Phụ nữ Thanh Hóa: Khẳng định vị thế trong thời đại mới
Song hành cùng sự phát triển của xã hội, những năm qua, phụ nữ xứ Thanh luôn khẳng định được vai trò và vị thế của mình trên mọi lĩnh vực, chứng minh khả năng, sự đóng góp quan trọng của lực lượng chiếm hơn một nửa tổng số lao động toàn tỉnh, xứng đáng với “hình ảnh người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên”.
Đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và đối tác quốc tế thăm HTX sản xuất TTCN mỹ nghệ Trung Kiên, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa). Ảnh: Lê Hà
Gặp gỡ và trò chuyện với chị Đào Thị Đào (phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn), sự tự tin, tràn đầy năng lượng sống khiến chị trẻ hơn so với tuổi rất nhiều. Nhận được lời khen, chị cười nói: “Sự tự tin, yêu đời chính là “vũ khí bí mật” làm nên sắc đẹp cho người phụ nữ”. Lý do chính mà chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị là bởi chị Đào đã tạo ra một cuộc “cách mạng” cho chị em phụ nữ, mang “vũ khí bí mật” lan tỏa, truyền cảm hứng, giúp hàng trăm chị em nhất là những người phụ nữ trung niên tự tin hòa mình vào cuộc sống hiện đại.
Theo chị Đào, sân chơi cho phụ nữ nhất là phụ nữ lứa tuổi trung niên tại các địa phương gần như không có. Điều đó khiến nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn chỉ biết đến ruộng vườn và gia đình, mất dần đi khả năng kết giao với xã hội bên ngoài, vô hình trung sẽ khiến họ thiếu tự tin, kém nhạy bén trong công việc và cuộc sống. Là một người yêu văn nghệ, đã từng trải qua nhiều vị trí công việc từ nhân viên đến lãnh đạo, chị Đào hiểu rõ mong muốn “thầm kín” và cách thức để chị em có thể “tỏa sáng” trong cuộc sống. Bởi vậy, chị đã tập hợp những phụ nữ yêu văn nghệ và thành lập nhóm dân vũ thể thao (sau này là CLB văn hóa văn nghệ phụ nữ phường Ngọc Trạo). Ban đầu nhóm chỉ có 8 thành viên, chi phí và địa điểm luyện tập, chị Đào tự đứng ra gánh vác.
Những tưởng việc làm của chị Đào sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người, nhưng không, thời điểm đó hoạt động của nhóm “vấp” phải nhiều dèm pha của dư luận, nhiều thành viên muốn bỏ nhóm. “Tôi biết quan điểm của mọi người sẽ không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nên chỉ biết kiên trì lấy hành động để chứng minh hiệu quả của mô hình. Tôi và các chị nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ trong gia đình như chăm sóc, dạy dỗ con cái, lo cho nhà cửa luôn gọn gàng, sạch sẽ... Khi công việc gia đình đã hoàn tất, chúng tôi mới dành thời gian cho mình. Chúng tôi giúp đỡ những chị em khác, để làm sao dành thời gian buổi tối cho việc luyện tập. Chúng tôi khuyến khích, vận động thêm các thành viên trong gia đình tham gia”. Sự kiên trì và khéo léo trong ứng xử của chị Đào đã dần dần thay đổi cái nhìn của mọi người. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là những người phụ nữ trong nhóm đã có những đổi thay tích cực trong tính cách và ngoại hình. Họ “lột xác” thành những quý cô xinh đẹp trên sân khấu, họ tự tin giao tiếp trước đám đông, và sâu thẳm trong họ là niềm tự hào vì khám phá ra nhiều điều tốt đẹp của bản thân. Và chính sự tự tin làm nên nguồn năng lượng dồi dào để có thể giữ ngọn lửa gia đình luôn hạnh phúc. Những đổi thay tích cực đã lan tỏa từ người này đến người khác, ngày càng nhiều chị em gia nhập hội. Chị Đào đưa CLB đi vào hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, đạt được nhiều thành tích như: giải Nhất cuộc thi người cao tuổi thị xã, tiết mục được chọn tham gia biểu diễn tại Trung tâm hội nghị thị xã nhân dịp thị xã tròn 40 năm; giải Nhì hội thi khuyến học thị xã...
Quan điểm về người phụ nữ trong thời đại mới, chị Đào Thị Đào bộc bạch: “Người xưa thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tôi nghĩ, người phụ nữ không chỉ chăm lo cho gia đình về vật chất, mà còn là người thắp lên ngọn lửa yêu thương, kết nối các thành viên trong gia đình. Nếu không có bàn tay người phụ nữ, gia đình sẽ không thể là tổ ấm. Xã hội ngày càng áp lực, người phụ nữ càng phải nỗ lực nhiều hơn. Họ phải có đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vượt lên mọi khó khăn, thử thách. Đặc biệt, phải biết cách sắp xếp công việc và gia đình hợp lý, để có thể có cuộc sống cân bằng, hạnh phúc trọn vẹn, vì sự tiến bộ của chính mình”.
Tương tự, với chị Trịnh Lan Hồng (giảng viên Trường Đại học Hồng Đức) hình ảnh người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới cũng hiển hiện rất rõ. Ở chị người ta thấy cả nét đẹp truyền thống và hiện đại đồng hiện mà không hề mâu thuẫn. Chị có cách nói chuyện dịu dàng, lời nói nhỏ nhẹ khiến người nghe cảm nhận rõ chữ “hạnh” của người phụ nữ xưa. Nhưng những thành tích chị đạt được trong sự nghiệp giảng dạy, khiến nhiều người phải khâm phục bởi tài năng, trí tuệ của một người phụ nữ trẻ.
