(Baothanhhoa.vn) - Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy vai trò người có uy tín giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy vai trò người có uy tín giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộcTừ việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, điệu múa Pồn Pôông của người Mường, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) được duy trì biểu diễn trong các lễ hội.

Xã Trung Hạ (Quan Sơn) có 905 hộ, 4.094 nhân khẩu, với 95% là đồng bào Thái. Hơn 20 năm được bầu là chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, NCUT Hà Văn Tiu, dân tộc Thái ở bản Lang, xã Trung Hạ luôn là tấm gương sáng để bà con trong xã và con cháu noi theo. Những năm gần đây, các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc như: Lễ Xên bản (lễ cúng thần bản hàng năm), khèn bè, sáo ôi, ném còn, hát khặp, khua luống, nhảy sạp, kéo co, bắn nỏ, dệt thổ cẩm... vẫn được người dân trong xã duy trì và phát triển. Điều này có công sức không nhỏ của những NCUT như ông Tiu.

Theo ông Tiu, để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, NCUT không chỉ gương mẫu đi đầu thực hiện, còn tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục để bà con duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, bản, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan như tục thách cưới; tảo hôn; không tổ chức ăn uống dài ngày khi có đám hiếu, đám hỷ... làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cộng đồng.

Nhiều năm nay, bà Hà Thị Khiêm, dân tộc Thái, ở khu phố 3, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) luôn gương mẫu đi đầu tuyên truyền, vận động dòng họ, Nhân dân khu phố giữ gìn phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Trong duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bà Khiêm đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng quy ước, hương ước khu dân cư; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với việc tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại khu phố, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, chống truyền đạo trái phép, bà Khiêm còn tích cực vận động người dân thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường và đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Với sự nỗ lực của NCUT như bà Khiêm và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều năm nay khu phố 3 không còn hủ tục thách cưới, tảo hôn, tổ chức ăn uống dài ngày khi nhà có đám...

Ông Tiu, bà Khiêm chỉ là hai trong số 1.281 NCUT ở 1.281 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi có đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, NCUT luôn đi đầu và giữ vai trò nòng cốt trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ luôn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. NCUT luôn trăn trở, truyền dạy cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, truyền dạy các điệu khặp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như: khặp, múa sạp, khua luống của dân tộc Thái, Mường; múa khèn, thổi khèn, ném còn, đánh cù của dân tộc Mông. Giữ gìn chữ viết, trang phục, lễ cấp sắc, tết nhảy, lễ tạ mả, lễ thượng thiền, Tết thanh minh của dân tộc Dao... Tiêu biểu trong lĩnh vực này có các ông, bà: Thào Khái Mìn, NCUT bản Xa Lung, xã Mường Lý (Mường Lát); Triệu Văn Nguyên, dân tộc Dao, NCUT thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy); Triệu Văn Minh, NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Sơn Lập, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy)...

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Minh Khoa, khẳng định: “Những trăn trở, tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đội ngũ những NCUT đã và đang góp phần “thổi hồn” dân tộc đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó giúp mọi người thêm hiểu, yêu mến và cùng có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần cùng nhau xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]