Những chàng trai vùng biên tiên phong làm du lịch

(Baothanhhoa.vn) - Tôi ghé Nà Tén Kéo - điểm kinh doanh ẩm thực, tham quan du lịch, checkin được giới trẻ trên địa bàn huyện Mường Lát cũng như du khách yêu thích. Chủ nhân điểm kinh doanh là hai chàng trai người dân tộc Thái: Vi Văn Nhiên (sinh năm 1994) và Vi Văn Quang (sinh năm 1996), đều cư trú ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát.

Tôi ghé Nà Tén Kéo - điểm kinh doanh ẩm thực, tham quan du lịch, checkin được giới trẻ trên địa bàn huyện Mường Lát cũng như du khách yêu thích. Chủ nhân điểm kinh doanh là hai chàng trai người dân tộc Thái: Vi Văn Nhiên (sinh năm 1994) và Vi Văn Quang (sinh năm 1996), đều cư trú ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát.

Những chàng trai vùng biên tiên phong làm du lịchKhu Nà Tén Kéo - điểm đến tham quan du lịch, checkin được giới trẻ huyện Mường Lát yêu thích.

Những ngày này, lượng khách đặt chỗ tại quán gần như kín mít. Quang và Nhiên luôn tay, luôn chân với công việc. Từ đi gom thực phẩm trong các bản, cho tới lên đơn, xếp lịch cho khách...

Nhìn chàng trai trẻ trong bộ sơ mi trắng bảnh bao, hoạt ngôn, niềm nở khi nói chuyện với khách, ít ai nghĩ Quang mới chỉ học hết THCS. Trước khi đến với mô hình làm dịch vụ du lịch, Quang là thợ sửa chữa xe máy.

Nói về cơ duyên khiến Quang chuyển sang làm dịch vụ du lịch, em cười một cách vui vẻ, chỉ tay về phía vườn đu đủ.

Khoảng cuối năm 2023 mô hình vườn đu đủ đực lấy hoa, rộng gần 1ha của chi hội phụ nữ khu phố Tén Tằn thất bại. Lý do được cho là chị em nhập giống đu đủ đực thì cây lại đơm trái. Không muốn chặt bỏ lãng phí, tận dụng vị trí gần cửa khẩu, sự xanh mướt của vườn đu đủ, cảnh núi rừng đẹp, Quang đã nảy ra ý tưởng làm điểm kinh doanh dịch vụ ẩm thực, kết hợp tổ chức các sự kiện, đón tiếp khách đến tham quan. Sau khi xin phép chính quyền và bàn bạc với chi hội phụ nữ khu phố, Quang và Nhiên được tiếp quản khu vườn.

Để nhiều người biết đến địa điểm của mình, Quang và Nhiên ngày nào cũng lên facebook, zalo, tiktok để quảng bá. Thậm chí lập fanpage để giới thiệu món ăn đặc trưng, hay ghim địa chỉ lên Google Maps để thuận tiện cho khách miền xuôi dễ dàng tìm đến. Nhờ đó, lượng khách đến khu vườn mỗi ngày một đông. Hiện tại, mô hình của Quang và Nhiên đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động chính và nhiều lao động thời vụ. Dự định sắp tới của hai chàng trai này sẽ là mở rộng thêm nhiều dịch vụ mới như đưa đón khách đến các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn; các di tích lịch sử; các bản vùng biên...

Cũng tâm huyết với niềm đam mê làm du lịch, chàng trai dân tộc Thái Hoàng Văn Nhiệm ở bản Lát, xã Tam Chung sau khi tốt nghiệp đại học trở về quê và gắn với các hoạt động của đoàn thanh niên địa phương. Ngoài đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn xã Tam Chung, Nhiệm còn là chủ sở hữu của một khu du lịch có tên là Nà Cú.

Trải nghiệm những thửa ruộng bậc thang cấy lúa, những bờ bãi để trồng các loại hoa như cải, tam giác mạch, hướng dương... không chỉ tôi mà nhiều du khách không giấu được niềm thích thú. Những vật dụng để làm nên lán, lều hay những cây cầu bắc qua suối đều được Nhiệm tận dụng từ vườn luồng, đồi xoan của gia đình. Theo Nhiệm, trung bình mỗi tháng anh đón khoảng 7 đến 10 đoàn khách, chủ yếu là người dưới xuôi lên công tác hoặc đi du lịch. Ngoài việc chụp ảnh checkin, trải nghiệm đồng ruộng, leo đồi, thì phần tổ chức sự kiện, giao lưu ẩm thực nếu du khách có nhu cầu các bạn nhân viên sẽ lên thực đơn với những món ăn dân dã, đậm chất vùng cao.

Đánh giá về những mô hình do chính những chàng trai vùng biên làm chủ, niềm tự hào hiện rõ trên gương mặt của Bí thư Huyện đoàn Mường Lát Lâu Văn Phía. Bí thư Phía cho biết, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh; đến năm 2030 trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương, đưa Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững, ngày 18/5/2023 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1673/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch gồm: Du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện và các bản làng biên giới. Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, gắn với các địa danh thu hút sự khám phá bản Sài Khao, bia tưởng niệm Tây Tiến, cột mốc 281... Du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu học tập, tham quan, nghỉ dưỡng gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Du lịch biên giới gắn với cửa khẩu Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, bản làng ven biên giới.

Để huyện Mường Lát thực hiện được những mục tiêu trên, sự tiên phong của các chàng trai như Quang, Nhiên, Nhiệm... là rất đáng ghi nhận. Sự thành công bước đầu của những mô hình này đã và đang góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường khu vực biên giới.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

15°C - 25°C
Ít mây, không mưa
  • 13°C - 25°C
    Ít mây, không mưa
  • 14°C - 25°C
    Ít mây, không mưa
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]