quân và dân Thanh Hóa đã đánh 9.983 trận đánh trên không, bắn rơi 376 máy bay (trong đó có 3 máy bay B52), bắt sống 36 giặc lái; quân và dân Thanh Hóa đã đánh 175 trận trên biển, bắn chìm, bắn cháy 57 tàu biệt kích và khu trục hạm. Phục vụ chiến đấu với 4,6 triệu ngày công làm trận địa, 1,9 triệu ngày công làm đường, bảo vệ giao thông. Đặc biệt, trong tuyển quân, chi viện cho chiến trường miền Nam, Thanh Hóa có 227.064 người gia nhập quân đội. Từ năm 1970-1975, huấn luyện và giao cho các chiến trường 78 tiểu đoàn...
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Thanh Hóa được Bác Hồ tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; nhiều tập thể, cá nhân được Bác Hồ gửi thư khen thưởng; 188 đơn vị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 9 đơn vị Anh hùng Lao động; 88 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 15 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lao động. Cùng quân, dân cả nước góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Đại thắng mùa xuân trong trái tim người lính
Tròn 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), trong ký ức và trái tim của cựu chiến binh, Thượng tá Phạm Quang Thư (quê huyện Thọ Xuân), hiện đang sinh sống tại TP Thanh Hóa vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc vui mừng, khí thế hào hùng của quân và dân ta những ngày đất nước giành thắng lợi năm 1975. Cựu chiến binh Phạm Quang Thư, nguyên là Trưởng Ban chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thanh Hóa. Ông lên đường nhập ngũ tháng 3/1967 thuộc C7 - Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304B. Sau huấn luyện và được điều lên làm liên lạc Đại đội 7 và hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau hơn 7 năm ở chiến trường miền Nam, từ Khe Sanh, Kon Tum, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, An Giang, Rạch Giá (Kiên Giang), ông đã 3 lần bị thương nhưng may mắn là được trở về sau chiến tranh.
Những ngày tháng 4 lịch sử, ông Phạm Quang Thư nhớ đến tinh thần của tuổi trẻ và những trận đánh khốc liệt, giành nhau với địch từng chiếc hầm, ụ đất trên các chiến trường; chiến đấu cắm lá cờ cách mạng lâm thời trên đỉnh núi Két (huyện Tri Tôn, An Giang) và tình cảm của đồng bào dành cho bộ đội, niềm vui ngày chiến thắng.
“Khi nghe giọng của Tướng Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng và chứng kiến những lá cờ giải phóng cắm trên nóc các tòa nhà của quân ngụy, tòa tỉnh trưởng của địch ở Long Xuyên, Cần Thơ... tung bay trong gió thì những người lính rưng rưng xúc động và hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Tiểu đoàn 8 chúng tôi lên đường vào chiến trường miền Nam có 178 đồng chí, đến ngày 30/4/1975 chỉ còn 19 đồng chí lành lặn, hô vang những câu khẩu hiệu chiến thắng. 49 năm đã trôi qua, nhưng với tôi đó mãi là thời khắc lịch sử tuyệt vời mà mình may mắn được chứng kiến, cảm nhận”, ông Phạm Quang Thư chia sẻ.
Cũng như cựu chiến binh Phạm Quang Thư, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Lễ, hiện nay ở xã Thành Minh, huyện Thạch Thành là người lính tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và may mắn được trở về. Ông lên đường nhập ngũ tháng 3/1965 thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư 330, sau này ông là chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Long An - đơn vị 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Tỉnh Long An là chiến trường vô cùng ác liệt, vùng cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn. Thành tích của Tiểu đoàn 1 Long An từ năm 1973-1975 góp phần giải phóng tỉnh Long An, làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh - đại thắng mùa xuân vĩ đại của dân tộc. Với ông, được đem sức trẻ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và được trở về, sống trong những ngày hòa bình, độc lập là niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời.
Trong số những người con quê hương Thanh Hóa vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, chúng tôi tự hào khi được gặp gỡ Anh hùng Mai Ngọc Thoảng - người con quê hương xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 đã lập chiến công xuất sắc và được phong tặng danh hiệu anh hùng khi tròn 20 tuổi. Cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị đã trở thành khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt Nam, góp phần quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mỗi hiện vật lịch sử là niềm tự hào của quê hương Thanh Hóa
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa). Nơi đây lưu giữ gần 300 tư liệu, hiện vật lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Ở phòng trưng bày tư liệu, hiện vật “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1945-1975”, chúng tôi xúc động khi được ngắm nhìn những hiện vật, đó là bức Quyết tâm thư của Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc và bức thư Bác Hồ khen Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc năm 1967. Đó là chiếc mũ tai bèo, khăn mùi xoa của ông Đỗ Đình Hãn, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, từ năm 1968-1972; là chiếc ống nhòm của ông Nguyễn Huy Liệu, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Đặc công sử dụng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bức ảnh đoàn xe ngựa thồ vận tải lương thực tiếp vận cho chiến trường miền Nam; bức ảnh thanh niên “Ba sẵn sàng” lực lượng hậu bị hùng hậu chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bức ảnh cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 lên đường vào Nam chiến đấu với hình ảnh người lính ra trận hùng hậu, thể hiện sự quyết tâm, ý chí đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ở phòng trưng bày còn có lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa; bức ảnh chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975; bài phát biểu của đồng chí Ngô Thuyền, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tại lễ thành lập Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn ngày 1/1/1968; bức tượng anh Nguyễn Bá Ngọc, học sinh lớp 4 Trường cấp 1 (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc), xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương dũng cảm hy sinh cứu em nhỏ thoát khỏi bom đạn của giặc Mỹ ngày 4/4/1965....
Những tư liệu, hiện vật đó là minh chứng cho tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ, đóng góp của quân và dân Thanh Hóa góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi Nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (trích: Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ngày 17/7/1966). Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 58 năm như vẫn còn vang vọng, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Từ sự đoàn kết thống nhất của quân và dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc ta đã đi đến thắng lợi, là bản anh hùng ca khải hoàn vang mãi cho đến hôm nay.
Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “55 năm lực lượng vũ trang Thanh Hóa (1947-2002) của Bộ Chỉ huy Quân sự Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa; Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-04-22 08:45:00
Đi qua chiến tranh
Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn
Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt
Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra thành công
Văn hóa ẩm thực: Mỹ tục đặc sắc trên quê hương vua Lê Đại Hành
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng biển xứ Thanh
Những bông hồng nở hoa
Chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh
Du lịch Yên Định những điểm đến hấp dẫn