(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách kết hợp xin ăn đã xuất hiện trở lại ở một số khu vực, tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và văn minh đô thị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối tình trạng ăn xin biến tướng

Thời gian gần đây, tình trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách kết hợp xin ăn đã xuất hiện trở lại ở một số khu vực, tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và văn minh đô thị.

Tình trạng ăn xin hè phố làm mất mỹ quan đô thị.

Đã nhiều lần tôi gặp Hoa, một cô bé gầy gò, đôi mắt to, da ngăm đen, tóc rối bời lang thang bán hàng rong trong những quán ăn, những cửa hàng đông khách. Nhìn vào ánh mắt của em khiến tôi phải tìm hiểu hoàn cảnh về cô bé này để thỏa mãn trí tò mò. Được biết, Hoa đang sống cùng ông, bà ngoại tại xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa). Năm nay đã 15 tuổi nhưng Hoa nhỏ thó như đứa trẻ lên 8. Dù đang tuổi ăn, tuổi học nhưng vì cuộc sống khó khăn nên em phải lang thang khắp nơi lo miếng cơm cho cả nhà. Ông ngoại của Hoa năm nay đã ngoài 70 tuổi, bị tàn tật chỉ nằm một chỗ; bà của Hoa tuổi đã cao nên gánh nặng cơm áo, gạo tiền đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của em. Từ khi lọt lòng, Hoa đã không biết mặt cha mình. Mẹ em bỏ đi biệt tăm, rất ít khi liên lạc với gia đình. Dù nắng hay mưa thì hàng ngày công việc của Hoa đều bắt đầu từ sáng sớm và chỉ kết thúc khi trời đã khuya. Như một thói quen, bất cứ gặp ai em đều chìa giỏ hàng ra mời chào. Cô bé tự đặt ra cho mình mục tiêu, mỗi ngày phải bán được 200 nghìn đồng tiền hàng để có lãi 100 nghìn đồng. Số tiền này tạm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày cho 3 người.

Chúng tôi đã tìm hiểu tại một số địa điểm trên địa bàn TP Thanh Hóa về tình trạng người lang thang, ăn xin. Tại chợ Điện Biên, hai đối tượng như người khuyết tật, ăn mặc rách rưới, một người hát, một người cầm ca nhựa cũ xin tiền lẻ của những người bán hàng và khách đi chợ. Chị Mai Thị Thúy, người bán rau tại chợ cho biết: Hầu như ngày nào cũng có người hát rong xin tiền ở chợ, trước đây, tôi còn thấy có một chị bị tật nguyền bế theo một đứa trẻ lê lết ở chợ xin tiền, có cả một ông cụ ăn mặc rách rưới ngày nào cũng ngồi ngay giữa chợ, đặt chiếc mũ cối rách trước mặt để người đi đường cho tiền. Tại chợ Tây Thành, chúng tôi quan sát thấy 2 trường hợp lang thang, xin ăn, người phụ nữ gầy gò, ăn mặc lấm lem bán tăm rong chèo kéo, nài nỉ người đi chợ mua tăm, hai người đàn ông tầm trung tuổi bị dị tật hát rong...

Các đối tượng hành nghề ăn xin chủ yếu bằng chiêu thức lợi dụng lòng thương cảm của cộng đồng để xin tiền hoặc đi hát rong, bán hàng rong, chèo kéo khách mua hàng. Có người ăn xin do hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, cũng có một số đối tượng giả người khuyết tật lăn lê trên các đường phố để xin tiền. Chỉ cần dành mươi phút để ngồi ở một quán nước bất kỳ tại Quảng trường Lam Sơn, chúng tôi gặp khá nhiều người đến xin tiền. Đối tượng là các cháu nhỏ khoảng 5 – 10 tuổi với những hộp hoặc thanh kẹo cao su trên tay; những bà mẹ trẻ với đứa bé trông có vẻ ốm yếu, dặt dẹo trên tay chìa những giỏ hàng tăm, tăm bông, thuốc lá; hay những người khuyết tật lê lết tại các tuyến phố đông người... Công khai hơn, có người sẵn sàng chìa tay xin tiền với “điệp khúc” như: Nuôi người thân đang nằm viện, bị kẻ gian lấy hết tiền, nhà nghèo quá, xin vé đi tàu xe... Tình trạng đó xuất hiện nhiều nhất ở các cơ sở kinh doanh ăn uống, chợ, các địa điểm đông dân cư. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng giả danh là người nhà chùa, trung tâm nhân đạo đến gõ cửa nhà xin tiền. Những đối tượng này thường ở lứa tuổi trung niên, tay cầm theo cuốn sổ, nói là làm từ thiện sẽ được ghi vào danh sách ủng hộ. Bực tức trước tình trạng ăn xin biến tướng, có người đã phải hỏi chứng minh nhân dân và dọa gọi công an thì họ mới bỏ đi.

Với mục tiêu hướng đến xây dựng thành công thành phố văn hóa du lịch, thời gian qua, TP Thanh Hóa luôn nỗ lực cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân, gìn giữ cảnh quan môi trường đô thị, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, công dân thân thiện. Phần lớn người dân địa phương đều có việc làm, với thu nhập ổn định. Số lượng người ăn xin hoặc bán dạo trong thành phố hầu hết đều là người từ nơi khác đến. Trước đây, thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, phường thực hiện tốt việc quản lý địa bàn, không để các đối tượng lang thang cơ nhỡ xin ăn, ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố và gây phiền hà đến người dân và du khách. Từ sự quyết liệt của địa phương, một thời gian dài, số lượng người hành nghề ăn xin, bán dạo tại TP Thanh Hóa đã giảm hẳn. Song thời gian gần đây tình trạng này lại gia tăng trở lại với đủ kiểu cách hoạt động.

Tinh thần tương thân, tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song trên thực tế, nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tốt của người khác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, văn minh đô thị. Nhiều thanh niên, người trung niên khỏe mạnh nhưng không chịu lao động mà đi theo con đường lang thang, lừa lọc, chăn dắt trẻ em, người già, người tàn tật hành nghề ăn xin. Đây là vấn đề xã hội khá nhức nhối cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền, địa phương và lực lượng chức năng.

Để khắc phục tình trạng ăn xin, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, như: Đối với các đối tượng hành nghề ăn xin còn trong độ tuổi lao động và có người thân bảo lãnh thì giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, giúp vốn sản xuất hoặc kinh doanh để họ có việc làm ổn định. Đồng thời, bàn giao các đối tượng này cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát, vận động không quay lại hành nghề ăn xin. Đối với các đối tượng không nhà cửa, người thân bảo lãnh thì tập trung dài hạn để dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục nhân cách sống, định hướng nghề nghiệp để họ không hành nghề ăn xin nữa. Riêng các đối tượng quá tuổi lao động, bệnh tật, không người thân hay chính quyền địa phương bảo lãnh, tiếp nhận thì đưa về nuôi dưỡng tập trung dài hạn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương). Đồng thời, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có tình trạng người hành nghề lang thang, xin ăn. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, neo đơn tại cộng đồng. Cơ quan công an cũng cần vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng “chăn dắt” người già, trẻ em, người khuyết tật để hành nghề ăn xin có tổ chức. Người dân cũng cần tỉnh táo và đặt lòng nhân ái đúng cách, đúng đối tượng.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]