Quan tâm khám, sàng lọc thai kỳ cho sản phụ
Khám, sàng lọc khi mang thai là một trong những điều quan trọng đối với sản phụ trong thai kỳ. Việc thực hiện đúng, đủ lịch khám, sàng lọc khi mang thai giúp sản phụ phát hiện các yếu tố nguy cơ, kiểm soát được sức khỏe và phát hiện kịp thời dị tật, bệnh của thai nhi.
Bác sĩ (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa) tư vấn cho sản phụ.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, phụ nữ khi mang thai phải được khám thai định kỳ ít nhất 3 lần, vào các mốc quan trọng: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Ngoài 3 lần khám trên, thai phụ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt... Việc khám, thực hiện các bước sàng lọc khi mang thai giúp sản phụ phát hiện được các yếu tố nguy cơ, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
Khảo sát tại các cơ sở y tế, phần lớn sản phụ và người nhà đều nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc khám, thực hiện các bước sàng lọc khi mang thai. Trò chuyện cùng các sản phụ đang chờ khám tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, chúng tôi được biết, nhờ thông tin trên mạng, tivi và việc tuyên truyền của các bác sĩ nên các sản phụ và gia đình đều hiểu và thực hiện đúng, đủ việc khám, thực hiện các bước sàng lọc theo chỉ định của bác sĩ.
Chị Hà Thị Mai (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Khi mang thai ở tuần 28 tôi đã khám theo hướng dẫn của bác sĩ và phát hiện mình bị rối loạn dung nạp đường nên tôi đã điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp để bảo đảm sức khỏe hai mẹ con. Hiện tôi đang ở tuần thai thứ 32 – đây là một mốc quan trọng trong quá trình mang thai nên tôi đã thực hiện các bước khám và sàng lọc để sẵn sàng cho ngày vượt cạn thành công".
Tương tự, chị Trần Thị Phương (Đông Sơn) cho biết: “Tôi luôn khám thai, sàng lọc thai kỳ đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh. Hiện nay tôi đang mang thai ở tuần 34 nhưng chân tay phù nhiều, do đó tôi đã đi khám để theo dõi sức khỏe, phát hiện kịp thời những bất thường nếu có”.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít thai phụ do nhận thức chưa đầy đủ về việc khám thai, chưa tìm đến cơ sở y tế uy tín, chất lượng để khám thai; hoặc không khám và thực hiện sàng lọc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ nên không phát hiện kịp thời những bất thường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Như chị Nguyễn Diệu Anh (TP Thanh Hóa) do mang thai lần đầu thấy ổn nên lần hai chị khám và siêu âm thai định kỳ, không thực hiện sàng lọc mẹ và bé theo yêu cầu của các sĩ nên ở tuần thai thứ 32 chị thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt. Khi đi khám, bác sĩ cho biết chị bị cao huyết áp và tiểu đường, thai kỳ cần phải theo dõi và điều trị tích cực để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
Hiện nay, khoa học ngày càng phát triển, các sản phụ khi đi khám thai tại các mốc quan trọng sẽ được thực hiện các kỹ thuật sàng lọc hiện đại như xét nghiệm máu, chọc ối... nhằm phát hiện sớm các bất thường mẹ hoặc di tật, bệnh của thai nhi. Như 3 tháng đầu khoảng 12 - 13 tuần, sản phụ cần đi khám thai để xét nghiệm máu tổng quát, siêu âm thai, khoảng sáng sau gáy và làm các xét nghiệm sàng lọc các dị tật thai nhi như Double test, NIPT, Tripble test để sàng lọc các bệnh như Down, Edward, Patau... Trong 3 tháng giữa, sản phụ cần thực hiện siêu âm để đánh giá hình thái và sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, từ tuần 24 - 28 sản phụ cần thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Đây là một xét nghiệm quan trọng để đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu sản phụ bị rối loạn dung nạp thì cần điều chỉnh chế độ ăn, sinh hoạt. Nếu bị tiểu đường thai kỳ sản phụ sẽ được hướng dẫn, theo dõi và điều trị để tránh phát sinh các bất thường như cao huyết áp, tiền sản giật, sinh non. Trong 3 tháng cuối, ngoài siêu âm theo dõi sự phát triển của thai, ngôi thai, xét nghiệm máu thì sản phụ cần thực hiện monitoring sản khoa.
Bác sĩ CKI, Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa), cho biết: “Khám thai định kỳ rất quan trọng, giúp thai phụ phát hiện và xử lý những bệnh lý có nguy cơ mắc phải trong suốt quá trình mang thai. Tất cả các sản phụ cần khám khám thai ngay sau khi chậm kinh, phụ nữ cần đi khám để xác định việc mang thai và theo dõi việc làm tổ, đậu thai và đánh giá sự phát triển của thai. Khi xác định mang thai, mỗi thai kỳ, thai phụ cần khám thai tại các mốc 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh".
Bác sĩ Hường cũng khuyên các sản phụ cần đi khám theo đúng thời gian yêu cầu và khám đủ các chỉ định của bác sĩ để bảo đảm sức khỏe cho sản phụ và thai nhi. Ngoài ra, sản phụ cũng nên tuân theo các tư vấn của bác sĩ sản khoa về dinh dưỡng và bổ sung các vitamin, khoáng chất, vi chất, tiêm phòng đầy đủ, thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:11:00
Tập huấn kiến thức y học gia đình, quản lý bệnh mạn tính cho quân y đơn vị và cán bộ trạm y tế khu vực biên giới
-
2024-11-21 16:06:00
Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi với 7 nhóm điểm mới cơ bản
-
2024-01-22 09:49:00
Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa lạnh và cách phòng tránh
Thanh Hoá tiếp nhận 9 loại vắc xin với hơn 200.000 liều
Bí quyết đơn giản làm chậm quá trình mãn dục nam
Dược phẩm Tâm Bình ra mắt sản phẩm mới cho người mất ngủ
Tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
WHO: Số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đang giảm dần
Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán
Gia tăng số ca mắc bệnh cúm A, nhiều trường hợp phải thở máy
Vin Dentist - nha khoa chất lượng tại Đà Nẵng được nhiều khách hàng tin tưởng
Trạm Y tế xã Hoằng Lộc nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân