(Baothanhhoa.vn) - Việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu khách quan từ thực tiễn để hiện đại hóa nền nông nghiệp. Sản xuất quy mô lớn nhưng số lượng lao động càng ít nhờ yếu tố công nghệ chính là mục tiêu của “nông nghiệp thông minh” mà nhiều nước đã và đang hướng tới. Tại Thanh Hóa, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã năng động đầu tư, du nhập các phương thức sản xuất hiện đại, góp phần từng bước cho phát triển nông nghiệp thông minh.

Nông nghiệp thông minh - những tín hiệu vui từ cơ sở

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu khách quan từ thực tiễn để hiện đại hóa nền nông nghiệp. Sản xuất quy mô lớn nhưng số lượng lao động càng ít nhờ yếu tố công nghệ chính là mục tiêu của “nông nghiệp thông minh” mà nhiều nước đã và đang hướng tới. Tại Thanh Hóa, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã năng động đầu tư, du nhập các phương thức sản xuất hiện đại, góp phần từng bước cho phát triển nông nghiệp thông minh.

Nông nghiệp thông minh - những tín hiệu vui từ cơ sởMô hình trồng nho ở xã Xuân Du áp dụng hệ thống tưới cảm ứng tự động.

Tại thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng của huyện miền núi Thường Xuân, trang trại trồng bưởi theo hướng hữu cơ của ông Lê Xuân Hoàng đang áp dụng những tiến bộ khoa học hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Phương thức canh tác tại đây đang đi theo hướng nông nghiệp thông minh, bước đầu đạt đến trình độ “số hóa” như ở nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Một vùng chân đồi màu mỡ, thoai thoải chỉ trồng thuần bưởi Diễn, bưởi đỏ ruột hồng với 8 ha, tương đương 2.000 gốc. Với gần 6 năm gây dựng, đến nay, ông Hoàng đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng cho trồng cây và phát triển hệ thống hạ tầng, mua sắm máy móc cho quá trình sản xuất quy mô lớn. Với nguồn nước tưới thuận lợi từ một khu đập cách trang trại gần 1 km được dẫn về bằng đường ống, chỉ cần mở van điện là toàn bộ hệ thống tưới phun mưa hoạt động.

Đáng nói, toàn bộ quá trình canh tác, chăm sóc bưởi được cập nhật vào ứng dụng phần mềm trên nền tảng Internet. Từng cây bưởi đều có “tên” bằng các con số, có thể tra cứu được trên mạng. Ngày nào, bón loại phân gì đều được cập nhật trên phần mềm nên khách hàng có thể theo dõi, kiểm tra quá trình canh tác mà không cần đến trang trại. Thay vì phải dùng hàng chục lao động trong nhiều ngày, việc bón phân cho “rừng” bưởi mênh mông này cũng chỉ cần 1 lao động hòa dinh dưỡng dạng lỏng vào các thùng nhựa lớn lắp đặt sẵn, bật hệ thống bơm là dưỡng chất được đẩy theo các đường ống ngầm trong lòng đất đến từng gốc cây. Với những đường nội vườn rộng mở cho phát triển cơ giới hóa, nhiều khâu chăm sóc bưởi cũng được ứng dụng máy móc. Việc thu hoạch bưởi cũng được ông Hoàng mua các xe nâng bánh xích, có thể vận chuyển nhanh trong địa hình phức tạp, nâng người lên hái bưởi để chuyền xuống đất nhằm nâng cao năng suất.

Trên vùng bán sơn địa thuộc xã Xuân Du (Như Thanh), thanh niên Hoàng Văn Tuấn đã tích tụ đất đai, đầu tư mô hình trồng nho sữa và nho Kyoho Nhật Bản. Thuộc vùng đất của những cây đào phai nổi tiếng, đang cho thấy hiệu quả nhưng chàng thanh niên sinh năm 1986 đã tìm cho mình một hướng đi riêng. Sự năng động và dám làm khiến anh Tuấn có phương cách canh tác khác với truyền thống địa phương. Trước khi đầu tư, anh đã thuê chuyên gia từ Ấn Độ sang kiểm tra chất đất, khí hậu và kết luận ở vùng này trồng được nho. Đây là cây trồng hoàn toàn mới ở địa phương, yêu cầu kỹ thuật canh tác cao nên anh quyết định đầu tư vốn lớn. Ngoài bón phân, quan trọng nhất là độ ẩm cho cây thì anh đã “chiếm lĩnh” được công nghệ tưới. Theo đó, khi đất vùng trồng khô đến một độ nhất định, hệ thống cảm ứng đo độ ẩm tự hoạt động. Những giọt nước theo hệ thống tưới nhỏ giọt được dẫn đến từng gốc cây để làm ẩm. Khi cây đủ lượng nước cần thiết, hệ thống tưới sẽ tự ngắt. Đây chính là cách thức canh tác trong phát triển nông nghiệp thông minh, vừa hạn chế được lao động thủ công, vừa tính toán được lượng nước một cách khoa học nhất. Hiện nay mỗi năm, nho tại mô hình này cho thu hoạch 2 lứa. Do được canh tác sạch theo hướng hữu cơ, bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm được một chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội ký hợp đồng bao tiêu lâu dài. Với tổng 1.500 gốc nho trên diện tích gần 6.000m2, mỗi năm mô hình cho thu hoạch trung bình 2,5 tấn nho sữa và 1,5 tấn nho Kyoho với tổng giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí có lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.

Ở khu vực chân núi của xã Thọ Bình (Triệu Sơn), thanh niên Nguyễn Văn Lâm đã thành công với trang trại gà lông trắng hiện đại bậc nhất tỉnh. Mỗi lứa gà có tới 10.000 con, nhưng chủ trang trại chỉ cần 3 - 4 lao động, bởi các khâu chăm sóc hằng ngày gần như được tự động hóa. Các công nhân chỉ cần đổ các bao thức ăn vào một máng lớn phía ngoài khu trại nuôi, hệ thống máy móc tự động sẽ chuyền thức ăn đến từng khu vực chuồng. Đây cũng là cách để cách ly đàn vật nuôi, tránh tiếp xúc với những mầm bệnh do con người mang đến. Khâu điều chỉnh nhiệt độ làm mát chuồng nuôi đã có hệ thống cảm biến, khi cần bật hệ thống quạt gió làm mát chuồng nuôi cũng chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh.

Tại xã Nga Thạch (Nga Sơn), trang trại trồng trọt của kỹ sư Nguyễn Văn Nam chuyên trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà màng và các loại hoa. Từ nhiều vụ gần đây, anh đã lắp hệ thống tưới tự động, điều khiển bằng điện thoại thông minh. “Tôi có thể ngồi tại Hà Nội hoặc thậm chí ở nước ngoài nhưng có thể tưới cho cây trồng trong trang trại bởi chỉ cần một thao tác trên điện thoại” - anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Còn rất nhiều ví dụ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, trong đó có hàng trăm sản phẩm nông sản đã được xây dựng và dán tem truy xuất nguồn gốc QRCode gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu. Nhiều mô hình tự động hóa trong canh tác, chăm sóc đàn vật nuôi, phát triển thị trường sản phẩm trên không gian mạng... cũng đã và đang được thiết lập.

Dẫu biết rằng, nông nghiệp thông minh mới bắt đầu manh nha, để phát triển phải từng bước và có chiến lược cụ thể từ tỉnh và ngành nông nghiệp. Một thực tế là hiện nay, người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất truyền thống khó triển khai được các yếu tố của nông nghiệp thông minh, nên rất cần tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Doanh nghiệp mới có đủ tiềm lực, điều kiện để đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]