(Baothanhhoa.vn) - Dõi theo hành trình xây dựng và phát triển của huyện Hoằng Hóa nhiều năm gần đây có thể dễ dàng nhận thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ trên các phương diện, chuyển hóa quan trọng từ “chất” sang “lượng”, từ “bề rộng” sang “chiều sâu”. Đây là điều kiện thuận lợi để từng bước nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển huyện Hoằng Hóa thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để làm rõ hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa: “Huyện Hoằng Hóa bước vào hành trình xây dựng và phát triển thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030 với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Dõi theo hành trình xây dựng và phát triển của huyện Hoằng Hóa nhiều năm gần đây có thể dễ dàng nhận thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ trên các phương diện, chuyển hóa quan trọng từ “chất” sang “lượng”, từ “bề rộng” sang “chiều sâu”. Đây là điều kiện thuận lợi để từng bước nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển huyện Hoằng Hóa thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để làm rõ hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa: “Huyện Hoằng Hóa bước vào hành trình xây dựng và phát triển thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030 với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”Những năm qua, huyện Hoằng Hóa tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị.

- Phóng viên (PV): Những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã có nhiều bước phát triển, chuyển mình mạnh mẽ. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những bước chuyển mình này?

Ông Lê Thanh Hải: Trong những năm qua, với tinh thần quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, các lực lượng vũ trang của huyện cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, tỉnh, Hoằng Hóa đã và đang gặt hái những kết quả đáng ghi nhận.

Kinh tế tăng trưởng liên tục qua từng năm. Năm 2023, quy mô kinh tế của huyện xếp thứ 4 toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất là 12,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 5 toàn tỉnh. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn luôn giữ vững “phong độ”, xứng danh miền đất học; các hoạt động văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, MTTQ và các đoàn thể Nhân dân phát huy được vai trò tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ; lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền được củng cố và nâng lên.

Với việc xác định rõ quan điểm: XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đi đôi với áp dụng các tiêu chí đô thị và phát triển hạ tầng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đã đề ra 4 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá (trong đó có Chương trình phát triển công nghiệp, đô thị huyện Hoằng Hóa giai đoạn 2020-2025; Đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông). Vì lẽ đó, thời gian qua, Hoằng Hóa huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển và thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhiều chương trình, dự án quan trọng được triển khai thực hiện như: Tuyến đường nối từ Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 45; tuyến đường Quỳ-Xuyên, đường Kim-Quỳ, đường nối từ Quốc lộ 10 đi Hải Tiến; đường Thịnh- Đông... Đến nay toàn huyện có hơn 50km tuyến đường có quy mô từ 4 - 6 làn xe; các tuyến đường trong khu dân cư được nâng cấp, mở rộng, thảm nhựa và đầu tư đường điện chiếu sáng... Diện mạo của huyện có nhiều thay đổi, khởi sắc mới theo hướng đô thị hóa.

Đó là những kết quả cho thấy huyện đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, từ “chất” sang “lượng”, từ “bề rộng” sang “chiều sâu”. Những bước chuyển ấy có phải là tiền đề, động lực để huyện Hoằng Hóa mạnh dạn có những bước tiến nhanh, tiến mạnh trên hành trình phấn đấu được công nhận đô thị loại IV, trở thành thị xã trước năm 2030.

-PV: Vừa qua, tại Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 10/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa đến năm 2045. Ông cho biết ý nghĩa của quyết định này đến sự phát triển của huyện?

Ông Lê Thanh Hải: Đây là kết quả của sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và là kết quả từ quá trình phấn đấu của toàn thể cán bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Các quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp trong nhiệm vụ quy hoạch sẽ được nghiên cứu, làm rõ trong quá trình lập đồ án quy hoạch. Việc lập quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của huyện; là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng huyện Hoằng Hóa thành đô thị phát triển bền vững, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với phát triển công nghiệp - dịch vụ, du lịch là nền tảng; trở thành đô thị hiện đại, thông minh, sinh thái, phát triển bền vững.

- PV: Tại nhiệm vụ quy hoạch chung đã được phê duyệt chỉ rõ: Phát triển KT-XH đô thị Hoằng Hóa đặt trong tổng thể gắn bó chặt chẽ trong phát triển KT-XH tỉnh Thanh Hóa, cùng với TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Quảng Xương. Đồng thời, phát triển đô thị Hoằng Hóa theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hợp tác và hội nhập... Huyện Hoằng Hóa giải quyết mối quan hệ giữa 3 trụ cột: Thiên nhiên - con người - văn hóa như thế nào trong đường hướng phát triển?