Năm 2021, dự án khởi nghiệp “Sản xuất trà Linh Chi Hồng Đức với quy trình khép kín từ nuôi trồng nấm đến chế biến sản phẩm” do chị Hồng làm trưởng nhóm đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa” lần thứ 8. Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Hồng Đức đạt giải Nhất tại cuộc thi này. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chị Hồng nhận được các giải thưởng danh giá. Quay ngược thời gian, khi đang còn là học sinh lớp 12 Trường THPT Thạch Thành 3, Trịnh Lan Hồng đã vinh dự được nhận giải Lý Tự Trọng - giải thưởng giành cho cán bộ Đoàn xuất sắc. Năm 2016, Hồng đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Khoa học - Kỹ thuật tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng khối nông - lâm - ngư nghiệp toàn quốc. Tiếp đó là Bằng khen của Trung ương Đoàn trong năm học 2020-2021... Hiện tại, chị vừa là giảng viên, vừa là cán bộ Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chủ nhiệm CLB đổi mới sáng tạo của trường.
Theo chị Hồng, người phụ nữ hiện đại ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Bằng sự tự tin, bản lĩnh của mình cộng với phẩm chất được nối dài từ truyền thống, họ vượt lên định kiến giới, khẳng định nữ quyền, họ là nhà lãnh đạo, người sáng lập, điều hành nhiều chương trình, dự án, cơ quan... mang lại phúc lợi và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Họ biết cách hài hòa giữa công việc và gia đình, hoàn thành cùng lúc nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là trực tiếp chăm lo xây dựng gia đình ngày càng “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” trong thời kỳ mới.
Cả chị Đào, chị Hồng khi được hỏi về những tấm gương trong sự phấn đấu, vươn lên của người phụ nữ, đều khẳng định người mẹ là nơi để học hỏi, noi theo trên phương diện chăm sóc gia đình. Về xã hội, các chị ngưỡng mộ những người phụ nữ vươn lên nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của địa phương, đất nước. Tuy các chị không đặt nặng việc mình sẽ làm được gì, thành công đến đâu, nhưng họ coi những người phụ nữ thành đạt là tấm gương trong nỗ lực khẳng định vị thế người phụ nữ Việt Nam hiện đại để noi theo.
Khẳng định về vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới, đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Thanh Hóa hiện có 847.135 phụ nữ, chiếm hơn nửa lực lượng lao động của tỉnh. Ở bất kỳ ngành nào, lĩnh vực nào, chị em luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, tài năng, trí tuệ của phụ nữ xứ Thanh. Đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tỷ lệ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ trong lao động, sản xuất của lao động nữ ngày càng tăng. Ở nhiều địa phương, phụ nữ tâm huyết đi đầu trong phát huy làng nghề truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, tạo ra thương hiệu sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa, được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng.
“Yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên” là những điều mà phụ nữ xứ Thanh đã và đang nỗ lực trong thời đại mới. Đây cũng là nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Thanh Hóa trong thời đại mới”, phong trào đặc biệt nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên phụ nữ. Theo đó, Hội LHPN tỉnh xây dựng “Khung tiêu chí đánh giá phong trào thi đua”. Tổ chức 4 hội nghị giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua, trong đó mời các chuyên gia đầu ngành truyền thông các chuyên đề phù hợp theo từng nhóm đối tượng, quan tâm lựa chọn nội dung, cách thức tuyên truyền đối với phụ nữ đặc thù, như: nữ trí thức, nữ công nhân, phụ nữ khu chung cư, phụ nữ dân tộc thiểu số, nữ phạm nhân, nữ khuyết tật. Nhiều đơn vị phát động đăng ký thi đua, thực hiện các mô hình, công trình, phần việc lồng ghép với phong trào thi đua của địa phương, sáng tạo linh hoạt trong lựa chọn các tiêu chí thực hiện.
Hưởng ứng phong trào, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh đã triển khai, thực hiện hơn 2.000 công trình, phần việc, trong đó có 3 công trình quy mô cấp tỉnh. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã trao 47 mái ấm, gần 15.000 suất quà, học bổng, sổ tiết kiệm trị giá gần 9 tỷ đồng cho phụ nữ, trẻ em nghèo. Huy động được 8.000 bộ áo dài/ sắc phục dân tộc và trưng bày tại 200 tủ từ thiện “Ai cần thì lấy - Ai có thì tặng”. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi trực tuyến “Hát ru, hát dân ca và dân vũ thể thao” tại 3.144 điểm, thu hút 180.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Xây dựng, duy trì gần 4.000 mô hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đạt giải Ba toàn quốc hội thi dân vũ và thể thao.
Từ phong trào, đã có 17.231 phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu”, 6.035 điển hình được biểu dương, khen thưởng. Trong đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức 8 hội nghị giao lưu, tôn vinh, biểu dương gần 1.400 điển hình. Họ đại diện cho những phụ nữ xứ Thanh trong thời đại mới, luôn đi đầu trong công tác và hoạt động của hội, nhất là các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tận tình hỗ trợ, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ trong cuộc sống, tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, XDNTM, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đặc biệt là giúp đỡ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, với nhiều mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng.
Phong Vân
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-03-20 07:16:00
Tháng 3 mùa xuân biên cương