(Baothanhhoa.vn) - Những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, gần chục xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ở những địa phương này, ngoài phát triển hệ thống hạ tầng khá toàn diện, còn có nhiều mô hình kinh tế điển hình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát triển tiêu chí sản xuất ở những xã vừa về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, gần chục xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ở những địa phương này, ngoài phát triển hệ thống hạ tầng khá toàn diện, còn có nhiều mô hình kinh tế điển hình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát triển tiêu chí sản xuất ở những xã vừa về đích nông thôn mới kiểu mẫuMột góc mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Phú Trinh, xã Hải Long (Như Thanh).

Là địa phương miền núi, nhưng xã NTMKM Hải Long (Như Thanh) đã phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo hành lang thuận lợi cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Diện tích đồi rừng lớn đã trở thành lợi thế không nhỏ để xã phát triển kinh tế. Tại thôn Hải Tân, gia đình ông Nguyễn Phú Trinh đã biến khu vườn đồi của mình thành mô hình kinh tế điển hình. Với tổng diện tích 4,55ha, gia đình ông đã dành 1,6ha đất thấp dưới chân đồi để đào hệ thống hồ thả cá, đồng thời dự trữ nước tưới cho cây trồng. Các loại cá lăng, cá vược, cá trắm đã mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vườn bưởi Diễn, bưởi da xanh trồng từ trước năm 2017 theo hướng hữu cơ đã cho thu hoạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Những diện tích khác được trồng vú sữa, mít Thái, dừa... Đáng nói, toàn bộ khu vực trồng bưởi rộng gần 2ha trên cao nhưng đã có hệ thống tưới tự động hiện đại đến từng gốc cây, giúp nâng cao năng suất cây trồng. Theo hạch toán của chủ mô hình, năm 2023 vừa qua, tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 1 tỷ đồng, trong đó các loại cây ăn quả đã đạt 600 triệu đồng. Mô hình kinh tế tổng hợp này hiện còn giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương.

Trong trồng trọt, xã coi là nhiệm vụ trọng tâm nên chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, đưa các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất gắn với thực hiện tái cơ nông nghiệp; tiếp tục vận động Nhân dân tích tụ đất đai để sản xuất ở quy mô lớn. Người dân cũng đẩy mạnh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, giúp nâng hệ số sử dụng đất lúa màu, chuyên màu. HTX dịch vụ nông nghiệp địa phương cũng tăng cường liên kết, liên doanh với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho Nhân dân. Công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn được quan tâm nên đến nay trên địa bàn xã có 17 công ty TNHH và 193 hộ kinh doanh cá thể hoạt động có hiệu quả, thu hút hàng trăm lao động tham gia.

Từ phát triển tiêu chí sản xuất hiệu quả, năm 2020, tổng thu nhập của xã đã đạt gần 305,2 tỷ đồng, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 48,6 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2023, Hải Long bước vào xây dựng xã NTMKM, xã tiếp tục tăng cường tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích đẩy mạnh phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh một số ngành dịch vụ, thương mại, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ cá thể tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy phát triển thêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tổng hợp gần nhất từ UBND xã, năm 2023, tổng thu nhập của xã đạt hơn 382,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 64,23 triệu đồng/người.

Xã Hoa Lộc (Hậu Lộc) cũng mới được công nhận đạt chuẩn NTMKM với nền sản xuất phát triển so với nhiều xã trong vùng. Sản xuất nông nghiệp trở thành thế mạnh, được đảng ủy - UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó, xã vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ đạo sản xuất thâm canh tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn theo hướng VietGAP với diện tích 2ha tại thôn Hoa Trung; bố trí vùng trồng ớt xuất khẩu tập trung được đăng ký mã vùng, mã vạch với diện tích tới 6,9ha tại Hoa Trung, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong lộ trình XDNTM, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được hoàn thiện, giúp nông dân đưa cơ giới hóa đồng bộ vào phục vụ sản xuất. HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Lộc đã làm tốt vai trò các khâu dịch vụ như bảo vệ đồng điền, tưới tiêu..., nhất là làm cầu nối liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho nông sản. Xã đã có sản phẩm OCOP 3 sao là giò lụa Hảo Liên, phát triển thị trường ổn định trong vùng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 71 triệu đồng/người/năm và đang tăng nhanh.

Có thể kể ra nhiều địa phương NTMKM với hàng loạt mô hình và phong trào sản xuất hiệu quả. Xã Hà Sơn (Hà Trung) phát triển mạnh hoạt động nuôi ốc nhồi, nuôi ba ba. Xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) trở thành điển hình phát triển công nghiệp với việc thu hút các nhà máy may và nghề chế tác đá. Xã Thọ Vực (Triệu Sơn) lại phát triển tổng hòa giữa nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với thương mại dịch vụ. Xã Quảng Trung (Quảng Xương) lại lấy nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ làm hướng phát triển kinh tế chính... Tổng hợp từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa, ở những xã mới đạt chuẩn NTMKM gần đây, thu nhập bình quân đầu người đều khá cao, với mức trên dưới 70 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]