Quản lý học sinh dịp hè: Đâu là giải pháp?
Một năm học khép lại cũng là thời điểm các gia đình có con trong lứa tuổi học đường trăn trở về việc quản lý các em, tạo cho các em sân chơi an toàn, bổ ích trong những ngày hè.
Các em nhỏ vui chơi tại sân vận động phường Quảng Phú.
Kỳ nghỉ hè luôn là thử thách lớn đối với các gia đình có con ở độ tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này, trẻ chưa đủ nhận thức để tự chăm sóc bản thân, thiếu kỹ năng nhận diện nguy hiểm nên luôn cần có người lớn giám sát chặt chẽ. Thông thường mỗi dịp hè, nhiều gia đình lựa chọn giải pháp gửi con về quê cho ông, bà. Việc làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí thuê người trông, ông bà có điều kiện gần gũi cháu hơn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Người cao tuổi khó có thể theo kịp sự hiếu động của trẻ nhỏ, trong khi các em lại chưa có kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Tai nạn như đuối nước, bỏng, hóc dị vật... có thể xảy ra, nhất là trong môi trường thiếu giám sát. Chị Trần Thị Hương (phường Hàm Rồng), chia sẻ: “Thời gian đầu vợ chồng tôi cho cháu về quê với ông bà, nhưng về quê có nhiều ao hồ, ông bà lại lớn tuổi, khó theo sát cháu. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định gửi cháu vào nhóm trẻ tư nhân, thời gian đón trả linh hoạt, phù hợp với công việc làm theo ca của cả 2 vợ chồng”.
Khác với trẻ mầm non, học sinh ở cấp tiểu học, THCS hay THPT có khả năng tự lập cao hơn. Tuy nhiên, tự lập không đi liền với sự an toàn, các em vẫn có thể gặp rủi ro, đặc biệt là đối với trẻ từ cuối cấp tiểu học trở lên rất dễ bị ảnh hưởng bởi không gian mạng. Không gian mạng trong kỳ nghỉ hè được ví như “con dao hai lưỡi”. Nếu không được định hướng và giám sát, trẻ dễ tiếp cận với nội dung độc hại như: Game bạo lực, clip phản cảm, mạng xã hội đầy cám dỗ. Nhiều em bị lôi kéo tham gia các thử thách nguy hiểm, bắt chước hành vi lệch chuẩn, thậm chí tự làm tổn thương bản thân. Chị Nguyễn Thị Trâm (phường Quảng Phú), cho hay: "Cứ đến dịp hè là gia đình lại cho các con tham gia lớp học kỹ năng sống để được xả hơi sau những ngày tháng học hành vất vả, đồng thời có thêm trải nghiệm trong cuộc sống. Năm nay, gia đình cho các con đi học bơi tại một cơ sở dạy bơi gần nhà. Ngoài ra, vợ chồng tôi thống nhất sẽ hướng dẫn, giúp con học, làm quen với những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa, như: Tưới cây, lau nhà, gấp quần áo giúp bố mẹ. Mua những cuốn sách hợp tuổi của con để tạo thói quen đọc sách cho con... tránh việc tiếp xúc nhiều với tivi, điện thoại, không gian mạng".
Không có điều kiện cho các con đến lớp năng khiếu, kỹ năng, ngoại ngữ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lưu (xã Hoằng Giang) đã dành một khoản tiền nhất định để mua sách khoa học thường thức, truyện, dụng cụ vẽ, đồ chơi để các con giải trí trong những ngày hè. Ngoài ra, để các con không quên kiến thức trong thời gian nghỉ ở nhà, mỗi sáng trước khi đi làm anh giao bài tập để các con học. Anh Lưu chia sẻ: “Bố mẹ thường vắng nhà, không thể kiểm soát chặt chẽ nên các con dễ bị cuốn vào tivi, điện thoại khiến tôi thực sự lo lắng. Vì vậy, trong thời gian các con nghỉ hè tôi đã dành nhiều thời gian hơn để chơi và đồng hành cùng con, vừa tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình, vừa quản lý các con tốt hơn”.
Kỳ nghỉ hè là thời gian học sinh được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập căng thẳng. Tuy nhiên, nếu không được quản lý, định hướng tốt, đây cũng là khoảng thời gian tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn, đạo đức, sức khỏe và thói quen sinh hoạt. Nhằm tăng cường công tác quản lý học sinh trong dịp hè, để học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, trước khi kết thúc năm học 2024-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg, ngày 10/5/2025, trong đó yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục và tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình nhằm tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được vui chơi, tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, rèn luyện thể chất, rèn luyện kỹ năng sống trong dịp hè; quản lý trẻ em, học sinh không để xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan, phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể tạo môi trường để các em được vui chơi lành mạnh; rèn luyện kỹ năng sống, tham gia các hoạt động ngoại ngữ, văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao, phát triển thể chất. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức các câu lạc bộ để các em được tham gia hoạt động thể chất, thể dục - thể thao; rèn luyện kỹ năng sống, ngoại ngữ, nghệ thuật, tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục...
Công điện của Thủ tướng không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà là lời nhắc mạnh mẽ về trách nhiệm của toàn xã hội với thế hệ tương lai. Một mùa hè an toàn, lành mạnh, bổ ích cho học sinh không thể chỉ dựa vào một phía mà cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-07-03 20:56:00
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em
-
2025-07-03 20:37:00
Đa dạng các hoạt động cho thiếu nhi
-
2025-07-03 10:18:00
Biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài: Giám sát để thực hiện đúng luật
Cấp định danh điện tử mức độ 2 cho người nước ngoài: Bước tiến mới trong cải cách hành chính
Cảnh báo thiên tai và thời tiết ngày 3/7/2025
Dự báo thời tiết 3/7/2025
Nhiều trải nghiệm từ các mô hình trại hè
Dự báo thời tiết 19h ngày 2/7/2025
Xả lũ hồ chứa thủy điện Trung Sơn từ 19h00 ngày 2/7
Đồng hành cùng người dân trong những ngày đầu triển khai chính quyền địa phương 2 cấp
“Tấm thẻ BHYT giúp gia đình tôi an tâm hơn trong cuộc sống”
Công an phường Hạc Thành sẽ tiếp công dân tại 3 địa điểm