Ông Lê Thanh Hải: Với yếu tố thiên nhiên có nhiều ưu đãi, nằm ngay vị trí cửa ngõ phía Bắc TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa hội tụ đầy đủ các đặc điểm địa lý của tỉnh là: có núi, rừng, sông, lạch, biển, có trục đường giao thông Quốc lộ 1A chạy qua... Đây là những tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Đồng thời Hoằng Hóa là vùng đất khoa bảng của xứ Thanh “địa linh, nhân kiệt”, quê hương cách mạng tiêu biểu. Qua các triều đại phong kiến, huyện có 48 người đỗ tiến sĩ được ghi danh bia ở Quốc Tử Giám; là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng với 16 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 77 di tích cấp tỉnh. Lực lượng lao động Hoằng Hóa tương đối dồi dào, là huyện có dân số trẻ đứng nhất nhì toàn tỉnh. Vốn cần cù, chịu khó, hiếu học, ngày nay nhiều con em Hoằng Hóa trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương và các địa phương trên cả nước.

Thiên nhiên - văn hóa - con người, đó là những nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển mà không phải địa phương nào cũng hội tụ đủ. Quan điểm xuyên suốt của huyện qua các thời kỳ luôn phát triển kinh tế dựa vào viêc khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có; hội nhập và phát triển nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của địa phương. Trong quá trình xây dựng đô thị, huyện sẽ xây dựng và triển khai các giải pháp, cách làm hướng tới phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất trên quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

- PV: Về tính chất đô thị, theo nhiệm vụ Quy hoạch chung đã được phê duyệt, Hoằng Hóa là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh; trung tâm về công nghiệp và dịch vụ, du lịch; đô thị phát triển đa ngành. Du lịch Hoằng Hóa đang dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện nói riêng, ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên, hình dung về trung tâm công nghiệp và dịch vụ ở một vùng đất ven biển với căn cốt là nông nghiệp, ngư nghiệp như huyện Hoằng Hóa là “bài toán khó”, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đối với Hoằng Hóa là bài toán khó. Tuy nhiên với quyết tâm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, huyện Hoằng Hóa đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Hoằng Hóa được công nhận đô thị và trở thành thị xã trước năm 2030 với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch.

Hiện nay, Khu Du lịch biển Hải Tiến huyện Hoằng Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 61 địa điểm tiềm năng được quy hoạch phát triển trở thành khu du lịch quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Hoằng Hóa có 2 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất công nghiệp gần 1.400ha...

Huyện Hoằng Hóa đang đẩy mạnh công tác lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, trong đó Khu Công nghiệp Phú Quý đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp giai đoạn 1 vào cuối năm 2026; Khu Công nghiệp Bắc Hoằng Hóa dự kiến phê duyệt quy hoạch phân khu vào quý IV/2024; đồng thời thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào các khu, cụm công nghiệp như: Tập đoàn WHA, Tập đoàn BNB, Công ty CP Đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Thanh Hóa...

Đối với 2 cụm công nghiệp hiện có gồm Cụm Công nghiệp Bắc Hoằng Hóa và Cụm Công nghiệp Thái Thắng, tỷ lệ lấp đầy đạt trung bình trên 75%. Nổi bật đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài với quy mô dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty Sakurai (Nhật Bản); Tập đoàn NAN CHEUNG KNITTING FACTORY LIMITED của Hồng Kông...

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thành lập và kêu gọi đầu tư tại các cụm công nghiệp thành lập mới. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân trong huyện. Tiếp tục định hướng cho các thành phần kinh tế phát triển và hoạt động có hiệu quả; củng cố, thành lập mới các HTX, các tổ hợp tác, liên minh, liên kết hoạt động có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng ổn định và bền vững; chú trọng xây dựng chuỗi liên kết theo giá trị, nhất là xây dựng vùng lúa chất lượng cao; xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn để đảm bảo yêu cầu thị trường.

- PV: Quy hoạch là “xương sống”, huyết mạch của sự phát triển đồng bộ và bền vững. Đô thị hóa là tất yếu, khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển. Vì vậy, mỗi bước đi, dấu mốc trên hành trình ấy cần được xác lập một cách khoa học, bài bản, vững vàng. Từ nhận thức ấy, thời gian tới, huyện Hoằng Hóa sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể nào để đạt được mục tiêu đã đề ra?

Ông Lê Thanh Hải: Trước mắt huyện Hoằng Hóa sẽ tập trung lập quy hoạch chung đô thị toàn huyện để trình các cấp, các ngành có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2025. Trong quá trình lập đồ án quy hoạch sẽ chú trọng nghiên cứu, định hướng phát triển không gian đô thị hài hòa, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương; trong đó vừa đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Để đồ án quy hoạch có chất lượng, huyện sẽ thành lập ban chỉ đạo gồm nhiều phòng, ban, ngành cấp huyện; mời các chuyên gia đầu ngành và con em Hoằng Hóa đóng góp ý kiến để hoàn thiện đồ án quy hoạch tốt nhất, khoa học nhất.

Phát triển KT-XH của huyện theo hướng “xanh, bền vững và hài hòa”; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất học xứ Thanh nói chung, con người Hoằng Hóa nói riêng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối nội bộ giữa các khu, điểm du lịch với nhau và với các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ của huyện. Tập trung kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa quyết tâm, nỗ lực xây dựng huyện Hoằng Hóa trở thành thị xã công nghiệp, phát triển văn minh, hiện đại.

Hương Thảo (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]